Độc đáo các lễ hội đầu năm ở Mù Cang Chải

(Banker.vn) Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng xuân mới Xuân Tân Sửu 2021, huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức thành công Lễ hội giã bánh dày lần thứ nhất năm 2021 và Hội thi múa khèn, múa khăn giành cho các em học sinh THCS nội trú, bán trú trên địa bàn huyện. Với sự tham gia của 26 đội đến từ 13 xã, thị trấn và 14 đơn vị trường trên địa bàn huyện đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách gần xa tham gia cổ vũ.

Với người Mông ở Mù Cang Chải, trong mâm cơm ngày Tết, ngoài rượu, thịt thì bánh dày là thứ không thể thiếu và được gắn liền với các nghi thức cúng lễ, tâm linh. Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “nduar”, tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu. Với những ý nghĩa văn hóa đó, bánh dày được gia đình người Mông ở vùng cao Mù Cang Chải làm rất công phu; trong đó nguyên liệu chính là gạo nếp nương do họ tự trồng.

Để những chiếc bánh dày làm ra phải trắng mịn, dẻo và thơm ngon, các đội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo yêu cầu của Hội thi và giới thiệu đến với du khách món ăn mang đậm bản sắc của dân tộc Mông. Sau Hội thi trình diễn giã bánh dày giữa các đội thi, người dân và du khách vô cùng háo hức với hoạt động trải nghiệm để làm được chiếc bánh dày đặc trưng của người dân vùng cao.

Các đội tham gia Hội thi trình diễn giã bánh dày

Trong quy trình làm bánh dày, thì việc chọn nguyên liệu phải được kỹ lưỡng, hạt gạo nếp phải đều, không bị lẫn gạo tẻ và sạn. Sau khi được xôi thì công đoạn giã bánh là công đoạn vất vả và "lấy" nhiều mồ hôi của người làm bánh hơn cả. Cối (máng) để giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng. Vậy nên những người thực hiện việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông khỏe mạnh, lực lưỡng. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, những cánh tay thoăn thoắt đưa chày lên rồi hạ xuống sẽ làm mềm nhuyễn từng hạt xôi. Khi họ đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh dầy làm ra sẽ càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi giã mềm, nhuyễn là lúc công việc còn lại được chuyển cho phụ nữ Mông thực hiện. Bánh dày thường được gói trong những tàu lá dong, lá chuối được rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa cho mềm.

Sản phẩm bánh dày được gói trong những tàu lá dong, lá chuối được rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa cho mềm

Để tổ chức các hoạt động lễ hội mừng Đảng, mừng xuân năm 2021 đạt hiệu quả, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lập danh sách các đội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội trong dịp Tết nhằm thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia, trải nghiệm.

Thông qua, hội thi giã bánh dày nhằm giới thiệu món ẩm thực truyền thống độc đáo của đồng bào Mông mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc Mù Cang Chải đến du khách gần xa.

Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa ngày đầu tiên của Tết dương lịch huyện còn tổ chức Hội thi múa khèn Mông, múa khăn cho học sinh 14 trường THCS nội trú, bán trú trên địa bàn huyện. Đây không chỉ là hoạt động tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón chào năm mới Tân Sửu 2021 mà còn góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, trường học hạnh phúc; nâng cao hiệu quả quản trị trường học, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, thân thiện, bình đẳng và hạnh phúc; góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống Mông. 

Hoàng Yên - Lê Hà

Theo Người làm báo (link gốc)

Theo: