Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu "làn sóng" bán giải chấp cổ phiếu

(Banker.vn) Hầu hết các cổ phiếu bị bán giải chấp nêu trên đều có mức sụt giảm mạnh so với thị trường và so với các cổ phiếu trong nhóm bất động sản trong hai tháng gần đây...

Bối cảnh thị trường chứng khoán kém khả quan, hàng loạt mã chứng khoán lao dốc đang kéo theo hệ lụy nhiều nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp cổ phiếu. Trong vòng một tháng nay, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu

Cụ thể, hàng loạt lãnh đạo của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) liên tiếp bị các công ty chứng khoán thông báo về việc bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu DIG liên tục giảm mạnh và đang giao dịch quanh vùng đáy 2 năm.

Theo đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam thông báo ngày 7/11 bán giải chấp 2.131.548 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE); dự kiến giải chấp 1.474.031 cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường - Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Tuấn và bán giải chấp 1.445.195 cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời là con gái ông Tuấn. Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng bị bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG từ ngày 4/11 và hơn 3,04 triệu cổ phiếu vào phiên 27 và 28/10.

Đến ngày 8/11, Chứng Khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) thông báo về việc bán giải chấp 3,9 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn kể từ ngày 8/11. Đồng thời, MAS dự kiến bán giải chấp 2,1 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp kể từ 8/11. Trước đó vào ngày 4/11, MAS cũng thông bán bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn.

Cùng ngày, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thông báo về việc sẽ bán giải chấp 398.600 cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hùng Cường. Cổ đông lớn nhất của DIC Corp là Công ty CP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng sẽ bị bán giải chấp 1,1 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 8/11.

Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng của Công ty cổ phần Đầu tư LDG cuối tháng 10 cũng bị buộc bán ra 713.000 cổ phiếu LDG thông qua phương thức khớp lệnh trong ngày 28/10. Ông Hưng tiếp tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,8 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 8/11, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 11% về còn 9,41%, tương đương với gần 22,6 triệu cổ phiếu.

Hầu hết các cổ phiếu bị bán giải chấp nêu trên đều có mức sụt giảm mạnh so với thị trường và so với các cổ phiếu trong nhóm bất động sản trong hai tháng gần đây.

CTCK đồng loạt hạ tỷ lệ cho vay margin

Bối cảnh đó, nhiều CTCK mới đây đã thông báo hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ của hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản. Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với 45 mã chứng khoán từ ngày 08/11/2022. Đây đều là các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản.

Theo đó, tỷ lệ ký quỹ tại DIG, VIC, LCG, BCM, DPG, VHM, VRE, DXG, NLG, KDH, IDC, HDG… được điều chỉnh giảm từ 50% xuống 40%; tỷ lệ cho vay margin tại TCH, KHG, CEO, HHS,… giảm từ 40% xuống 30%; tỷ lệ ký quỹ tại NBB, SCR, LDG, DRH. VPH,… điều chỉnh giảm từ 30% xuống 20%.

Riêng hai mã NVLPDR bị cắt margin từ 40% xuống còn 0%. KBSV cũng cho biết, với các khoản vay cũ, tỷ lệ cho vay mới cũng sẽ chính thức được áp dụng để tính tỷ lệ thực tế của tài khoản tại ngày 11/11/2022.

Tại Chứng khoán SHS , CTCK này cũng cắt margin đối với cổ phiếu PDR, loại mã chứng khoán này ra khỏi danh mục chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ tại SHS từ ngày 4/11/2022.

Tương tự, tại Chứng khoán Yuanta, theo thông báo cập nhật danh mục ký quỹ ngày 7/11, tỷ lệ cho vay tại một số mã bất động sản cũng có thay đổi so với danh sách công bố cuối tháng 10 trước đó. Trong đó, cổ phiếu PDR bị hạ tỷ lệ cho vay từ 50% xuống 30%, cổ phiếu DIG bị hạ tỷ lệ cho vay từ 40% xuống 30%.

Tại chứng khoán MBKE, công ty này cũng nâng tỷ lệ ký quỹ, hạ tỷ lệ cho vay với nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản. Chẳng hạn, tỷ lệ cho vay của PDR trước đây là 50% giờ còn 30%; HDC tỷ lệ cho vay trước đây là 40% gờ còn 30%; VHM từ 50% xuống còn 30%; VGC từ 50% còn 30%; HDG từ 50% còn 30%; IJC từ 40% còn 30% trong khi đó, NVL từ tỷ lệ cho vay 30% xuống cắt margin còn 0%.

CTCK Mirae Asset Việt Nam cũng đưa ra thông báo thay đổi tỷ lệ cho vay (margin) của một số mã chứng khoán trong danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ áp dụng từ ngày 7/11/2022. Cụ thể, tỷ lệ cho vay tại mã NVL, D2D bị hạ từ 50% xuống 40%, trong khi cổ phiếu KHG và SCR cũng bị hạ tỷ lệ margin từ 40% xuống 30%.

Với việc giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, việc hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán là điều không quá khó hiểu. Song, việc này đang khiến bối cảnh đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Hệ lụy từ làn sóng bán giải chấp cổ phiếu

Bán giải chấp cổ phiếu là công cụ được các CTCK thực hiện để bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định, giao dịch xảy ra khi nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin). Thông thường, CTCK sẽ thông báo trước để khắc phục và chỉ bán sau khi các nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục. Tuy nhiên chưa khi nào việc lãnh đạo cũng như cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu nhiều như ở thời điểm hiện tại.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh bị bắt thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc "bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu".

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, thị trường đã phản ứng thái quá với việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán bất chấp. Hệ lụy của nhóm bất động sản kích hoạt tâm lý tiêu cực cho cả thị trường dẫn đến nhiều phiên không có quá tin xấu nhưng Vn-Index lao dốc, mua bán cạn kiệt, thanh khoản chỉ chưa đạt 10.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC - nhận định có không ít cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp quá cần tiền nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc các công ty chứng khoán thông báo hạ margin này dự báo sẽ khiến cổ phiếu nhóm bất động sản còn khó khăn hơn trong thời gian tới khi mà thanh khoản đang là vấn đề "sống còn" của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Bán giải chấp cổ phiếu là gì?

Khi công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định được gọi là bán giải chấp cổ phiếu. Việc bán giải chấp cổ phiếu thường xảy ra khi các nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ và giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức cho phép của công ty chứng khoán tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chưa nộp thêm tiền.

Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán sẽ gửi thông báo đến khách hàng biết trước 1 đến 2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ do công ty chứng khoán quy định để đạt mức an toàn tối thiểu.

Giá thép hôm nay 10/11/2022: Lao đao trên sàn giao dịch Thượng Hải

Ghi nhận vào lúc 10h30 ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải quay ...

Chứng khoán phiên sáng 10/11: Đánh mất đà tăng, sắc đỏ lại "chiếm lĩnh"

Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/11, thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm trở khi phần lớn các bluechip đầu ngành đều chìm trong ...

Thị trường chứng khoán ngày 10/11/2022: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán