Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, thời gian qua ngành Ngân hàng cũng đã chủ động động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống nhân dân, doanh nghiệp... qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.
Có thể kể đến việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, với các nhiệm vụ trọng tâm: (i)Tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; (ii) Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến; (iii) Chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức; (iv) Phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân; (v) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
Thống kê từ NHNN cho thấy, đến ngày 21/12/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9 triệu tỷ đồng, tăng 10,14% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,14%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) có mức tăng trưởng khá với dư nợ cho vay đạt khoảng 2,24 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,76% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng khoảng 9,8% so với cuối năm 2019.
Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 4,8% so với cuối năm 2019.
Riêng chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank đã cho 441.628 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 21.984 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.523 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt 225.376 tỷ đồng, tăng 8,98% so với ngày 31/12/2019, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, với các giải pháp, nỗ lực của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, vốn tín dụng cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế; khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp được cải thiện; góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
Chia sẻ về các giải pháp góp phần hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Ngân hàng Nhà nước, Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”, trong đó đặc biệt tập trung:
Thứ nhất, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn COVID-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cần chú trọng triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”.
Đồng thời, đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|