Điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bớt áp lực hơn trong năm 2023

(Banker.vn) Các chuyên gia cho rằng trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ đỡ áp lực hơn.

Lãi suất vay mua nhà tăng tại nhiều ngân hàng trong tháng 11/2022: Cao nhất lên tới 10,59%/năm

Lãi suất ngân hàng MSB tháng 11/2022: Tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng cao

ABBBANK được Visa trao giải thưởng “Ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng doanh số thẻ cao nhất năm 2022”

Trong tuần vừa qua, sự kiện thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm %, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Bình luận về quyết định nâng lãi suất lần này của Fed, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước và không có gì bất ngờ.

"Mọi người đều biết Fed sẽ tăng lãi suất. Mức tăng bao nhiêu không đáng lo ngại, quan trọng là việc này sẽ kéo dài bao lâu và nếu không dập được lạm phát, Fed có nâng mục tiêu tăng lãi suất hay không", ông nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 9 vừa qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) – thước đo giá cả ưa thích của Fed – tăng 5,1% so với cùng kỳ 2021, cao gấp nhiều lần so với mục tiêu 2% của các quan chức Fed. Mức đỉnh 40 năm hiện nay là 5,3% được thiết lập vào tháng 2/2022.

Giám đốc Phân tích của Yuanta Việt Nam nhìn nhận việc đưa lạm phát xuống ngưỡng 2% là bài toán khó và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, Fed đồng thời cũng phải đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp, vừa thắt chặt tiền tệ, vừa tránh nguy cơ suy thoái kinh tế.

Điểm tích cực là thông báo của Fed hôm qua ám chỉ thay đổi chính sách. "Khi xác định nhịp độ nâng lãi suất mục tiêu trong tương lai, Ủy ban FOMC sẽ xem xét tới toàn bộ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, lạm phát, và những sự phát triển về kinh tế và tài chính”.

Do vậy, ông dự báo khả năng cao Fed tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) trong năm 2023 trên 5%, đồng nghĩa những đợt tăng lãi suất trong năm tới sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với hiện tại, có thể tăng 0,5 điểm phần trăm sau đó hạ xuống 0,25 điểm phần trăm.

Theo vị chuyên gia, Fed tăng lãi suất tất nhiên cũng có tác động đến Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc phải nâng lãi suất theo bởi tỷ giá sẽ tăng nếu không tăng lãi suất trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm.

"Nếu không bán USD, NHNN buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá. Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ tăng", ông nói.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong năm 2023, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ đỡ áp lực hơn do dự báo Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong năm tới, Việt Nam sẽ nhẹ tay hơn trong việc nâng lãi suất.

"Việt Nam vẫn sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất vẫn sẽ tăng trong năm 2023 theo các động thái của Fed, tuy nhiên Việt Nam sẽ cân đối hài hòa, không để mức lãi suất quá thấp và không tăng lãi suất quá nhanh. Ngoài ra, việc tăng lãi suất còn phụ thuộc vào nội tại của nền kinh tế", ông nói.

Ông cũng cho biết biến số cần tiếp tục theo dõi là tỷ giá, ông kỳ vọng tỷ giá ổn định để áp lực tăng trần lãi suất kỳ hạn không cao.

Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect cho rằng Fed sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm 2023 và dự báo Fed giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm tới. Hai yếu tố này kết hợp với bộ đệm bộ đệm từ thặng dư thương mại và thặng dư cán cân thanh toán tốt hơn sẽ giúp giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Hoàng Quyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục