Định giá các thương vụ M&A tăng trưởng mạnh nửa cuối năm 2020

(Banker.vn) Số thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tăng 18% và tổng giá trị thương vụ tăng tới 94% trong nửa cuối năm 2020, với số giao dịch quy mô lớn (megadeal) tăng gấp đôi trong sáu tháng cuối năm. Các lĩnh vực công nghệ và viễn thông đạt tăng trưởng cao nhất do nhu cầu về tài sản số gia tăng nhanh chóng.

Đây là kết quả mới nhất từ báo cáo về “Xu hướng ngành M&A toàn cầu” vừa được PwC công bố. Dựa trên dữ liệu thị trường sáu tháng cuối năm 2020, báo cáo phân tích hoạt động thương vụ toàn cầu kết hợp với ý kiến chuyên môn của các chuyên gia tại PwC, từ đó xác định những xu hướng chính thúc đẩy hoạt động M&A và dự báo các điểm nóng sẽ sẽ thu hút đầu tư năm 2021.

Nổi bật từ báo cáo, bất chấp những bất định do đại dịch COVID-19, thị trường chứng kiến tăng trưởng mạnh về hoạt động M&A giai đoạn nửa cuối năm 2020.

Báo cáo cho biết, định giá các thương vụ M&A đang tăng mạnh, với mức định giá cao và cạnh tranh lớn đối với các tài sản công nghệ hoặc tài sản số đang thúc đẩy các hoạt động thương vụ toàn cầu.

Ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC, nhận xét: “COVID-19 đã hé mở cho các công ty một cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh tương lai. Việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều doanh nghiệp”.

Ở cấp độ khu vực, so với 6 tháng đầu năm 2020, số lượng thương vụ nửa cuối năm 2020 tại châu Mỹ tăng 20%, tại khối các quốc gia châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tăng 17% và tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 17%. Tổng giá trị các thương vụ tại châu Mỹ chứng kiến mức tăng lớn nhất trên 200%, phần lớn nhờ vào các giao dịch quy mô lớn (megadeal) đáng chú ý diễn ra vào nửa cuối năm.

Ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam nhận xét: “Cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Tuy cho đến thời điểm hiện tại thị trường còn khá cẩn trọng, các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực của quốc gia này cho năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19”.

Một số kết quả chính về hoạt động thương vụ nửa sau năm 2020

Hoạt động thương vụ tăng bật trong giai đoạn nửa cuối năm với tổng số lượng và giá trị giao dịch toàn cầu tăng lần lượt 18% và 94% so với nửa đầu năm. Ngoài ra, cả số lượng và giá trị giao dịch đều tăng so với sáu tháng cuối năm 2019.

Các lĩnh vực công nghệ và viễn thông có mức tăng trưởng cao nhất về số lượng và giá trị giao dịch trong nửa cuối năm 2020, với số thương vụ công nghệ tăng 34% và tăng 118% về giá trị. Số lượng thương vụ viễn thông tăng 15% với giá trị tăng đáng kể gần 300% nhờ có ba thương vụ quy mô lớn.

Cũng theo PwC, COVID-19 đẩy nhanh hoạt động thương vụ đối với các tài sản công nghệ và tài sản số trong thị trường cạnh tranh cao. Các tài sản đang có nhu cầu trên thị trường được định giá cao và cạnh tranh mạnh, chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong đó bao gồm lãi suất thấp, nhu cầu nắm giữ các hoạt động kinh doanh sáng tạo được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc kỹ thuật số, cùng với lượng vốn khả dụng dồi dào từ bên mua là các doanh nghiệp (trị giá hơn 7,6 nghìn tỷ USD tiền mặt và chứng khoán thị trường) và các quỹ đầu tư tư nhân (1,7 nghìn tỷ USD).

Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi cho biết, bối cảnh và thách thức mới do COVID-19 đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số giúp hỗ trợ cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động. Do đó, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành khác nhau. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng (buy-versus-build). Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, do đó, đẩy mức định giá của các tài sản này lên mức cao hơn.

Khi so sánh, tài sản trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch như sản xuất công nghiệp, hoặc những lĩnh vực được định hình bởi các yếu tố như chuyển đổi sang không phát thải carbon, đang tạo ra những thay đổi trong cơ cấu mà doanh nghiệp cần giải quyết. Khi mô hình kinh doanh hiện tại có thể không còn phù hợp trong tương lai, các công ty có thể tìm đến các cơ hội M&A hoặc tái cơ cấu để giữ giá trị.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: