Điều hành kinh doanh xăng dầu: Để cung cầu thị trường quyết định

(Banker.vn) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý đối với việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, VCCI cho rằng Nhà nước không điều hành giá để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường, chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý.

 

Để cung cầu quyết định?

VCCI cho biết đã tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia và có một số ý kiến góp ý ban đầu. Cụ thể, về phương thức điều hành giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Đối với phương án 1, VCCI lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án  này. Cần lưu ý rằng, tinh thần “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được đưa ra khi xây dựng công thức tính giá. Các Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản trước đó đều coi việc “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp là nguyên tắc khi xây dựng công thức tính giá. Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không làm được vì nhiều lý do như tính toán chi phí phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch.

Chi phí định mức này sẽ lấy theo mức bình quân gia quyền chi phí của các doanh nghiệp, tức là sẽ có khoảng một nửa số doanh nghiệp (tính theo thị phần) có chi phí cao hơn mức trung bình sẽ không còn động lực kinh doanh khi chi phí cao hơn giá bán. Nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu như giai đoạn vừa qua vẫn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng này thì buộc phải tăng lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp có động lực kinh doanh. Nhưng như vậy sẽ khiến giá bán xăng dầu cao, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.

Theo VCCI, nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được.

Đối với phương án 2, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí. Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Với những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2. Lý do lựa chọn là vì có biện pháp khắc phục nhược điểm của phương án 2, trong khi phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm.

Trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi như đã phân tích, nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp.

Trong văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương đề nghị trước mắt sẽ chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83 và về lâu dài thì sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, Công văn 288 chưa xác định rõ khi nào sẽ thực hiện việc này. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này.

Tăng tính cạnh tranh của thị trường

Ngoài ra, VCCI cũng có ý kiến đối với một số nội dung quy định khác. Đối với, mức chiết khẩu bán lẻ, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Về nguồn hàng, VCCI đề nghị lựa chọn phương án cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng từ nhiều nguồn. Cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.

Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn. Tuy nhiên, VCCI cho rằng lo ngại này là không thực sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường. Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối.

Bộ Công Thương đưa ra phương án Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi các doanh nghiệp này thua lỗ, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Việc hỗ trợ tài chính này về bản chất là việc Nhà nước dùng tiền ngân sách để khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống trong khi Nhà nước vẫn duy trì giá bán xăng dầu ở mức thấp và thu các loại thuế đối với xăng dầu. VCCI cho rằng điều này dường như không cần thiết khi mà có một giải pháp khác tốt hơn rất nhiều là Nhà nước tăng giá bán lẻ xăng dầu sao cho phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp tự quyền quyết định giá. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có động lực để kinh doanh mà không cần bất kỳ một sự hỗ trợ nào.

VCCI cho rằng trên lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về dự trữ lưu thông, VCCI cho rằng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn được bảo đảm, trong trường hợp Nhà nước vẫn điều hành giá thì cần tính chi phí dự trữ lưu thông vào giá bán lẻ để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí. Nếu trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.

VCCI nhận định hiện nay có nhiều nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường như quy định về điều hành giá khiến các doanh nghiệp không cạnh tranh về giá, quy định phân phối 1:1 giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn khiến các đơn vị bán buôn không cạnh tranh trực tiếp với nhau khi thu hút cửa hàng bán lẻ; điều kiện đầu tư kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường quá cao; quy định khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Đây là những vấn đề cần được giải quyết nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường, là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tới cho phép giá cả biến động theo cung cầu của thị trường.

Thêm vào đó, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Có thể cân nhắc phương án quản lý theo các công đoạn của kinh doanh xăng dầu gồm có: (1) sản xuất; (2) nhập khẩu; (3) bán buôn; (4) bán lẻ; (5) các dịch vụ hỗ trợ.

Bùi Trang -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