Điều gì khiến giá sầu riêng giảm sâu?

(Banker.vn) Những ngày cuối tháng 9, ghi nhận tại các kho thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước đều giảm giá từ 10-15% so với đầu vụ và 5% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sầu riêng: Cách nào để làm chủ thị trường? Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục

Khảo sát trên địa bàn cho thấy, giá sầu riêng cuối vụ tại các hộ trồng ở Gia Lai, Đăk Lăk đang giảm 20.000-30.000 đồng một kg so với đầu vụ (tháng 7).

Trong đó, sầu riêng loại A (2,7 hộc, 2-5 kg) có giá 65.000-70.000 đồng một kg; loại B (2,5 hộc) giá 55.000-63.000 đồng, giảm 25-30% so với tháng 7 và khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá sầu riêng Monthong tại vườn dao động 65.000-70.000 đồng một kg, giảm 25-30% so với đầu vụ tháng 7.

Nông dân ở Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, kỳ vọng giá sầu riêng cuối vụ sẽ tăng. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài làm giảm chất lượng trái, khiến giá bán tại vườn của họ chỉ đạt 70.000 đồng mỗi kg. Tương tự, một nông dân khác đang sở hữu 0,5ha sầu riêng tại Gia Lai, cũng gặp khó khi thương lái bỏ cọc mua 80.000 đồng một kg, buộc họ phải bán xô với giá chỉ 65.000 đồng do trái chưa đạt chuẩn.

Điều gì khiến giá sầu riêng giảm sâu?
Giá sầu riêng cuối vụ tại các hộ trồng ở Gia Lai, Đăk Lăk đang giảm 20.000-30.000 đồng một kg so với đầu vụ. Ảnh: TL

Tại các kho thu mua ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Bình Phước, giá thu mua cũng đã giảm mạnh. Sầu Monthong loại A tại Bảo Lộc có giá 82.000 đồng một kg, hàng Đắk Lắk đạt 90.000 đồng, còn hàng xô dao động 30.000-40.000 đồng một kg, giảm 10-15% so với đầu vụ và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các thương lái, giá giảm mạnh do mưa nhiều làm giảm chất lượng, đặc biệt là với các vườn trồng mới thiếu kỹ thuật. Trái sượng khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn, phần lớn chỉ tiêu thụ nội địa.

Các vườn trồng xen canh tiêu, cà phê bị ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng. Khi tiêu, cà phê tăng giá, nhiều hộ tập trung vào cây này và bón dinh dưỡng thiếu kiểm soát, khiến chất lượng sầu riêng giảm. Một số vựa chỉ mua để làm hàng kem, bóc múi, khó xuất khẩu nguyên trái.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9 đạt trên 920 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số kỷ lục chưa từng có nhờ vào vụ thu hoạch sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên. Tính chung 9 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Úc, Tiểu Vương quốc Ả Rập và Nga.

Riêng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam. 8 tháng Trung Quốc chi khoảng 3,1 tỷ nhập rau quả của Việt Nam, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là thị trường Mỹ, chi gần 227 triệu USD nhập khẩu rau quả Việt Nam, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp phần lớn vào tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường chính vẫn là sầu riêng. Ước tính giá trị xuất khẩu sầu riêng trong tháng 9 vượt 500 triệu USD - đây là con số lần đầu tiên được ghi nhận đối với mặt hàng này.

Mặc dù xuất khẩu sầu riêng chững lại do ảnh hưởng thời tiết, nhưng các doanh nghiệp cho biết nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng trở lại nhờ các dịp lễ hội. Thời tiết thuận lợi từ tháng 10 trở đi sẽ giúp sầu riêng ngon và chất lượng. Ngoài ra, sản lượng hàng trái vụ tăng, dự kiến thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trở lại.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sản lượng xuất khẩu giảm trong tháng 7 và 8 chỉ là ngắn hạn. Từ tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng mạnh. Năm nay, ngành sầu riêng có thể đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt 400-500 triệu USD trong năm nay.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá 2,3 tỷ USD, với 90% xuất sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng đạt 154.000 ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 15% mỗi năm.

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 - 35.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Hiện Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch sầu riêng và kéo dài đến hết tháng 10, qua đó, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước.

Với những thuận lợi trong xuất khẩu rau quả những tháng qua, cũng như sự chủ động về nguồn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, kỳ vọng cả năm 2024 xuất khẩu rau quả có thể ước đạt 7 tỷ USD.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục