Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long tìm các giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

(Banker.vn) Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn và Công văn số 650/TTg-QHĐP ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, ngày 27/7/2023, tại Hà Nội, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long tìm các giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn và Công văn số 650/TTg-QHĐP ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, ngày 27/7/2023, tại Hà Nội, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long tìm các giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Buổi làm việc được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Trụ sở NHNN, có đại diện các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía NHNN, có lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê, Vụ Truyền thông, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Văn phòng NHNN. Về phía hai điểm cầu UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Vĩnh Long, có lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn.

Mở đầu buổi làm việc, Đoàn công tác nghe báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2023; đánh giá việc xử lí các kiến nghị tại buổi làm việc trước vào ngày 12/5/2023 cũng như ghi nhận, giải quyết các vấn đề mới phát sinh để kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó, Đoàn công tác nghe ý kiến phát biểu, kiến nghị của sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh; đồng thời, nghe thông tin, giải đáp của thành viên Đoàn công tác từ các bộ, ngành.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN, Thành viên Chính phủ, Trưởng Đoàn công tác của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc

Về tình hình kinh tế - xã hội 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường: Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. GDP cả nước quý II/2023 tăng 4,14% so với cùng kì năm 2022; cao hơn so với mức tăng trưởng của Quý I/2023 (3,32%), tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GDP cả nước tăng 3,72%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm; an toàn hệ thống được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 54% dự toán năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro...

Mặc dù vậy, UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lí để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.  

Tại tỉnh Bến Tre: Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 3,40% so với cùng kì năm trước, thấp hơn tốc độ tăng GDP cả nước (3,72%), thấp hơn 5,9 điểm % so với Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Trong đó, tăng trưởng Khu vực I đạt 2,82%, Khu vực II đạt 5,99%, Khu vực III đạt 2,96%.

So với Quý I/2023, tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh Bến Tre tương đối thuận lợi; hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã có bước phục hồi tốt; hoạt động thương mại, dịch vụ khá sôi động; tuy nhiên, còn gặp không ít khó khăn ở một số ngành chế biến các sản phẩm từ dừa - là sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản xuất các sản phẩm da, may mặc… do thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm.

Tại tỉnh Vĩnh Long: Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng khoảng 1,5% so với cùng kì năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (3,72%), nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng thấp của cả nước. Trong đó, Khu vực I tăng 1,92%; Khu vực II giảm 8,47%; Khu vực III tăng 6,1%.

So với Quý I/2023, các ngành nông, lâm, thủy sản và dịch vụ tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực so với các tháng trước nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm; ngành công nghiệp và xây dựng có tăng so với các tháng trước nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kì.  

Các khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của các tỉnh như: Một số sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực từ cây ăn trái, các sản phẩm từ da, may mặc... sụt giảm do nhu cầu thị trường; công nghiệp phục hồi chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch đề ra…
 
Quang cảnh tại hai điểm cầu UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long
 
Về tình hình xử lí các kiến nghị của hai tỉnh đến nay

Đối với tỉnh Bến Tre: Tại buổi làm việc tháng 5/2023, UBND tỉnh Bến Tre có 22 kiến nghị, đến nay đều đã được giải đáp/xử lí, trong đó: (i) 07 kiến nghị đã được xử lí, gồm: 02 kiến nghị về tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất; 05 kiến nghị về xác định giá đất giải phóng mặt bằng, quy trình/thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở, kiến trúc đô thị do đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); (ii) 15 kiến nghị đã và đang tiếp tục xử lí, gồm các kiến nghị liên quan đến đất đai (giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vấn đề tài chính đất đai và giá đất; vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…); thủ tục đầu tư các dự án đầu tư; thị trường, xuất nhập khẩu; quy hoạch đô thị; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện các dự án; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu… Các kiến nghị này đã và đang được các bộ, ngành trao đổi, tổng hợp và tiếp tục triển khai, xử lí do liên quan đến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo Quy hoạch rừng, các điều kiện đàm phán xuất khẩu từ phía nước bạn....

Bên cạnh đó, các kiến nghị này cũng cần sự phối hợp tích cực của các địa phương với các bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng; cung cấp các thông tin liên quan đến các sản phẩm xúc tiến thương mại... Ngoài ra, 04 kiến nghị bổ sung tại buổi làm việc cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp/trả lời.
 
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác của Chính phủ tại điểm cầu Trụ sở NHNN

Đối với tỉnh Vĩnh Long: Tại buổi làm việc tháng 5/2023, tỉnh Vĩnh Long có 08 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, đến nay đều đã được xử lí và tiếp tục xử lí, gồm: 04 kiến nghị về đầu tư, xây dựng; 02 kiến nghị về chính sách tín dụng; 01 kiến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí; 01 kiến nghị về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại. Cụ thể: 05 kiến nghị đã được Bộ Tài chính, NHNN và Bộ Công Thương xử lí xong, gồm các kiến nghị về giảm thuế VAT; chính sách tín dụng (02 kiến nghị); hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại; ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 209/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lí và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở; Thông tư số 210/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lí và sử dụng phí thẩm định thiết kế kĩ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng. Đối với 03 kiến nghị còn lại đã được các bộ, ngành trao đổi thông tin và hướng xử lí theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gồm kiến nghị liên quan đến điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; dự thảo Luật Quy hoạch nông thôn (sửa đổi); xác định chi phí đầu tư, xây dựng theo hướng dẫn tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lí chi phí đầu tư xây dựng.    
   
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Đoàn công tác đề nghị, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với kết quả cao nhất, trong 6 tháng cuối năm, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 về tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 về phiên họp Chính phủ thường kì tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỉ luật, kỉ cương.

Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước và các vùng, địa phương. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 (mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bến Tre là 9,3%, Vĩnh Long là 8%) là thách thức rất lớn; trong các quý còn lại các tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại nêu trên phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khơi thông nguồn lực, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); trong đó, đặc biệt tập trung và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hóa, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời, chủ động phối với hợp các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư các dự án.

Đối với tỉnh Bến Tre:

Thứ nhất, đề nghị UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án ODA, cấp các thông tin liên quan phục vụ làm việc/đàm phán Hoa Kỳ về xuất khẩu trái dừa, hoàn thiện thủ tục triển khai các dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh tại Việt Nam… Đồng thời, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bến Tre nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 18/3/2023 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bến Tre.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế địa phương theo hướng: (i) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị đối với những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa, thủy, hải sản; (ii) Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu như các sản phẩm tỉnh có thế mạnh như cây dừa, trái cây, tôm...; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án lớn, có lợi thế, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Khai thác tối đa lợi thế của địa phương, nhất là dịch vụ du lịch và các ngành có thế mạnh, chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ tư, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư cho phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, nhất là các công trình giao thông liên vùng.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

 Đối với tỉnh Vĩnh Long:

Thứ nhất, tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị. Phát triển văn hóa một cách bài bản, bền vững gắn với phát triển du lịch.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ, giải quyết hiệu quả khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chúc tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa; khắc phục các khó khăn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025 như kế hoạch đề ra.

 
Minh Châu
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục