Điều kiện cơ bản tiếp cận thị trường gia vị và hương liệu EU

(Banker.vn) Để thâm nhập vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, hương liệu Việt phải đáp ứng các yêu cầu về độ ẩm, dư lượng thuốc bảo vật, chất gây ô nhiễm.
Thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam Điểm tên gia vị có tiềm năng nhất tại thị trường EU Quảng bá Chương trình và các sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tại châu Âu

Dự địa phát triển còn nhiều

Hiện nay, quế, hồi hay các gia vị và hương hiệu Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi và các gia vị, hương liệu Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Điều kiện cơ bản tiếp cận thị trường gia vị và hương liệu EU
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định, gia vị và hương liệu Việt Nam là những sản phẩm tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường EU

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, đối với gia vị và hương liệu, các quốc gia châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất là Đức, Vương quốc Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha. Trong đó, gừng, nghệ là các sản phẩm có nhu cầu cao nhất và hạt tiêu, vani, quế vẫn là những sản phẩm có thị trường lớn tại châu Âu. Ngoài ra, hạt nhục đậu khối nói riêng cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây.

Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Năm 2021, châu Á là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu với 45% thị phần, tiếp theo là châu Âu (28%),

Từ năm 2019 đến năm 2021, thị trường châu Âu tiếp tục tăng nhập khẩu đặc biệt nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu gia vị và hương liệu trong giai đoạn này tăng với tốc độ hàng năm là 9,0%, đạt 1,8 tỷ euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu.

Với những số liệu trên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định, gia vị và hương liệu là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường châu Âu trong thời gian tới. Do vậy, để thâm nhập vào thị trường khó tính này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng một số yêu cầu khắt khe như về yếu tố độ ẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm...

Các điều kiện tiếp cận thị trường hương liệu, gia vị EU

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh, hiện nay, thị trường châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại gia vị có nguồn gốc bền vững, trong đó chứng nhận đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên là vấn đề kiểm soát thực phẩm chính thức.

Thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không.

“Tất cả các doanh nghiệp thực phẩm bên ngoài châu Âu, quá trình sản xuất ngay từ đầu phải áp dụng, thực hiện và duy trì một quy trình dựa trên các nguyên tắc HACCP”, Thương vụ thông tin và nhấn mạnh, điều này là biện pháp kiểm soát chính thức không được thay thế bằng các chứng chỉ khác. Quy định áp dụng HACCP là một yếu tố quan trọng trong hệ thống quản lý chất lượng của các công ty nhằm trở thành nhà cung cấp thành công cho thị trường châu Âu.

Điều kiện cơ bản tiếp cận thị trường gia vị và hương liệu EU
Để mở rộng thị phần của sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam tại thị trường EU, doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh truyền thông, các hội chợ, triển lãm...

Thứ hai là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép sẽ bị loại khỏi thị trường châu Âu. Vào năm 2022, 65% cảnh báo các vấn đề được báo cáo trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) liên quan đến mức độ vi phạm ngưỡng Giới hạn dư lượng tối đa (MRL) hoặc các hoạt chất không nằm trong danh mục được cho phép.

Đơn cử như mức độ quá mức thường thấy nhất trong các loại gia vị và hương liệu là Ethylene oxit (ETO) và chất chuyển hóa của nó là 2-chloroetanol (2-CE; Chlorpyrifos: MRL là 0,01 mg/kg đối với gia vị và hương liệu; Anthraquinone: MRL là 0,02 mg/kg; Cypermethrin: MRL là 0,02 mg/kg đối với gừng và nghệ và 0,01 mg/kg đối với các loại gia vị khác.

Thứ ba là yếu tố độ ẩm. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mức dư lượng trong gia vị và hương liệu khô cao hơn trong sản phẩm tươi. Điều này phải được tính đến khi đánh giá mức dư lượng vì MRL dựa trên sản phẩm tươi sống.

Đối với các loại hương liệu và gia vị khô, Điều 20 của quy định MRL cho phép ngoại lệ đối với MRL do quá trình sấy khô gây ra. Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) khuyến nghị hệ số khử nước cụ thể cho gia vị và hương liệu, từ 3 đối với tỏi khô đến 13 đối với lá rau mùi. Những yếu tố khử nước này không áp dụng cho hạt gia vị.

Thứ tư, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tại Liên minh châu Âu, thuốc trừ sâu tổng hợp không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ. Trong thực tế, mức dư lượng rất thấp (thường là 0,01 mg) được cho phép nếu doanh nghiệp có thể chứng minh đó là kết quả của sự lây nhiễm chéo và không phải do sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp.

Cùng với đó, Thương vụ lưu ý, chất gây ô nhiễm thực phẩm là những chất không được cố ý bổ sung thêm vào thực phẩm. Chúng có thể hiện diện trong các loại hương liệu và gia vị do quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, bảo quản hoặc ô nhiễm môi trường. Chất gây bảo quản có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Để giảm thiểu những rủi ro này, EU đã đặt ra mức tối đa đối với một số chất gây bảo quản trong thực phẩm và nguyên liệu.

Thứ năm, vấn đề kiểm dịch thực vật. Hiện nay, EU kiểm tra các sản phẩm thực phẩm để bảo vệ con người, động vật và thực vật khỏi bệnh tật và sâu bệnh. Các công cụ phổ biến là kiểm tra thực phẩm và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đặc biệt được cấp cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật có thể được tái sản xuất ở châu Âu sau khi nhập khẩu, chẳng hạn như đối với thực phẩm có chứa hạt giống.

Doanh nghiệp kinh doanh hương liệu và gia vị chỉ yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với hạt giống dùng để gieo trồng và đối với các loại hương liệu và gia vị tươi, chẳng hạn như tỏi, gừng và các loại cây hương liệu tươi.

Thứ sáu là vấn đề ghi nhãn và đóng gói. Tại EU, việc ghi nhãn các loại hương liệu và gia vị cần được chú ý cẩn thận. Tổng quan về RASFF năm 2022 có 7 vấn đề ghi nhãn, tất cả đều liên quan đến chất gây dị ứng. Trong một số trường hợp, phần khai báo về chất gây dị ứng bị thiếu. Trong các trường hợp khác, bản thân sản phẩm không được đánh dấu là chất gây dị ứng (mù tạt, cần tây). Vừng cũng được phát hiện là chất gây dị ứng không được công bố.

Thực phẩm nhập khẩu vào EU phải đáp ứng quy định về ghi nhãn thực phẩm. Nhãn bao bì số lượng lớn phải có: Tên và chủng loại sản phẩm; Mã lô hàng; Trọng lượng tịnh theo hệ mét; Thời hạn sử dụng của sản phẩm hoặc tốt nhất trước ngày và điều kiện bảo quản được khuyến nghị; Mã số lô hàng; Nước xuất xứ; và tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu...

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, để có thể mở rộng thị phần của sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam tại thị trường EU, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến các yêu cầu khắt khe của thị trường như đã kể trên. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hương liệu, gia vị của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông; tham gia quảng bá tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại EU và của nhiều nước trên thế giới.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương