Gia tăng các vụ việc điều tra
Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá nhất định được xuất khẩu sang nước khác, với mức giá thấp hơn mức giá thông thường có thể so sánh được tại thị trường nước xuất khẩu. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đối với các nhà sản xuất của nước nhập khẩu.
Vì vậy, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá để khắc phục thiệt hại đáng kể mà hàng nhập khẩu này gây ra cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
Thép là mặt hàng thường xuyên bị điều tra chống bán phá giá. Ảnh TTXVN |
Trước xu hướng bảo hộ thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vì vậy, tại Báo cáo thường niên phòng vệ thương mại 2022 do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thực hiện cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021, trung bình số vụ việc các thành viên WTO khởi xướng điều tra biện pháp chống bán phá giá là 234 vụ việc. "Có thể thấy, trong giai đoạn 2012-2020 số vụ việc điều tra chống bán phá giá được các thành viên khởi xướng mạnh mẽ, trên mức 200 vụ việc, đặc biệt năm 2013 ghi nhận 287 vụ việc, năm 2016 đạt 298 vụ việc và năm 2020 ghi nhận 355 vụ việc được khởi xướng"- Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Đáng chú ý, theo báo cáo, năm 2020 đánh dấu một năm gia tăng đáng kể số vụ việc do các thành viên WTO khởi xướng điều tra chống bán phá giá, với 355 vụ, chỉ xếp sau năm 2001 với 372 vụ và năm 1999 với 357 vụ kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995. Tuy nhiên, số vụ việc áp thuế chống bán phá giá trong giai đoạn 2010-2021, trung bình đạt 164 vụ việc/năm. Trong cả giai đoạn, ghi nhận 205 vụ việc bị áp thuế chống bán phá giá vào năm 2018, năm 2021 đạt tới 286 vụ việc – mức cao nhất trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay. Năm 2022 các thành viên WTO khởi xướng 89 vụ, giảm 97 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021 và có tới 103 vụ việc điều tra dẫn đến áp thuế chống bán phá giá, giảm 183 vụ việc so với cùng kỳ năm 202.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, mặc dù các cuộc điều tra chống bán phá giá không nhất thiết sẽ dẫn đến việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng sự gia tăng các vụ việc điều tra trong năm trước có thể báo hiệu sự gia tăng số lượng các biện pháp được áp dụng trong năm sau. Do trong năm 2020, số vụ việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá tăng mạnh, đạt tới 355 vụ việc, nên trong năm 2021 số lượng vụ việc điều tra dẫn đến áp thuế chống bán phá giá cũng theo đó tăng mạnh, đạt tới 286 vụ việc, tăng 179 vụ việc so với năm 2020.
Ngược lại xu hướng đó, số lượng vụ việc được khởi xướng trong năm 2021 chỉ đạt 186 vụ việc, do vậy trong năm 2022, số vụ dẫn đến áp thuế chỉ đạt 89 vụ. Tính riêng đối với các nền kinh tế thuộc nhóm G20, các vụ việc điều tra chống bán phá giá từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 7 năm 2021 cho thấy số vụ kiện tăng từ 93 vụ trong 6 tháng cuối năm 2019 lên 157 vụ trong 6 tháng đầu năm 2020, sau đó giảm xuống 122 vụ trong 6 tháng tiếp theo và 6 tháng đầu năm 2021, số vụ việc tiếp tục giảm xuống 91 vụ – chiếm 79% trong tổng số 115 vụ việc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng bởi các thành viên WTO trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, số lượng vụ việc mà các nền kinh tế G20 áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 130 vụ, tăng 177% so với 6 tháng cuối năm 2020. Cụ thể, giai đoạn từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 6 năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ việc, xếp sau là Ấn Độ với 58 vụ việc, Trung Quốc với 32 vụ, Canada là 25 vụ, EU và Argentina là 20 vụ, Mexico là 11 vụ, Úc và Nga là 8 vụ, Brazil là 6 vụ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là 5 vụ. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá nhất với 73 vụ, kế tiếp là Hoa Kỳ với 69 vụ, Canada 26 vụ, Argentina và EU là 22 vụ, Nam Phi là 18 vụ, Brazil 17 vụ, Hàn Quốc 15 vụ,...
Việt Nam chủ động sử dụng biện pháp
Trong giai đoạn từ 1/1/1995 đến 31/12/2022, Trung Quốc là quốc gia bị khởi xướng điều tra biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất với 1.565 vụ việc, chiếm 24% tổng số vụ việc (6.582 vụ việc) của các thành viên WTO bị khởi xướng trong cùng giai đoạn. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 487 vụ, chiếm 7%; thứ ba là Đài Loan (Trung Quốc) với 335 vụ, chiếm 5,1%; Hoa Kỳ 318 vụ, chiếm 4,8%; Ấn Độ 270 vụ, chiếm 4,1%; Thái Lan 260 vụ, chiếm 4%.
Đối với Việt Nam, theo Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam bị các thành viên WTO khởi xướng điều tra chống bán phá giá với 120 vụ. Năm 2022, các thành viên WTO đã khởi xướng tổng cộng 89 vụ việc điều tra biện pháp chống bán phá giá, trong đó Trung Quốc là đối tượng của 38 vụ việc, chiếm 43% tổng số vụ việc khởi xướng; Ấn Độ bị khởi xướng điều tra 08 vụ việc, chiếm 9%; Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam bị khởi xướng điều tra 4 vụ việc.
Một số ngành hàng là đối tượng bị điều tra chống bán phá giá của các thành viên WTO là động vật sống; nông sản; mỡ, dầu và sáp động thực vật; thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm và thuốc lá; sản phẩm khoáng; sản phẩm hóa chất; các sản phẩm nhựa, plastic, cao su; gỗ và các sản phẩm gỗ; giấy, bìa; sản phẩm dệt may; các sản phẩm bằng đá, thạch cao, sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh; sản phẩm kim loại; máy móc và thiết bị điện; xe cộ, máy bay và tàu thuyền và các mặt hàng khác. Năm 2022 ghi nhận 89 vụ việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá, trong đó, mặt hàng hóa chất có 21 vụ việc, chiếm 24%; các sản phẩm kim loại chiếm 16 vụ việc (chiếm 18% tổng số vụ việc khởi xướng), xếp thứ ba là nhóm các mặt hàng nhựa với 12 vụ việc (chiếm 13%).
Tính đến nay, Việt Nam đã khởi xướng 16 vụ việc điều tra chống bán phá giá trong số 25 vụ việc. So với các nước, mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam ít hơn. Theo Cục Phòng vệ thương mại là do Việt Nam thống kê theo vụ việc khởi xướng điều tra, còn các nước thống kê theo số quốc gia bị điều tra trong mỗi vụ việc.
Ngoài ra, Việt Nam gia nhập WTO sau một số nước ASEAN và châu Á gần 10 năm. Và chúng ta bắt đầu điều tra biện pháp phòng vệ thương mại lần đầu vào năm 2009, tức mới có 14 năm sử dụng công cụ này. Thống kê của WTO, giai đoạn 2018-2022, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước thành viên khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc phòng vệ thương mại.
Mặt khác, phòng vệ thương mại là biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, không phải một vài doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy, yêu cầu cơ bản khi sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước để đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện bắt buộc khi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của WTO.
Theo đó, việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải căn cứ trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước. “Do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên mức độ nhận thức, hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại còn rất hạn chế, cũng như mức độ sẵn sàng hợp tác để cùng kiến nghị gặp nhiều khó khăn, khiến số vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam chưa nhiều”- Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|