Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group |
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mới đây, Công ty CP Địa ốc Phú Đông (viết tắt là Phú Đông Group) có công văn gửi chính quyền tỉnh về việc xin đề xuất thực hiện đầu tư dự án nhà ở thương mại tại khu đất giáp vòng xoay Huỳnh Tấn Phát - QL20 (vòng xoay Trại Mát), trên địa bàn phường 11, TP. Đà Lạt.
Đây là dự án có quy mô khoảng 2ha, nằm trên khu đất đang được tỉnh Lâm Đồng cho Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng và Công ty CP Dịch vụ thương mại và Xây lắp viễn thông Đà Lạt thuê sử dụng làm cơ sở sản xuất.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND TP. Đà Lạt chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan để nghiên cứu đề xuất và tổ chức kêu gọi thu hút đầu tư vào dự án này.
Nhận thấy cơ hội và tiềm năng phát triển của dự án, và tự tin với năng lực cũng như kinh nghiệm của mình, Phú Đông Group đề xuất UBND tỉnh chấp thuận thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại tại khu đất giáp vòng xoay Huỳnh Tấn Phát - QL20 nêu trên, nhằm đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Doanh nghiệp cam kết sẽ đảm bảo tiến độ dự án, thực hiện đầy đủ các quy trình đầu tư, quy trình đấu giá sử dụng đất theo đúng quy định; đồng thời cam kết phối hợp cùng địa phương bảo tồn và gìn giữ các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Trước đề xuất của Phú Đông Group, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan và UBND TP. Đà Lạt xem xét, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 1/3/2023.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Phú Đông Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, được thành lập ngày 17/3/2011, trụ sở đặt tại đường Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.
Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là ông Ngô Quang Phúc, sinh năm 1981, ngụ tại TP.HCM. Ông Phúc chính thức nhận vị trí "nhạc trưởng" Phú Đông Group từ tháng 9/2016, sau khi người tiền nhiệm Triệu Minh Phương rút lui khỏi ghế nóng.
Tháng 3/2019, từ mức vốn điều lệ 150 tỷ đồng, Phú Đông Group có bước tăng "thần tốc" lên 300 tỷ đồng và duy trì cho đến thời điểm hiện tại.
Qua lời tự thiệu của Phú Đông Group, trong mảng xây dựng, hệ thống mạng lưới công ty thành viên của doanh nghiệp hiện phát triển lên 9 đơn vị, với hơn 40 năm kinh nghiệm và đã hoàn thành hơn 500 công trình trên cả nước, từ công trình dân dụng, công nghiệp, cho tới hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi...
Trong đó, theo Phú Đông Group, viên gạch đầu tiên và cũng là nền móng phát triển cho doanh nghiệp ngày nay là Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng (CBM). CBM vốn không phải là cái tên xa lạ với nhiều người, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2005, đã khẳng định thương hiệu trong làng xây dựng bằng việc hoàn thành các công trình mang tầm cỡ lớn.
Trong lĩnh vực bất động sản, Phú Đông Group định hướng tập trung phát triển những sản phẩm nhà ở (chung cư, khu đô thị...) vừa túi tiền khách hàng. Doanh nghiệp là chủ đầu tư của hai dự án tiêu biểu đã hoàn thành thuộc TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, gồm Khu dân cư Đông Á (Him Lam Phú Đông) với diện tích đất hơn 5ha, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, được UBND tỉnh công nhận là khu dân cư kiểu mẫu của địa phương.
Và dự án Phú Đông Premier - khu chung cư 35 tầng, diện tích đất 5.000 m2, có vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Cách đó không xa, Phú Đông Group tiếp tục phát triển Khu căn hộ Phú Đông Sky Garden với quy mô 27 tầng, diện tích đất 6.015 m2, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Theo tiến độ mới công bố, dự án đang được xây dựng đến tầng 15.
Kế hoạch trong thời gian tới, Phú Đông Group sẽ cho ra mắt các dự án thuộc phân khúc tầm trung khác như Khu dân cư Vương Bảo Long, Khu căn hộ Phú Đông SkyOne... hướng tới đối tượng khách hàng là những người trẻ tuổi sinh sống tại TP. Dĩ An.
Buổi ra mắt dự án Khu căn hộ Phú Đông Sky Garden hồi tháng 3/2022 nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. |
Tại Long An, Phú Đông Group ghi dấu sự hiện diện với dự án Phú Đông Logictics City, và tại khu vực TP.HCM là các dự án Phú Đông Riverside, Phú Đông Residences và Phú Đông Central.
Như vậy, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, cùng với nhiều hệ lụy Covid-19 chưa được giải quyết dứt điểm, Phú Đông Group là trường hợp hiếm hoi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, và đang tiếp đà mở rộng thị phần sang những thị trường tiềm năng khác, ví dụ như TP. Đà Lạt, thông qua đề xuất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại tại khu đất giáp vòng xoay Huỳnh Tấn Phát - QL20 nêu trên.
Điều đó mang đậm dấu ấn của ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc doanh nghiệp. Theo tìm hiểu, ông Phúc là người gốc Bắc, từ nhỏ đã theo bố mẹ vào Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp, sau đó lên TP.HCM học đại học.
Ông Ngô Quang Phúc theo học nhóm ngành kinh tế, năm 2004, ông tốt nghiệp và xin vào Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với vị trí nhân viên kinh doanh bất động sản. Khởi nghiệp giữa lúc thị trường địa ốc phía Nam rất sôi động, ông Phúc nhanh chóng thu hoạch "trái ngọt", và liên tục thăng tiến lên vị trí mới.
Năm 2009, ông Ngô Quang Phúc quyết định sang Him Lam Land để tìm kiếm cơ hội mới. Trong gần 10 năm gắn bó với "đế chế" bất động sản hàng đầu Việt Nam, ông Phúc từng được giao phụ trách bán các dự án trọng điểm, như Him Lam Riverside... Và thành tựu nổi bật nhất là được đề bạt lên cương vị Phó tổng giám đốc doanh nghiệp.
Khi đã là sếp trong một "đế chế" bất động sản hùng mạnh, ít ai ngờ rằng, ông Ngô Quang Phúc bất ngờ "nhảy việc" sang Phú Đông Group, mang theo giấc mộng xây dựng và phát triển doanh nghiệp này trở thành "ông lớn" trong làng bất động sản phía Nam. Thực tế, từ khi ông Ngô Quang Phúc đảm trách vai trò "nhạc trưởng", trọng tâm kinh doanh của Phú Đông Group đã dần chuyển hướng từ xây dựng sang bất động sản.
Để thuyết phục giới chủ Phú Đông Group dồn sức sang một lĩnh vực mới, ông Phúc đã chỉ ra rằng, biên lợi nhuận của mảng xây dựng thông thường chỉ khoảng 2-3% trên tổng doanh thu, nhưng đối với bất động sản, con số có thể lên tới 10-15%, tức hiệu quả tăng gấp 5 lần.
Và cũng rất nhanh sau đó, Phú Đông Group bắt tay với Him Lam Land để triển khai, phát triển dự án đầu tay tại tỉnh Bình Dương, chính là Khu dân cư Đông Á (Him Lam Phú Đông) và đạt thành công vang dội.
Ông Ngô Quang Phúc là diễn giả trong một sự kiện tổ chức vào năm 2018. |
Để đứng vững trên thị trường bất động sản khắc nghiệt, Phú Đông Group phải sử dụng nhiều vốn hơn so với thời điểm làm xây dựng công trình. Điều này lý giải cú "bơm" vốn tăng gấp đôi hồi tháng 3/2019 của doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp cấp tốc đẩy mạnh hoạt động vay nợ để huy động nguồn lực phát triển các dự án mới. Minh chứng là theo số liệu của phóng viên, giai đoạn 2017-2021, tổng nợ phải trả của Phú Đông Group đã tăng từ 642 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng.
