Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam

(Banker.vn) Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đề xuất giải pháp tích hợp vận tải đa phương thức, kho thông minh, số hóa để tối ưu chi phí.
Viet Nam International Sourcing 2025: Gỡ điểm nghẽn chuỗi cung ứng, tạo sức bật cho hàng Việt Mỹ miễn áp thuế loạt thiết bị điện tử: Tin vui cho chuỗi cung ứng Việt Nam - Trung Quốc thống nhất mở rộng hợp tác chuỗi cung ứng, sản xuất, công nghệ cao

Tại Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” diễn ra chiều 24/4, bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược và giải pháp, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang đã đề xuất những giải pháp tăng cường kết nối vận tải đa phương thức tích hợp hệ thống kho thông minh.

Gỡ điểm nghẽn chi phí, thúc đẩy kết nối vận tải tại trung du Bắc Bộ

Với nhiều năm kinh nghiệm triển khai thực tiễn tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là các khu công nghiệp trọng điểm, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang đã có những mô hình kết nối vận tải rất đáng chú ý.

Giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến chuyển sâu sắc theo hướng tối ưu, linh hoạt và kết nối toàn trình, ngành logistics Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nút thắt về chi phí và tính liên kết.

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam
Bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Theo bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang, chi phí logistics của Việt Nam hiện vẫn dao động quanh mức 18% GDP – con số cao so với nhiều nước trong khu vực.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển hạ tầng logistics một cách bài bản, hiện đại hơn, nếu muốn giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng giá trị cho chuỗi cung ứng quốc gia”, bà Mùi nhấn mạnh tại Hội nghị.

Trong khi đó, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo (70-75%), khiến hệ thống dễ bị tổn thương trước biến động giá nhiên liệu, thiếu ổn định tuyến và ùn tắc. Ngược lại, các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy, vốn có nhiều tiềm năng lại chưa được phát huy tương xứng do thiếu liên kết hạ tầng, quy hoạch manh mún và công nghệ lạc hậu.

Không chỉ ở khâu vận chuyển, hệ thống kho bãi của khu vực trung du phía Bắc cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều khu công nghiệp vẫn thiếu các loại kho chức năng quan trọng như kho kiểm soát hải quan, kho trung chuyển đa năng hay kho thông minh dành riêng cho thương mại điện tử.

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam
Hội nghị có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp logistics trong nước. Ảnh: Cấn Dũng

“Trong vai trò là một trung tâm logistics cấp vùng, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đã và đang từng bước đóng vai trò “mắt xích chiến lược” giữa vận tải, kho bãi và dịch vụ logistics thông minh, hướng tới hệ sinh thái kết nối toàn trình, tối ưu chi phí, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu suất”, bà Mùi cho biết.

Đột phá chiến lược logistics vùng trung du

Một trong những chiến lược then chốt được Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang triển khai là xây dựng trục logistics liên vùng dựa trên vận tải đa phương thức, kết hợp giữa đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Trung tâm hiện kết nối trực tiếp với các tuyến cao tốc huyết mạch như: Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, đồng thời đang triển khai sản phẩm logistics toàn trình từ Nam Ninh (Trung Quốc) về Yên Viên (Việt Nam), với điểm dừng trung chuyển tại ga quốc tế Kép (Bắc Giang). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường sắt tại ga Kép hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để hình thành một sản phẩm vận tải đường sắt cạnh tranh thực thụ.

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc cải tạo, nâng cấp ga Kép thành đầu mối đường sắt liên vận quốc tế, qua đó giảm đáng kể chi phí vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu, bà Mùi cho biết.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam đang được nghiên cứu tích hợp để tạo nên trục logistics thủy – bộ – sắt, mở ra hướng đi mới cho chuỗi cung ứng liên tỉnh và xuyên biên giới.

Song song với phát triển vận tải, bà Mùi nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống kho thông minh: “Kho cần trở thành trung tâm điều phối thông minh của cả chuỗi cung ứng”.

Hiện nay, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đang tích cực triển khai các giải pháp công nghệ cao nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý và vận hành kho bãi. Trước hết, trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý kho hiện đại (WMS) kết hợp cùng công nghệ Internet vạn vật (IoT), cho phép theo dõi tồn kho theo thời gian thực với độ chính xác cao. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát dòng hàng hóa một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt hoặc tồn đọng hàng.

Bên cạnh đó, hệ thống kho dành cho thương mại điện tử được thiết kế tích hợp dây chuyền chia chọn tự động, có khả năng linh hoạt thích ứng theo từng nhóm ngành hàng và yêu cầu phân loại cụ thể. Điều này góp phần nâng cao năng suất xử lý đơn hàng, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường.

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam
Bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang. Ảnh: Cấn Dũng

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) trong việc dự báo nhu cầu tiêu dùng, lập kế hoạch phân bổ vận chuyển hợp lý. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian lưu kho, đẩy nhanh vòng quay container, giảm thiểu chi phí vận hành và tăng cường khả năng đáp ứng trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.

Không chỉ dừng ở công nghệ, đơn vị còn hướng đến logistics xanh với nhiều sáng kiến giảm phát thải CO2: tối ưu hóa tuyến đường, giảm phương tiện chạy rỗng thông qua nền tảng số hóa, đầu tư xe điện và nhà kho tiêu chuẩn LEED (Mỹ).

Với tầm nhìn phát triển hệ thống logistics hiện đại, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đặt ra những mục tiêu cụ thể, mang tính khả thi và thiết thực trong giai đoạn tới.

Trước hết, trung tâm hướng tới việc giảm từ 10 đến 15% chi phí logistics cho các nhóm hàng chủ lực như thương mại điện tử, hàng tiêu dùng nhanh, điện tử và may mặc – những lĩnh vực có nhu cầu vận chuyển lớn, nhịp độ cao và yêu cầu quản trị linh hoạt.

Song song với đó, một trong những chỉ tiêu trọng yếu là tăng tốc độ xử lý đơn hàng và đẩy nhanh chu trình quay vòng container, nhằm rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao hiệu quả khai thác thiết bị vận tải.

Đặc biệt, trung tâm cũng tập trung giảm thiểu tỷ lệ phương tiện chạy rỗng – một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lãng phí trong vận hành. Giải pháp được áp dụng là tối ưu hóa việc ghép chuyến container và từng bước thực hiện đồng bộ hóa giữa vận chuyển đường bộ và đường sắt, tạo sự liên thông toàn trình trong chuỗi cung ứng.

Bà Mùi cho rằng, để hiện thực hóa các giải pháp trên, cần có sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ Trung ương. “Chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan thúc đẩy chính sách khuyến khích đầu tư vào vận tải đường sắt, đường thủy và công nghệ logistics. Ngoài ra, cần quy hoạch đồng bộ ICD – cảng cạn với trung tâm logistics trọng điểm để tạo sự liên thông toàn trình”, bà Mùi nói và nhấn mạnh vai trò của kết nối dữ liệu số hóa ba chiều giữa doanh nghiệp – cơ quan quản lý – hải quan, như một “nền tảng minh bạch và hiệu quả” để phát triển hệ sinh thái logistics hiện đại.

“Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang cam kết tiếp tục là đầu mối hạ tầng logistics hiện đại tại vùng trung du, đóng góp tích cực cho chuỗi cung ứng quốc gia và kết nối xuất nhập khẩu xuyên biên giới”, bà Mùi khẳng định, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng, với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống logistics xanh – thông minh – kết nối toàn trình, tạo bước nhảy vọt cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.

Hiện vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo (70-75%), khiến hệ thống dễ bị tổn thương trước biến động giá nhiên liệu, thiếu ổn định tuyến và ùn tắc. Ngược lại, các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy, vốn có nhiều tiềm năng lại chưa được phát huy tương xứng do thiếu liên kết hạ tầng, quy hoạch manh mún và công nghệ lạc hậu.

Nhóm PV

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục