Đánh giá chiến lược phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam

(Banker.vn) Ngày 30/3/2021, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức buổi Tọa đàm đánh giá chiến lược phát triển tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật do ADB tài trợ.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp đáng kể của hoạt động TCVM.

Hoạt động TCVM đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp, hạn chế sự phát triển của nạn tín dụng đen.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, bên cạnh những thành tựu đóng góp cho công cuộc xoá đói giảm nghèo của đất nước, các tổ chức TVCM, các chương trình, dự án TCVM vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với những mục tiêu phát triển TCVM bền vững nói chung và bền vững thể chế cho từng tổ chức hoạt động nói riêng.

Khuôn khổ pháp lý đối với các tổ chức TCVM đã và đang ngày càng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả của ngành TCVM tại Việt Nam. Theo đó, Luật các TCTD cũng lần đầu tiên khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình TCTD trong hệ thống các TCTD Việt Nam.

"Có thể nói, việc các tổ chức TCVM hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn dưới Luật là một bước tiến quan trọng đối với lĩnh vực TCVM tại Việt Nam. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc phát triển ổn định hoạt động của ngành TCVM tại Việt Nam", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đồng thời, để có được định hướng, chiến lược nhất quán, dài hạn cho sự phát triển hoạt động TCVM, ngày 6/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 2195) với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tiếp theo đó, ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg Quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ và sự ra đời của Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống TCVM theo Đề án 2195 và là cơ sở pháp lý đầu tiên hướng dẫn về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động đối với các chương trình, dự án TCVM, tạo nền tảng cho các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở quản lý thống nhất các chương trình, các dự án TCVM đang hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng và trải rộng trên phạm vi cả nước.

Toàn cảnh tọa đàm

Với mục tiêu toàn diện hơn, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bao gồm các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển hoạt động TCVM.

Theo Phó Thống đốc, việc đánh giá kết quả thực hiện Đề án 2195 về phát triển TCVM thời gian vừa qua để rút ra các bài học kinh nghiệm, nắm bắt các vướng mắc thực tiễn, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách, các hành động cụ thể nhằm tiếp tục hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành TCVM góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia là rất cần thiết.

Phó Thống đốc mong muốn, tại Toạ đàm này, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá những tác động, thuận lợi, khó khăn sau 10 năm thực hiện Đề án 2195 về phát triển TCVM nêu trên. Qua đó, NHNN sẽ có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn tham mưu cho các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Tài chính toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại buổi tọa đàm, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, tài chính toàn diện là vấn đề quan trọng đối với việc phục vụ tốt hơn nữa đối tượng chưa sử dụng được hệ thống ngân hàng. TCVM là một phần rất quan trọng trong tài chính toàn diện. Mặc dù một số quốc gia khác trong khu vực có môi trường thuận lợi hơn Việt Nam nhưng ngành TCVM tại Việt Nam lại có cơ hội phát triển rất lớn.

"Chính vì vậy, mục tiêu tổ chức tọa đàm ngày hôm nay nhằm đánh giá chiến lược phát triển TCVM tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia để các bên có thể học hỏi, qua đó phát triển hệ thống TCVM tại đất nước mình", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, đại diện một số bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, tổ chức hỗ trợ hoạt động TCVM thực tế tại Việt Nam, tổ chức cung cấp dịch vụ… đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những tác động, thuận lợi/khó khăn và kiến nghị từ quá trình thực hiện Chiến lược 2192 về phát triển TCVM.

T.H

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục