Đi tìm giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán cuối năm 2022

(Banker.vn) Các biện pháp như yêu cầu công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, cảnh báo cổ phiếu "tăng sốc, giảm sâu", thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng đáo hạn hợp đồng tương lai VN30… được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

Bất ổn địa chính trị, rủi ro lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu cân bằng thế nào với đà phục hồi hậu COVID-19? Đây là câu hỏi đang đặt ra với các nhà giao dịch chứng khoán - kênh đầu tư gắn liền với các dịch chuyển trong và ngoài nước. Để đánh giá các yếu tố tác động này, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố một báo cáo chi tiết.

Báo cáo phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy được đà phục hồi tích cực trong bối cảnh lạm phát gia tăng, siết chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Các biến động trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thu hút đầu tư trong xu thế toàn cầu hóa kiểu mới hậu COVID-19.

Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là tâm điểm dành được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Hàng loạt giải pháp liên quan đến thanh kiểm tra và bình ổn thị trường của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được nhà đầu tư đón nhận một cách tích cực nhờ tính thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường

Các biện pháp sàng lọc thị trường của Chính phủ và nỗ lực thúc đẩy nâng hạng thị trường trong năm 2024 - 2025. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu.

Các biện pháp như yêu cầu công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, cảnh báo cổ phiếu "tăng sốc, giảm sâu", thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng đáo hạn hợp đồng tương lai VN30… được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường. Những biện pháp thanh lọc, chấn chỉnh thị trường cũng như những giải pháp bình ổn và phát triển thị trường được đánh giá là thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra, từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững. Các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).

Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Những biện pháp thanh lọc thị trường thời gian vừa qua của Chính phủ cũng nằm trong nỗ lực tiếp cận các tiêu chuẩn định tính. Thêm vào đó là việc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là thị trường hiếm hoi trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng liên tục tính từ đầu năm đến nay. Điều này phần nào củng cố thêm cho nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, từ giờ đến cuối năm dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ chảy nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ không còn dòng tiền dễ dãi đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Theo khảo sát của Vietnam Report, 92% số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành Bán lẻ có triển vọng khả quan hơn hẳn. Bán lẻ là ngành được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế nhưng lại chịu rủi ro khi lạm phát gia tăng và người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu. Phần lớn chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng đều nhận định rằng các ngành nghề chịu chi phí đầu vào nặng về nguyên liệu đều sẽ có một năm 2022 kém khả quan do diễn biến lạm phát và giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu nhưng không phải là một câu chuyện lớn để thay đổi giá trị nền tảng của doanh nghiệp.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán