Điều gì khiến MFS - "gà cưng" nhà Mobifone tăng hơn 3 lần rồi quay đầu giảm mạnh?

(Banker.vn) Thị giá cổ phiếu MFS của MobiFone Service tăng nóng hơn 3 lần rồi quay đầu giảm mạnh, điều gì đang diễn ra?

Cổ phiếu MFS - "gà cưng" nhà Mobifone trong làn sóng viễn thông, công nghệ

Từ đầu năm 2024 tới nay, cổ phiếu công nghệ, viễn thông có lẽ là từ khóa "hot" nhất trên thị trường chứng khoán, khi "con sóng thần" chip bán dẫn cùng công nghệ AI đã đưa hàng loạt cổ phiếu của các "ông lớn" như Viettel, FPT và Mobifone tăng mạnh bình quân hàng chục phần trăm, xô đổ nhiều kỷ lục về giá trước đó. MFS của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật MobiFone (MobiFone Service) là một ví dụ điển hình.

Sau quãng thời gian dài "bất động" ở vùng giá 25.000 đồng/cp và vắng bóng thanh khoản, từ giữa tháng 5/2024, giá cổ phiếu MFS ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ tăng hơn 3 lần chỉ trong 1 tháng, thanh khoản cũng đột biến tăng. Qua đó, lần đầu tiên trong lịch sử cổ phiếu "con cưng" của Mobifone chạm mốc 74.300 đồng/cp (kết phiên 24/06). Trong nhiều năm trước đó, MFS cũng chỉ quanh quẩn mức 25.000 đồng/cp nói ở trên.

Giá cổ phiếu cao hơn cũng là lúc các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu ở những giai đoạn trước đó hiện thực hóa lợi nhuận, và MFS không phải là ngoại lệ, thậm chí xuất hiện những động thái được cho là “chốt lời” của cổ đông lớn hay lãnh đạo Công ty.

Điều gì khiến MFS -
Trước áp lực "chốt lời", MFS đã quay đầu giảm khá mạnh

Lãnh đạo cùng cổ đông lớn chốt lời

Mới đây nhất, Phó Tổng Giám đốc Phan Tiến Dũng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 139 nghìn cổ phiếu MFS đang nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 1,97% vốn, trong giai đoạn từ 27/6-26/7/2024. Ông Dũng cho biết bán ra vì nhu cầu cá nhân, thông qua 2 phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Xét theo giá đóng cửa phiên 2/7 là 43.500 đồng/cổ phiếu, ước tính Phó Tổng MFS có thể thu về khoảng 6 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 26/6, ông Nguyễn Duy Hưng – một cổ đông lớn kín tiếng của MFS đã bán hơn 158 nghìn cổ phiếu, qua đó hạ sở hữu từ gần 1,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,04%) xuống còn gần 1,19 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,8%). Giá đóng cửa của phiên 26/6 là 62.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hưng đã thu về khoảng 10 tỷ đồng.

MobiFone Service tiền thân là Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Mạng và Thông tin Di động (MobiTechs) được thành lập năm 2008, chuyên kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

5 cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Công ty TNHH Thiên Việt, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện, và Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông (TST).

Ngày 16/4/2019, hơn 7,06 triệu cổ phiếu MFS được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu chào sàn 26.300 đồng/cổ phiếu.

Hiện vốn điều lệ của MobiFone Service đạt hơn 70,6 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên 2023, tại ngày 23/11/2023, cổ đông lớn nhất của công ty là Tổng Công ty Viễn thông MobiFone với số lượng nắm giữ hơn 2,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 31,26%. Một cá nhân là ông Nguyễn Duy Hưng nắm giữ hơn 1,38 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,62% (vừa giảm sở hữu vào ngày 26/6/2024).

Điều gì khiến MFS -

Đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi

ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa diễn ra vào ngày 27/06 đã thông qua cho thấy kế hoạch kinh doanh năm 2024 đi lùi, với tổng doanh thu hơn 395 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 26% so với thực hiện năm 2023.

Tuy nhiên, lãnh đạo MFS cũng nhận định tình hình năm 2024 còn nhiều khó khăn, doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi suy giảm theo xu hướng, mức lương tối thiểu vùng tăng làm tăng mạnh chi phí nhân công... Do đó, trường hợp không đạt kế hoạch, MFS cũng đề ra mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu khoảng 12.5 tỷ đồng, tương đương 62% thực hiện năm 2023.

Điểm lại kết quả kinh doanh các năm trước, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MobiFone Service có chiều hướng đi xuống trong ba năm vừa qua (2021 – 2023). Cụ thể, năm 2023, công ty mang về gần 397 tỷ đồng doanh thu thuần và 20,3 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 4% và 5,6% so với thực hiện năm trước đó.

Tại thời điểm 31/12/2023, Mobifone Service có lượng nhân viên khá lớn là 2.354 người. Trong năm qua, công ty này đã chi tổng cộng 252,6 tỷ đồng cho chi phí nhân viên, tương ứng mỗi người nhận 107,3 triệu đồng/năm. Như vậy trung bình công ty này đã chi trả cho nhân viên các khoản bao gồm lương, bảo hiểm, thuế và phụ cấp khác là 9 triệu đồng/tháng.

Con số này là khá thấp so với các doanh nghiệp công nghệ khác. Ví dụ như FPT chi bình quân cho mỗi nhân viên là gần 40 triệu đồng/tháng. Hay thu nhập bình quân của nhân viên Viettel đạt 25,98 triệu đồng/người/tháng. VNPT - công ty mẹ của Mobifone cũng chi trả mức gần 27 triệu đồng/người/tháng.

Tổng tài sản của Mobifone Service đạt mức 256,5 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với số đầu năm 2023. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi doanh nghiệp này đang nắm giữ là 141 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 107,5 tỷ đồng. Công ty này không có nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt mức 181 tỷ đồng.

Sóng cổ phiếu công nghệ còn kéo dài bao lâu?

Cổ phiếu công nghệ thông tin được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho việc chuyển đổi số toàn ...

Cổ phiếu MFS - "gà cưng" nhà Mobifone trong làn sóng viễn thông, công nghệ

Từ cuối tháng 5 đến nay, trong "cơn say" của làn sóng doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, cổ phiếu MFS của MobiFone Service cũng ...

Sóng cổ phiếu công nghệ: Liệu có "ứng trước" quá đà?

Cổ phiếu công nghệ đang chiếm lĩnh sự quan tâm cả ở cấp toàn cầu cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, khi cơn sốt ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán