Đánh giá vốn chủ sở hữu và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nêu thực trạng và tác động của vốn chủ sở hữu đối với hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm tăng trưởng vốn chủ sở hữu để nâng cao hiệu quả tài chính của các ngân hàng.

Tóm tắt: Vốn chủ sở hữu là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sức mạnh tài chính trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong tổng nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng thương mại, vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn nhưng có vai trò vô cùng quan trọng. Vốn chủ sở hữu càng lớn, sức chịu đựng của ngân hàng càng cao, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động kinh doanh khó khăn, khả năng tạo ra lợi nhuận càng nhiều vì có thể đa dạng hóa thu nhập từ các nghiệp vụ kinh doanh. Bài viết nêu thực trạng và tác động của vốn chủ sở hữu đối với hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm tăng trưởng vốn chủ sở hữu để nâng cao hiệu quả tài chính của các ngân hàng.

ASSESSMENT OF EQUITY AND FINANCIAL EFFICIENCY OF VIETNAM COMMERCIAL BANKS

Abstract: Equity is one of the important criteria to evaluate the financial strength of bank’s business activities according to international practices. In a bank’s captial structure, equity accounts for a small proportion but plays an extremely important role. The larger equity capital is, the higher bank’s endurance is, especially in difficult period of business operations, bank’s profitability may be higher as bank can diversify income from business operations. The article tries to outline current status and impact of equity on financial efficiency of Vietnam commercial banks, thereby giving some suggestions to increase equity to improve financial efficiency of Vietnam commercial banks.

1. VỐN CHỦ SỞ HỮU VÀ HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Vốn chủ sở hữu là vốn thuộc quyền sở hữu của ngân hàng thương mại (NHTM), là những giá trị tiền tệ mà ngân hàng tạo lập được. Vốn chủ sở hữu bao gồm hai bộ phận: vốn của chủ sở hữu ban đầu và vốn của chủ sở hữu hình thành trong quá trình hoạt động (Mishkin, 2010). Vốn chủ sở hữu ban đầu đối với các NHTM chính là vốn do ngân sách Nhà nước cấp khi mới thành lập (đối với các NHTM Nhà nước), do cổ đông góp thông qua việc mua cổ phần (đối với các NHTM cổ phần) bao gồm cổ phần thường và các cổ phần ưu đãi. Mức vốn này phải đảm bảo bằng mức vốn pháp định. Vốn của chủ sở hữu hình thành trong quá trình hoạt động (vốn chủ sở hữu bổ sung) do cổ phần phát hành thêm hoặc do ngân sách Nhà nước cấp bổ sung trong quá trình hoạt động, do chuyển một phần lợi nhuận tích lũy, các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư, phát hành giấy nợ dài hạn …. Trên bảng cân đối của NHTM, vốn chủ sở hữu bao gồm các khoản mục cơ bản: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu bổ sung, các quỹ dự trữ, các tài sản nợ khác ....

Các NHTM muốn tiến hành kinh doanh thì trước hết phải có đủ vốn chủ sở hữu hay tiềm lực tài chính để duy trì hoạt động và phát triển. Vốn chủ sở hữu được coi là tấm đệm chống đỡ những rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh. Vốn chủ sở hữu lớn sẽ tạo được uy tín lớn cho ngân hàng trên thị trường, tạo điều kiện mở rộng qui mô và phát triển. Theo quy định tại Việt Nam, tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR) của ngân hàng phải từ 9% trở lên. Nếu tỷ lệ này không đảm bảo, các NHTM sẽ không đủ khả năng mở rộng hoạt động, thậm chí còn đứng trước nguy cơ phá sản. Nâng cao năng lực tài chính sẽ giúp ngân hàng có mức vốn đầy đủ, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đối với ngân hàng.

Do tính chất ổn định của vốn chủ sở hữu (VCSH) nên ngân hàng có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau như trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư mua sắm tài sản cố định phục vụ cho ngân hàng, có thể sử dụng cho vay, đầu tư góp vốn liên doanh, mua cổ phần. Mặt khác, với chức năng bảo vệ, vốn thuộc sở hữu của ngân hàng được coi như là tài sản đảm bảo gây dựng lòng tin với khách hàng, duy trì khả năng thanh toán cho khách hàng khi ngân hàng hoạt động thua lỗ. Hơn nữa, VCSH là một căn cứ quyết định đối với quy mô và khối lượng vốn huy động cũng như hoạt động cho vay và bảo lãnh của ngân hàng. Quy mô và sự tăng trưởng VCSH của ngân hàng sẽ quyết định năng lực phát triển cũng như hiệu quả tài chính của NHTM được thể hiện qua ba chỉ số: ROA (return on assets - tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản), ROE (rerurn on equity - tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu) và NIM (net interest margin - chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, hay còn gọi là biên độ lãi ròng).

2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính thông qua thống kê mô tả, so sánh, phân tích, tổng hợp và suy luận logic các chỉ số vốn chủ sở hữu và hiệu quả tài chính của NHTM theo thời gian. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng mô hình dữ liệu bảng động tuyến tính (Generalized Method of Moments - GMM) để ước lượng mức độ ảnh hưởng của VCSH đến hiệu quả tài chính của ngân hàng.

Nguồn số liệu thu thập từ 31 NHTM Việt Nam (NHTMVN) giai đoạn 2008 - 2020 bao gồm các NHTM: ACB, ABBank, Agribank, BacAbank, BIDV, BaoVietBank, Eximbank, Kienlongbank, MSB, Militarybank, NamAbank, NCB, HDBank, PGbank, OCB, Sacombank, SHB, Techcombank, VPBank, VietCapitalBank, VietinBank, VIB, Vietcombank, Saigonbank, SeABank, SCB, VietAbank, PVCombank, LienVietPostBank, TPBank, VietBank. Số lượng các ngân hàng nghiên cứu trong từng năm thay đổi do một số NHTM mới thành lập, sáp nhập hoặc không công bố báo cáo tài chính.

3. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA VỐN CHỦ SỞ HỮU ĐẾN HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA CÁC NHTMVN

3.1. Vốn chủ sở hữu và tỷ lệ an toàn vốn của các NHTMVN

Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, dưới sức ép cạnh tranh, hội nhập và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính từ cơ quan quản lý nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel, tất cả NHTMVN đều tích cực đẩy mạnh lộ trình tăng vốn. Số liệu thống kê cho thấy các NHTMVN có quy mô vốn chủ sở hữu không ngừng tăng qua các năm. Mức tăng VCSH bình quân qua các năm như sau: năm 2009 tăng 26%, năm 2010 và 2011 cùng tăng 30%, sau đó mức tăng VCSH giảm dần đến năm 2015 chỉ còn 6%, từ năm 2016 đã tăng trở lại và đạt 19% vào năm 2019, 17% vào năm 2020.

Hình 1: Giá trị vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của 31 NHTMVN khảo sát

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 31 NHTMVN khảo sát (đơn vị: triệu đồng)

Hệ số an toàn vốn tối thiểu là chỉ tiêu quan trọng đo lường mức độ an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ CAR (CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản có rủi ro) tối thiểu phải đạt 9%. So sánh với các NHTM trong nước thì các NHTM nước ngoài và NH liên doanh có hệ số CAR cao nhất do mức độ rủi ro của nhóm NHTM này thấp trong khi vốn tự có khá cao, hơn nữa do các ngân hàng này áp dụng cả quy định của Việt Nam và theo yêu cầu của quốc gia nơi đặt Hội sở chính nên CAR đã được tính toán để đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II. Trong giai đoạn 2014 - 2019, nhóm các NHTM Nhà nước có hệ số CAR trung bình thấp nhất song vẫn đạt trên 9%, nhóm các NHTM cổ phần có hệ số CAR đạt trên 10%. Tỷ lệ này có xu hướng giảm ở khối NHTM cổ phần, khối NHTM Nhà nước tuy có tăng lên vào năm 2019 nhưng hệ số CAR của cả hệ thống giảm từ giai đoạn 2015 -2019, đạt mức 11,95% vào năm 2019.

Hình 2: Hệ số CAR của hệ thống NHTMVN giai đoạn 2014 - 2019

Nguồn: Báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam

3.2. Vốn chủ sở hữu và hiệu quả tài chính của các NHTMVN

Hình 3 mô tả biến động chỉ số VCSH, ROA, ROE, NIM của các NHTMVN giai đoạn 2008 - 2020. Mặc dù tốc độ VCSH tăng qua các năm nhưng tổng quy mô tài sản của các NHTMVN tăng mạnh nên tỷ số VCSH trên tổng tài sản giảm trong giai đoạn 2008 - 2017 và tăng trở lại từ năm 2018 - 2020, đạt mức 7,84% năm 2020. Tỷ lệ VCSH trung bình trong giai đoạn 2018 - 2020 của các NHTMVN đạt 9,96%; cao nhất ở mức 16,87% vào năm 2008 và thấp nhất ở mức 7,45% năm 2017.

Hình 3: Tỷ lệ VCSH, ROA, ROE, NIM của 31 NHTMVN khảo sát

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 31 NHTMVN khảo sát

Chỉ số ROA bình quân cao nhất ở mức 1,67% vào năm 2008 và thấp nhất ở mức 0,43% năm 2015. Nhìn tổng thể, xu hướng chung chỉ số ROA của các NHTMVN là giảm qua các năm từ 2008 - 2015 và có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2016 - 2020. Giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế vĩ mô dần ổn định, công tác điều hành của nhiều ngân hàng được cải thiện, lợi nhuận ròng của các NHTMVN tăng và có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng tài sản dẫn đến ROA tăng. Tỷ số ROA tăng nhẹ trở lại từ năm 2016 đạt 0,51% và đến năm 2020 đạt 1,02%.

Tỷ lệ ROE đạt 10,78% năm 2008 và tăng lên 13,96% vào năm 2009, đạt 14,05% vào năm 2010. Thời kỳ 2011 - 2015, các NHTMVN gặp phải những khó khăn do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan của nền kinh tế. Một số ngân hàng yếu kém đã thực hiện tái cấu trúc nội bộ và sáp nhập, lợi nhuận sụt giảm tác động tổng hợp dẫn tới ROE giảm. Giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động của các NHTMVN dần ổn định, tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế giai đoạn này nhanh hơn tốc độ tăng vốn chủ sở hữu nên ROE tăng trở lại và đạt mức cao nhất là 12,58% năm 2019. Năm 2020, tỷ lệ ROE giảm nhẹ đạt 12,42% trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới nên lĩnh vực ngân hàng củng không ngoại lệ.

Tỷ lệ NIM trung bình trong giai đoạn 2018 - 2020 của các NHTMVN đạt 2,83%. Tỷ lệ NIM bình quân cao nhất ở mức 3,45% vào năm 2008 và thấp nhất ở mức 2,35% năm 2014. Từ mức cao 3,45% năm 2008, tỷ lệ NIM giảm vào năm 2009 xuống còn 3,01% và 2,93% năm 2010, thấp nhất ở mức 2,35% năm 2014. Nhìn tổng thể, xu hướng chung tỷ lệ NIM của các NHTMVN là giảm qua các năm từ 2011 - 2014 và tăng nhẹ trong giai đoạn 2015 - 2019. Tỷ lệ NIM năm 2020 đạt 2,77% giảm nhẹ so với năm 2019 là 2,81% do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2008 - 2014, hiệu quả tài chính của các NHTM có xu hướng giảm do ảnh hưởng của tình hình nợ xấu nên các NHTM gia tăng trích lập chi phí dự phòng, các chi phí quản lý và chi phí hoạt động lớn, các chi phí khác phát sinh như chi phí nguồn nhân lực, chi phí mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng. Từ năm 2014 trở đi, nợ xấu có xu hướng giảm nên ROA, ROE, NIM của NHTMVN cũng được cải thiện và có xu hướng tăng nhẹ. Tỷ trọng VCSH thấp nhất vào năm 2017 nhưng sau đó có xu hướng tăng dần theo cùng hướng gia tăng ROA, NIM; trong một số năm ngược hướng với ROE của các NHTMVN.

3.3. Tác động của vốn chủ sở hữu đến hiệu quả tài chính của các NHTMVN

Xuất phát từ mô hình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về các nhân tố tác động đến hiệu quả tài chính của ngân hàng đều đã sử dụng mô hình hồi quy với biến phụ thuộc là: ROA, ROE, NIM và biến giải thích là tỷ lệ VCSH trên tổng tài sản cùng một số biến kiểm soát khác như: quy mô tài sản, tỷ lệ dư nợ trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động, tỷ lệ chi phí trên thu nhập, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình GMM để tìm hiểu ảnh hưởng VCSH đến hiệu quả tài chính của các NHTMVN giai đoạn 2008 – 2020. Kết quả hồi quy về chiều hướng tác động của VCSH đến hiệu quả tài chính của các NHTMVN như sau:

Bảng 1: Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của biến VCSH đến ROA, ROE, NIM của các NHTMVN
 

Nguồn: Tổng hợp kết quả từ phần mềm Stata với dữ liệu của 31 NHTMVN khảo sát

VCSH có mối tương quan dương với ROA (+ 0,0267613) cho thấy khi VCSH tăng, NHTM có nguồn vốn tốt để đón đầu những cơ hội kinh doanh từ đó gia tăng ROA cho ngân hàng. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với kết quả nghiên cứu trước của Ongore và Kusa (2013), Nguyễn Thị Hồng Vinh và Lê Phan Thị Diệu Thảo (2016), Lê Đồng Duy Trung (2020)… tìm thấy mối quan hệ cùng chiều giữa VCSH và ROA của ngân hàng. Điều này hàm ý khi ngân hàng gia tăng vốn, ngân hàng có điều kiện đa dạng hóa hoạt động để tạo lợi nhuận, hiệu quả tài chính có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu này phù hợp với lý thuyết sức mạnh thị trường, gia tăng vốn thể hiện sức mạnh và vị thế của ngân hàng trên thị trường tài chính.

VCSH có mối tương quan âm với ROEA (- 0,3041844) với ý nghĩa là VCSH tăng sẽ giảm chỉ tiêu ROEA của ngân hàng. Điều này có thể được giải thích bởi quan điểm đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận, VCSH tăng cao tuy an toàn hơn nhưng lợi nhuận cũng bị giảm. Ngân hàng tuy có VCSH cao, rủi ro tổng thể của NHTM được giảm thiểu, qua đó mức sinh lời kỳ vọng cũng không cao bằng trường hợp tỷ lệ VCSH thấp hơn hay nói cách khác trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hơn (Berger, 1995). Đồng thời, các NHTMVN chưa tận dụng hết hiệu quả nguồn vốn tăng thêm để tạo ra lợi nhuận mong muốn. Các nghiên cứu của Ongore và Kusa (2013), Nguyễn Thị Hồng Vinh và Lê Phan Thị Diệu Thảo (2016), Lê Đồng Duy Trung (2020) cũng cho thấy VCSH có mối tương quan ngược chiều đến ROE.

VCSH có mối tương quan dương với NIM (+ 0,0417522) cho thấy khi vốn chủ sở hữu tăng, ngân hàng có nguồn vốn tốt để đón đầu những cơ hội kinh doanh, tăng khả năng huy động vốn, khả năng mở rộng tín dụng, giảm nhu cầu vay nợ từ đó gia tăng NIM cho ngân hàng. NHTM nào có mức VCSH thấp thì rủi ro danh mục cho vay gia tăng do thiếu sự đa dạng hóa mà chỉ tập trung vào một số đối tượng và do đó làm tăng nợ xấu và ngược lại, các NHTM có mức vốn hóa cao có khả năng đa dạng hóa các khoản vay tốt hơn và làm giảm rủi ro nợ xấu. Kết quả nghiên cứu của Ongore và Kusa (2013) cũng kết luận VCSH và NIM có tương quan cùng chiều.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

VCSH là yếu tố tài chính quan trọng nhất, vừa cho thấy quy mô của ngân hàng vừa phản ánh khả năng đảm bảo các khoản nợ của ngân hàng đối với khách hàng. Theo quy định của Hiệp ước Basel, việc nâng cao năng lực tài chính là điều kiện cần và đủ để ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng nói riêng và an toàn toàn hệ thống tài chính nói chung. Để tiếp cận dần đáp ứng yêu cầu của Basel, các NHTMVN cần phải thực hiện sớm việc tăng sức mạnh tài chính của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, trước mắt nhằm tăng khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản và đảm bảo cho các ngân hàng phát triển ổn định và dần tăng thị phần góp phần cải thiện được hiệu quả tài chính, tăng khả năng cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy VCSH có tác động tích cực đến ROA và NIM minh chứng cho vấn đề này.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, không phải VCSH càng lớn càng tốt vì nếu quá lớn thì chỉ số hiệu quả trên vốn sẽ giảm, theo đó lợi nhuận chia cho các cổ đông sẽ giảm, giá cổ phiếu có thể sẽ bị giảm. Trong trường hợp ngân hàng đang hoạt động trong điều kiện hiệu suất giảm theo quy mô, việc tăng vốn chủ sở hữu quá nhiều so với mở rộng quy mô tài sản là không cần thiết. Nghiên cứu cũng tìm ra mối quan hệ nghịch chiều giữa VCSH và ROE. Đây là kết quả của việc sử dụng đòn bẩy tài chính kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Để quản trị VCSH, các ngân hàng cần xây dựng chính sách cân đối trong quá trình phân phối kết quả tài chính cho việc chi trả cổ tức cổ đông và giữ lại phần lợi nhuận phù hợp bổ sung vào VCSH để tăng quy mô vốn nhằm mục đích tái đầu tư. Để có thể tăng VCSH trong giai đoạn hiện nay, các NHTM nên tập trung vào một số giải pháp như:

- Phát hành thêm cổ phiếu: Các NHTM có thể tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Để thực hiện giải pháp này một cách hiệu quả, các NHTMVN cũng cần minh bạch thông tin, công khai tài chính để tăng khả năng tham gia huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

- Chia cổ tức bằng cổ phiếu: Ngân hàng cũng có thể tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Hình thức tăng vốn này có hiệu quả trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm, thể hiện vai trò của cổ đông đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

- Phát hành trái phiếu dài hạn: Các NHTM có thể tăng VCSH bằng cách truyền thống thông qua việc phát hành trái phiếu dài hạn cho các nhà đầu tư, việc tăng vốn theo hình thức này góp phần cải thiện nền tảng tăng vốn cấp 2 (một trong những yếu tố để xác định tỷ lệ CAR của ngân hàng).

Nâng cao năng lực tài chính của các NHTM Việt Nam luôn được các cơ quan chức năng đặt ra như một vấn đề cốt lõi của hệ thống tài chính quốc gia. Vấn đề càng trở nên quan trọng hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các sự kiện kinh tế diễn ra trên thế giới đều ít nhiều có ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ có nâng cao năng lực tài chính mới tạo ra nội lực để các NHTMVN có thể chống chọi được với các rủi ro, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do vậy, việc các tổ chức tín dụng tăng vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính là giải pháp đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường niên giai đoạn 2008 - 2020 của các NHTMVN nghiên cứu.

2. Báo cáo thường niên giai đoạn 2014 - 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Berger, A. N., 1995. The relationship between capital and earnings in banking. Journal of Money, Credit and Banking, 27: 432-456.

4. Lê Đồng Duy Trung, 2020. Các nhân tố tác động tới khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình thực nghiệm động. Tạp chí Ngân hàng, 12.

5. Mishkin, F., 2010. The economic of banking, and financial markets. US Pearson.

6. Ngân hàng Nhà nước, 2019. Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hà Nội.

7. Nguyễn Thị Hồng Vinh và Lê Phan Thị Diệu Thảo, 2016. Tác động của vốn ngân hàng đến khả năng sinh lời và rủi ro tín dụng: Trường hợp các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 27(3): 25-44.

8. Ongore, V. O., Kusa, G. B., 2013. Determinants of financial performance of commercial banks in Kenya. International Journal of Economics and Financial Issues, 3(1): 237-252.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19 năm 2021

Theo: