Điều trị bệnh vảy nến thế nào để tránh tái phát?

(Banker.vn) Vảy nến là bệnh viêm mạn tính, tái phát chiếm tỷ lệ từ 2-3% dân số cả nước. Bệnh vảy nến không chỉ gây tổn thường da mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ung thư của cây rau húng Liệu pháp tế bào gốc kết hợp Exosome trong điều trị bệnh lý tại Việt Nam

Triệu chứng phổ biến của bệnh

Vảy nến là một dạng rối loạn da khiến các tế bào sừng bị kích thích, nhân lên nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Vảy nến có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở đầu, khuỷu tay, lưng. Vảy nến không chỉ gây đau đớn, ngứa ngáy mà còn ảnh hưởng tâm lý người bệnh.

Điều trị bệnh vảy nến thế nào để tránh tái phát?
Khi phát hiện bệnh vảy nến, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị bệnh. Ảnh: Báo Sức khỏe đời sống

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến bao gồm phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống như vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể.

Ban có màu khác nhau, người có màu da nâu hoặc da đen thường rơi vào sắc tím; người da trắng có sắc hồng hoặc đỏ với vảy bạc. Đốm vảy nhỏ (thường gặp ở trẻ em), da khô, nứt nẻ có thể chảy máu, ngứa, rát hoặc đau nhức, phát ban theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần sau đó.

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính giống như bệnh cao huyết áp, tiểu đường, khi đã mắc bệnh cần điều trị (dùng thuốc) suốt đời. Khi điều trị các triệu chứng sẽ giảm hoặc biến mất nhưng nếu bỏ điều trị thì bệnh sẽ trở lại và nặng hơn.

Nguyên nhân mắc bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình, khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh vảy nến có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến, u lympho, tim mạch, bệnh Crohn và trầm cảm. Riêng viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến 30% số người mắc bệnh; những người trẻ tuổi mắc bệnh vảy nến cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Cách điều trị bệnh vảy nến

BS. Lưu Ngọc Vi - Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, vảy nến là bệnh viêm mạn tính, tái phát chiếm tỷ lệ từ 2-3% dân số cả nước, bệnh không chỉ gây tổn thường da mà còn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ngày nay, khi hiểu rõ hơn về sinh bệnh học của vảy nến, cho thấy bệnh không chỉ đơn thuần ở da mà là một tiến trình viêm hệ thống có bệnh đồng mắc kèm theo, tác động lên nhiều cơ quan trong cơ thể và vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn.

Các phương pháp điều trị vảy nến hiện có gồm: Điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân cổ điển, quang trị liệu và điều trị sinh học. Trong đó, thuốc sinh học (kháng thể đơn dòng) ra đời như một phương pháp điều trị nhắm trúng đích hơn vào hệ thống miễn dịch, thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống người bệnh vảy nến, ít tác dụng phụ hơn các phương pháp điều trị toàn thân cổ điển.

Đối với phụ nữ trong thai kỳ, mức độ nhẹ: Diện tích tổn thương <10% điều trị bằng thuốc bôi là lựa chọn đầu tiên (Gồm: Chất dưỡng ẩm; steroid bôi tại chỗ hoạt lực thấp và trung bình, lượng sử dụng steroid bôi tại chỗ hoạt lực mạnh, rất mạnh không nên quá 300g toàn bộ thai kỳ; Tacrolimus không hiệu quả như steroid bôi nên ưu tiên vùng nếp gấp; Calcipotriol bôi chưa có nhiều nghiên cứu nên tránh dùng 3 tháng đầu và chỉ nên bôi diện tích nhỏ nếu không đáp ứng steroids tại chỗ; Acid Salicylic bôi tại chỗ còn nhiều tranh cãi, do vậy không khuyến khích dùng; Các thuốc khác: Tazarotene, hắc ín, Anthralin tránh dùng).

BS Lưu Ngọc Vi đặc biệt lưu ý, các thuốc toàn thân như Methotrexate và acitretin tuyệt đối không dùng, cyclosporin cần thận trọng.

Với phụ nữ cho con bú: Lựa chọn đầu tiên là thuốc bôi tại chỗ (Gồm chất dưỡng ẩm và steroid tại chỗ hoạt lực nhẹ và trung bình. Nên bôi kem sau khi cho con bú và loại bỏ trước mỗi lần tiếp theo.

Trẻ em: Lứa tuổi trẻ em hay gặp các thể lâm sàng như vảy nến mảng, vảy nến giọt, nếp gấp, da đầu, móng; thể vảy nến thể mủ, vảy nến đỏ da toàn thân rất hiếm gặp. Lựa chọn điều trị đầu tiên là chất dưỡng ẩm và Corticoid bôi hoạt lực nhẹ trung bình cho trẻ nhỏ hơn 4 tuổi, hoạt lực mạnh có thể dùng cho trẻ lớn hơn 4 tuổi. Calcipotriol khuyến cáo nên dùng cho trẻ hơn 4 tuổi, lượng dùng < 45 g/m2/ tuần tránh tình trạng tăng calci máu; dạng kết hợp calcipotriol và cortiocoid cũng được khuyến cáo lớn hơn 4 tuổi, acid salicyclic 1-6% nên chỉ định cho trẻ hơn 6 tuổi.

Thuốc sinh học: Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả tương đương người trẻ, tác dụng phụ cao hơn về các bệnh tim mạch, nhiễm trùng. Nên chọn secukinumab hoặc ustekinumab, thận trọng nhóm ức chế TNF- alpha.

Những gợi ý nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Khi phát hiện bệnh vảy nến, người bệnh nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp. Việc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc theo quảng cáo để điều trị vảy nến, về lâu dài sẽ làm mất cơ hội chăm sóc lúc đầu để hạn chế nguy cơ tàn phế sau này cho người bệnh.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương