Điều gì khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng app “đi chợ online”?

(Banker.vn) Xu hướng sử dụng app công nghệ để đặt đồ ăn trực tuyến và “đi chợ online” của người Việt trong năm 2023 gia tăng đáng kể so với năm ngoái.
Đi chợ... online Giao đồ ăn trực tuyến: Bùng nổ thương hiệu mới

Sử dụng app gọi món tăng vọt

Theo các nghiên cứu được công bố gần đây, thói quen tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi lớn khi ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến.

Cụ thể, theo báo cáo về “Xu hướng đặt món ăn và đi chợ online tại Đông Nam Á năm 2023” được Grab công bố ngày 26/12, người tiêu dùng tại Đông Nam Á đang đặt hàng thường xuyên hơn trước. Riêng tại Việt Nam, 9/10 người dùng được khảo sát cho biết họ đang sử dụng ứng dụng Grab để khám phá các nhà hàng và cửa hàng mới mà họ chưa từng thử qua trước đây. Cũng theo báo cáo, hành trình ẩm thực của người dùng đang dần kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến. Hơn 90% người dùng cho biết họ thường đọc các đánh giá trực tuyến, hơn 60% người dùng đã mua voucher trả trước qua các kênh trực tuyến, và hơn 70% đã đặt món trực tuyến ngay khi đang ngồi tại nhà hàng. Đáng chú ý, 9/10 người tiêu dùng được khảo sát trong khu vực cho biết họ ưa chuộng các thương hiệu ẩm thực và mua sắm có trải nghiệm tích hợp hình thức trực tuyến và ngoại tuyến, trong đó các nền tảng số đang là yếu tố quan trọng trong hành trình trải nghiệm của khách hàng.

Cũng khẳng định xu hướng sử dụng app công nghệ để đặt món của người Việt gia tăng, trong báo cáo được phát hành bởi ShopeeFood cho biết, năm 2023 ứng dụng này đã thu hút hơn hàng triệu người dùng mới. Ứng dụng này còn ghi nhận, khung 11 giờ đến 12 giờ và 18 giờ đến 19 giờ là hai thời điểm người dùng đặt món nhiều nhất trong ngày. “Năm nay, thị trường Việt Nam chứng kiến nhu cầu đặt món trực tuyến tăng vọt, kéo theo nhiều món ăn xu hướng ra đời. Điều này trở thành cơ sở để chúng tôi mở rộng hoạt động vận hành đến nhiều tỉnh, thành phố”- bà Lê Ngọc Uyên, Quản lý cấp cao, Trưởng phòng Kinh doanh ShopeeFood Việt Nam cho biết.

Lưu ý nào cho doanh nghiệp

Một điểm thú vị được các báo cáo chỉ ra - năm 2023 là năm của các món ăn xu hướng. Hàng loạt những cái tên như cà phê muối, gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, bánh đồng xu, trà chanh giã tay,... ra đời và nhanh chóng tạo thành cơn sốt trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Riêng trên ứng dụng ShopeeFood, lượt tìm kiếm các món ăn xu hướng này và số lượng cửa hàng phục vụ tăng tỉ lệ thuận với nhau, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của người dùng và sự nhanh nhạy của các nhà hàng, quán ăn trong việc nắm bắt thị hiếu. Theo thống kê, trà mãng cầu dẫn đầu về số lượng tiêu thụ với gần 440.000 sản phẩm bán ra chỉ sau 3 tháng xuất hiện trên thị trường.

Điều gì khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng app “đi chợ online”?
Người Việt dùng add đặt đồ ăn gia tăng (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, trên GrabFood, bún đậu mắm tôm, cà phê muối, trà sữa và cơm tấm - là những món đứng đầu trong danh sách tìm kiếm của người dùng. “Biết được những món ăn nào đang được tìm kiếm và lựa chọn đúng từ khóa quảng cáo sẽ giúp các nhà hàng và cửa hàng tối đa hóa khả năng hiển thị, giúp người dùng có thể tìm thấy mình trên ứng dụng”- đại diện của Grab lưu ý.

Cũng theo báo cáo của Grab, cứ 5 người Việt chi tiêu nhiều nhất trên Grab thì có 1 người là hội viên GrabUnlimited - gói hội viên mang lại cho người dùng nhiều lợi ích hấp dẫn hàng tháng cùng các chương trình khuyến mại đặc biệt khi sử dụng các dịch vụ. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng theo nhóm ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tính năng này được dùng phổ biến nhất vào giờ ăn trưa và cho các đơn hàng giao đến văn phòng công ty. Do đó, các quán ăn, nhà hàng có thể tiếp cận giới nhân viên văn phòng bằng cách áp dụng các gói ưu đãi kết hợp trong thời gian cao điểm này.

Một điểm chú ý khác theo Grab đó là ý thức bảo vệ môi trường của người dùng ngày càng nâng cao. Theo đó 47% người dùng tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu thân thiện với môi trường, và 93% người dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có các hoạt động bền vững. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố sinh thái trong lựa chọn dịch vụ, các thương hiệu có thể đón đầu xu hướng bằng cách điều chỉnh bao bì, ví dụ như loại bỏ các lớp đóng gói không cần thiết, hoặc chọn lựa các chất liệu đóng gói thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi hy vọng những kết quả từ báo cáo có thể hỗ trợ các đối tác hiểu rõ hơn về người tiêu dùng trực tuyến và cách làm thế nào để tương tác hiệu quả với họ”- ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam chia sẻ.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục