Chung cư xanh - hướng phát triển bền vững ngành bất động sản Bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng năm 2025 Sắp ra mắt niên giám bất động sản công nghiệp Việt Nam |
Sức bật mới của phân khúc nhà ở xã hội
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, năm 2025, thị trường bất động sản sẽ tiến vào chu kỳ mới, bất chấp một số khó khăn, trở ngại còn sót lại. Nhiệt của thị trường sẽ tỏa dần và đều hơn giữa các khu vực. Trong đó, khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục sức nóng, khu vực miền Nam sẽ có dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt.
Cụ thể, đối với phân khúc bất động sản nhà ở, nguồn cung dự báo tăng trưởng, vẫn được đóng góp chủ yếu bởi các đại đô thị vùng ven. Ước tính, nguồn cung bất động sản tại Thành phố Hà Nội và các đô thị vệ tinh đạt khoảng 37.000 sản phẩm, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ven ước tính đạt khoảng 18.000 sản phẩm. Nguồn cung bất động sản nhà ở giảm bớt sự phân hóa theo khu vực.
Cơ cấu nguồn cung vẫn chủ yếu là sản phẩm cao cấp, hạng sang. Tuy nhiên, phân khúc bình dân sẽ được cải thiện rõ rệt hơn nhờ vào sự gia tăng của các dự án nhà ở xã hội.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về kế hoạch triển khai Chỉ thị, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
![]() |
Nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ gia tăng trong năm 2025. Ảnh: Văn Kỳ |
Bộ Xây dựng đã giao chỉ tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 cho từng địa phương; đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, như hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 16/3/2024 và ngày 17/5/2024. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra bao gồm đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mỗi bộ xây dựng 5.000 căn nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Xã hội để đẩy mạnh các dự án trên địa bàn Hà Nội; ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Ngày 10/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Theo Công điện 130, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội...
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, 51 địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn, 12 địa phương khác đang thẩm định để sớm ban hành…
Hiện, trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, trong đó, 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công với quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn. Ngoài ra, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai với 16 dự án ký kết hợp đồng vay vốn, tổng mức cam kết cấp tín dụng đạt 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Hà Nội sẽ hoàn thành khoảng 16.000/18.700 chỉ tiêu căn nhà ở xã hội được giao giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 sẽ cung cấp thêm khoảng 57.000 căn, tức sẽ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao về phát triển nhà ở xã hội trong đề án 1 triệu căn nói trên. Hiện Hà Nội đang triển khai 69 dự án với quy mô khoảng 4,17 triệu m² sàn, tương đương 73.300 căn hộ. Trong năm 2025, thành phố dự kiến khởi công hai dự án nhà ở xã hội tập trung tại Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2 với tổng diện tích 80 ha; đang rà soát và bổ sung 15 khu đất mới để xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời bố trí 2 - 3 khu đất để xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố này là 2,5 triệu m² sàn, tương đương 35.000 căn hộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã hoàn thành 5 dự án với quy mô 2.377 căn nhà ở xã hội và một phần dự án nhà lưu trú công nhân với 368 căn. Hiện tại, thành phố đang thi công 4 dự án, tổng quy mô 2.874 căn. Ngoài ra, 21 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, dự kiến xây dựng 52.000 căn hộ tại quỹ đất tự tạo lập. Cùng với 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cơ bản đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội như: thủ tục đầu tư phức tạp, thiếu quy định về hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và sự chậm trễ trong bố trí đất công phục vụ các dự án an sinh xã hội... nhằm đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc.
Động lực lan toả cao trên thị trường bất động sản
Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 ước gần 800.000 tỷ đồng, cao hơn so với con số hơn 670.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng.
Năm 2025, Việt Nam tiếp tục mở rộng phát triển công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, sân bay mới và hệ thống đường sắt đô thị, cũng như nhiều công trình tầm cỡ quốc gia mới...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, theo đó, cả nước tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao), tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025; điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; hạ lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội; quyết tâm xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.
![]() |
Quá trình đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ |
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng năng lượng; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương; huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược.
Nghiên cứu, tận dụng dư địa về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tháo gỡ vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; xây dựng cơ chế phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn; tập trung rà soát, phân loại và đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho các dự án, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao;
Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
Nguồn cung, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng trưởng ổn định Bất động sản công nghiệp và hậu cần năm 2024 - 2025 tiếp tục là điểm sáng của thị trường, tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đầu về số lượng giao dịch trong năm 2024 và có thể của cả năm 2025, gắn với nhu cầu thuê cao, nguồn cung tăng trưởng ổn định từ nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt và triển khai trên cả nước. Giá thuê tăng trung bình 2 - 5% mỗi quý năm 2024 tại các thị trường trọng điểm, đi kèm tỷ lệ lấp đầy cao. Lực đẩy chính của xu hướng này đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. |