Kết cấu các khoản nợ cũng có sự dịch chuyển mạnh. Từ doanh nghiệp không ưa nợ vay (nợ mất lãi), Phú Đông Group những năm gần đây liên tiếp tăng nợ vay, đổi lại các khoản nợ thương mại (thường không mất lãi) dần "co" lại.
Cuối năm 2021, tổng dư nợ vay của doanh nghiệp đạt trên 700 tỷ đồng, lớn hơn 2 lần vốn chủ sở hữu (347 tỷ đồng). Con số này thể hiện mức độ sử dụng đòn bẩy mạnh tay của Phú Đông Group, và dù theo lý thuyết hay thực tế thì cũng đều tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, cả về phía người cho vay.
Bên cạnh đó, trên báo cáo gửi cơ quan chức năng, khả năng kiếm tiền của Phú Đông Group không thực sự tốt như những gì ông Ngô Quang Phúc hứa hẹn với cổ đông.
Các năm 2017-2021, doanh thu thuần bán hàng của Phú Đông Group liên tục "thăng giáng" thất thường, đặc biệt giảm mạnh từ khi lập đỉnh 275 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, doanh thu thuần giảm còn 94 tỷ đồng (tương đương mức giảm 66% so với cùng kỳ), và tiếp tục xuống 50 tỷ đồng ở năm tiếp theo (giảm 47% cùng kỳ).
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của chủ dự án Phú Đông Sky Garden cũng "lao dốc" từ 30 tỷ đồng (2019), về còn 265 triệu đồng (2020) và 2 tỷ đồng (2021). Mức lợi nhuận này quá khiêm tốn so với số tiền doanh nghiệp chi trả cho các khoản vay (được vốn hóa vào giá trị đầu tư dự án), cho thấy sự "căng thẳng" trong việc cân đối tài chính của doanh nghiệp.
Để bảo đảm cho khoản vay ngân hàng, năm 2017, Phú Đông Group từng đem 862.500 cổ phần của mình gán cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - Chi nhánh Hùng Vương. Theo mệnh giá, số cổ phần trên trị giá hơn 8,6 tỷ đồng.
Năm 2021, Phú Đông Group tiếp tục thế chấp toàn bộ hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, quyền nhận được số tiền bảo hiểm, khoản phí thu được, hoặc các lợi ích khác thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển dự án đầu tư xây dựng Khu căn hộ Phú Đông An Bình (Phú Đông Sky Garden) cho TPBank.
Thậm chí, năm 2022, chiếc xe sang Lexus 570 cũng được doanh nghiệp cầm cố cho nhà băng này, nhằm bảo đảm cho khoản vay khác.
Trong hệ thống công ty thành viên của Phú Đông Group, một "chân rết" quan trọng phụ trách mảng bất động sản cần đề cập tới là Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Việt Mỹ (gọi tắt là Sài Gòn Việt Mỹ). Đó là chủ đầu tư của dự án chung cư cao tầng Marina Tower - tiền thân của Phú Đông Premier hiện giờ.
Năm 2018, ông Ngô Quang Phúc hoàn tất thương vụ "thâu tóm" hơn 97% cổ phần Sài Gòn Việt Mỹ, sau đó đổi tên thương mại từ Marina Tower sang Phú Đông Premier để kinh doanh. Tuy nhiên, ông Phúc đã chưa xin phép cơ quan chức năng trước khi đổi tên, tiến hành làm truyền thông, quảng cáo cho dự án.
Phát hiện sai phạm, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khi đó lập tức có công văn nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Năm 2020, dự án Phú Đông Premier chính thức được ghi nhận doanh thu, giúp Sài Gòn Việt Mỹ thu về 843 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 4,8%. Sau đó, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thoái trào với doanh thu hạ đột ngột còn 27 tỷ đồng; báo lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số thành viên nổi trội khác của Phú Đông Group còn có Công ty TNHH Đầu tư Phú Đông 5, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Đông 9...
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|