Thông tin trên được các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội" do Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài chính) và Tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) vừa phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh… Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp (DN) thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Hình minh họa |
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành kịp thời
Đánh giá cao sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam giúp các DN vượt qua thách thức trong thời gian đại dịch, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN để vượt qua đại dịch. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia duy trì đà phát triển GDP, đạt thành tựu đáng khen ngợi.
Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.
Trong bối cảnh đó, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP (Nghị quyết 11) về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 11/NQ-CP (Nghị quyết 11) của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng sau đây: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19….
Phân tích thêm về những chính sách miễn, giảm thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang hoàn thiện dự thảo nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022. "Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính", ông Đặng Ngọc Minh chia sẻ.
Với ngành hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Ngành hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành cùng DN để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi cho DN để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành có thể trao đổi thêm với Chính phủ, Quốc hội để thay đổi thời gian áp dụng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên tính đến thời điểm trước khi xảy ra COVID-19, do trong dịch bệnh, các doanh nghiệp đều không ghi nhận thu nhập.
“Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành các thông tư trước khi áp dụng các chính sách mới như việc giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%, qua đó tránh gây những mâu thuẫn, lúng túng trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.
Tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
“Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng ngay từ ngày 1/2/2022. Chính sách này được ban hành từ rất sớm. Dự kiến năm 2022 giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng DN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về gói kích cầu thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho biết, gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong 2 năm (2022-2023), đòi hỏi các chương trình, kế hoạch phải thực hiện nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh cùng DN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Bộ Tài chính không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, giảm thuế chỉ là một phần nhỏ. Theo đó, ngoài giải pháp thuế, còn phải tính toán bảo đảm tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, bảo đảm nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, DN cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính, do đó với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với DN.
“Bộ Tài chính luôn lắng nghe ý kiến của các DN và tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, với lãnh đạo Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho DN phát triển. Bộ cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|