Đoàn đại biểu NHNN tham dự Hội nghị Mùa xuân IMF/WB 2023

(Banker.vn) Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Mùa xuân IMF/WB 2023, trong các ngày 11 - 13/4/2023, đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà dẫn đầu đã có các buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB);...
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Mùa xuân IMF/WB 2023, trong các ngày 11 - 13/4/2023, đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà dẫn đầu đã có các buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); tham gia làm diễn giả thảo luận tại Hội thảo về Khai phá tiềm năng chuyển đổi số tại các nước Đông Nam Á do văn phòng nhóm Đông Nam Á tại IMF và WB phối hợp tổ chức; và tham dự Hội nghị bàn tròn các ngân hàng trung ương (NHTW) với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển” do Ủy ban Cơ sở hạ tầng thanh toán và thị trường (CPMI) thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức.
 
 

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tiếp Phó Chủ tịch WB phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.
 
Tại buổi gặp và làm việc với Bà Manuela V. Ferro - Phó Chủ tịch WB phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thống đốc đánh giá cao vai trò, hỗ trợ quan trọng của WB trong tiến trình cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Phó Thống đốc cũng trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm như tiến độ chuẩn bị, xây dựng Khung Đối tác Quốc gia (CPF) giai đoạn 2023 - 2027; phương án sử dụng vốn dư IDA và tiến độ đàm phán các dự án trong tài khóa 2023, góp vốn cho IFC… Phó Thống đốc mong muốn WB tiếp tục đồng hành, cung cấp hỗ trợ cả về tài chính và kĩ thuật cho Chính phủ, đặc biệt là trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Ferro ghi nhận những nỗ lực, cố gắng hai bên trong thời gian qua, khẳng định WB sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

image

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà và Phó Chủ tịch WB phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Trong buổi làm việc với Ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thống đốc đánh giá cao hỗ trợ của IFC cho khu vực tư nhân Việt Nam. Việt Nam được xếp là 1 trong 8 quốc gia nhận được nhiều vốn đầu tư của IFC nhất với danh mục tài trợ khoảng 2,7 tỉ USD tính đến tháng 12/2022. Phó Thống đốc cũng đề nghị IFC tiếp tục tập trung vốn vào những lĩnh vực Chính phủ ưu tiên kêu gọi đầu tư như năng lượng, nông nghiệp, sản xuất.

Về phía IFC, ông Ông Riccardo Puliti chúc mừng thành tích ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực, đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên. IFC ghi nhận những đề xuất từ phía NHNN và sẽ huy động thêm các nguồn lực cho Chính phủ trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu... trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc với Ông Hassan Zaman, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Khối tăng trường, công bằng, tài chính và thể chế, Phó Thống đốc đã thông tin về các kết quả hoạt động ngành ngân hàng đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển giai đoạn tới và đề xuất WB tiếp tục hỗ trợ ngành ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng, tập trung vào một số ưu tiên như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, tăng trưởng/tín dụng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện… thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, cung cấp các khoản hỗ trợ kĩ thuật, tăng cường năng lực.

Ông Hassan Zaman ghi nhận các ý kiến, đề xuất của NHNN và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN trong các chương trình, dự án WB đang triển khai cũng như sẽ huy động thêm các nguồn lực mới để hỗ trợ NHNN thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của ngành Ngân hàng.

Tại buổi tiếp ông Danny Alexander, Phó Chủ tịch AIIB phụ trách chính sách và chiến lược, Phó Thống đốc đánh giá cao AIIB, sau 07 năm thành lập đã không ngừng mở rộng hoạt động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và ngày càng nâng cao vai trò của một ngân hàng phát triển đa phương, chung tay cùng các tổ chức như WB, ADB... cung cấp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng khu vực châu Á.

Ông Alexander đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong hoạt động của AIIB. Trong thời gian đảm nhận vai trò Giám đốc nhóm nước, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của Ngân hàng, kết nối với Ban Lãnh đạo Ngân hàng, có những đóng góp hiệu quả và định hướng thiết thực cho hoạt động của AIIB. Ông khẳng định AIIB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

image

Quang cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã tham gia làm diễn giả tại Hội thảo về Khai phá tiềm năng chuyển đổi số tại các nước Đông Nam Á do văn phòng nhóm Đông Nam Á tại IMF và WB phối hợp tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo WB, IMF và các Thống đốc, Bộ trưởng tài chính các nước Đông Nam Á.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc cho biết trong lĩnh vực chuyển đổi số, ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất đinh, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với một số thách thức như xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao; quản lí, giám sát đối với các mô hình kinh doanh mới; bố trí nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào các giải pháp bao gồm hoàn thiện và củng cố khuôn khổ pháp lí, hoàn thiện quy định hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, yêu cầu xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, tăng cường giáo dục tài chính, đẩy mạnh kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Đánh giá về tác động của chuyển đổi số tới tài chính toàn diện, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cho phép 03 doanh nghiệp viễn thông thí điểm triển khai dịch vụ Mobile-Money cho phép người dân sử dụng thuê bao di động để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ tại các điểm chấp nhận thanh toán. Đến nay, mô hình này đã được triển khai với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai Đề án thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, cung ứng dịch vụ đến hơn 14 triệu khách hàng tại hơn 700 huyện, 10.000 xã với hơn 70.000 điểm giao dịch. Dự kiến dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng tới đây sẽ có quy định cho phép các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ giao đại lí cho các đơn vị kinh doanh để mở rộng, tạo điều kiện để người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng thuận tiện.

image

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội thảo Khai phá tiềm năng chuyển đổi số tại các nước Đông Nam Á.

Hội nghị bàn tròn các NHTW với chủ để “Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển” là sự kiện được CPMI, BIS tổ chức bên lề Hội nghị Mùa xuân IMF/WB 2023 nhằm tăng cường kết nối NHTW các nước trong thanh toán song phương và đa phương.

Phát biểu tại sự kiện của CPMI lần đầu tiên với tư cách thành viên chính thức của BIS, Phó Thống đốc đánh giá trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam có lợi thế là những nước đi sau, do đó có điều kiện học hỏi kinh nghiệm xây dựng khuôn khổ pháp lí, quản lí, lựa chọn công nghệ phù hợp với sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế như BIS, IMF, WB. Quá trình này đòi hỏi cách tiếp cận thận trọng, tính toán kỹ điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, nhưng cũng cần đảm bảo mức độ linh hoạt nhất định để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ thanh toán nói riêng.

Chia sẻ về chủ trương, chính sách trong nước, Phó Thống đốc cho biết Việt Nam đang trong quá trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mới, trong đó, hoạt động thanh toán là một trong những nội dung quan trọng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ thanh toán. Chính phủ Việt Nam đã đề ra Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, tiến hành chuẩn hóa thẻ chip và mã QR trên phạm vi toàn quốc, khuyến khích cá nhân, tổ chức mở tài khoản thanh toán… và đang trong quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm có quản lí trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẵn sàng chung tay, tham gia các sáng kiến về kết nối thanh toán qua biên giới với các nước và vùng lãnh thổ để tiến tới một thế giới số và nền kinh tế toàn cầu số hóa.

Theo sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục