Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng

(Banker.vn) Thị trường bảo hiểm trong nước 2023 có sự tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp có mức tăng tới 30%; đầu tư trở lại nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Phát hiện sai phạm tại 4 doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?

Con số tăng trưởng cả năm 2023 của thị trường bảo hiểm chưa “chốt”, tuy nhiên, tính đến hết tháng 11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của thị trường ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vừa báo doanh thu 2023 với con số khả quan. Đơn cử như Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Năm qua, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, BIC vẫn xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với năm trước, hoàn thành 104% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với năm 2022, hoàn thành 105% kế hoạch năm, giúp BIC giữ vững vị trí Top 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và là động lực để tiếp tục nâng cao thứ hạng trong năm 2024 và những năm tới.

Các chỉ tiêu hiệu quả của BIC trong năm 2023 cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 580 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50% so với năm trước, hoàn thành 120% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận riêng trước thuế đạt gần 560 tỷ đồng, tăng trưởng trên 50% so với năm 2022. Đặc biệt, BIC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE cũng tăng cao, ở mức 6,4% và 17,0%.

Bên cạnh những kết quả kinh doanh tốt, năm 2023, BIC cũng đạt được nhiều kết quả tích cực ở các mặt hoạt động khác như: Được A.M. Best xếp hạng năng lực tài chính ở mức aaa.VN cao nhất tại Việt Nam; được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 50 công ty tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, năm 2024, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dự kiến thị trường bảo hiểm sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực. Mặc dù vậy, BIC vẫn quyết tâm thực hiện những mục tiêu để hướng tới dấu mốc kỷ niệm 20 năm thành lập, đó là: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, phấn đấu mục tiêu top 5 về thị phần; tiếp tục duy trì vị trí trong top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trên thị trường; nâng cao công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro theo hướng thận trọng, an toàn và hiệu quả.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương