Điều gì khiến dòng tiền “mất hút” trên thị trường chứng khoán?

(Banker.vn) Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Vietnam Economic Forum (VEF) lần thứ 5, TS. Cấn Văn Lực, Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra 4 yếu tố chính khiến thanh khoản đi xuống trên thị trường chứng khoán.

Từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh

Trong báo cáo 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 16/9/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.437 nghìn tỷ đồng, giảm 17,1% so với cuối năm 2021. Trong tháng 9/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 16.394 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước.

Điều gì khiến dòng tiền “mất hút” trên thị trường chứng khoán?

Bước sang tháng 10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 ghi nhận giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 11.449 tỷ, giảm 14,53% so với tháng 9.

Bước sang tháng 11, giá trị giao dịch vẫn giảm nhưng ghi nhận đà giảm rất nhẹ xuống khoảng 11.443 tỷ đồng. Vậy điều gì đã khiến dòng tiền “mất hút”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Vietnam Economic Forum (VEF) lần thứ 5, TS. Cấn Văn Lực, Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra 4 yếu tố chính khiến thanh khoản đi xuống.

Thứ nhất, dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất thấp đã không còn, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên. Tính chung 10 tháng năm 2022, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ VND.

Tuy nhiên, trong tháng 11/2022, khối ngoại đã quay lại mua ròng khá nhiều (gần 16.000 tỷ VND) do thị trường đang bắt đáy, giá chứng khoán khá thấp so với triển vọng.

Bên cạnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do năng lực tài chính suy giảm, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ; phát hành TPDN khó khăn hơn sau những vụ việc vi phạm qui định vừa qua và qui định luật pháp theo hướng chặt chẽ hơn; giải ngân đầu tư công còn chậm, vòng quay vốn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau... khiến lượng vốn dành cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bị giảm đi đáng kể.

Nhà đầu tư cá nhân cũng hạn chế vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán (đến hết tháng 9/2022, dư nợ cho vay margin ở mức 165.000 tỷ VND, giảm 18% so với cuối năm 2021) trong bối cảnh thị trường biến động mạnh và rủi ro gia tăng.

Thứ hai, làn sóng bán giải chấp diễn ra trên diện rộng. Dù dư nợ cho vay ký quỹ đã giảm 18% từ mức đỉnh cuối quý 1/2022 (201.200 tỷ đồng) song vẫn là mức cao trong vòng 2 năm 2020- 2021 (cao hơn giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh). Việc giá cổ phiếu giảm mạnh đã dẫn đến việc một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.

Thứ ba, những vụ việc vi phạm pháp luật ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Hàng loạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn được ban bố cùng các biện pháp chấn chỉnh TTCK và bất động sản. Cùng với đó, một số thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội cũng làm “nhũng nhiễu” thị trường.

Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Việc xử lý, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý còn chậm cũng có tác động nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng (đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên), dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm, từ đó tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.

Thứ tư, tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân này là họ đưa ra quyết định đầu tư không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính, mà mua bán chủ yếu theo tin đồn. Do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh.

Giảm lãi suất huy động

Đánh giá thanh khoản là vấn đề then chốt đối với sự hồi phục của chứng khoán Việt Nam. Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông Tú nhấn mạnh “đó là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi… Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ''.

Cuộc họp này của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là kịp thời trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng cao trước áp lực của thị trường trái phiếu, giảm tỷ lệ vốn tín dụng/vốn huy động (LDR) của các ngân hàng.

Các chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ thanh khoản cho thị trường trái phiếu, sửa đổi quy định triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong tuần trước cũng là các tín hiệu vĩ mô tích cực tác động tới tâm lý TTCK.

Những khó khăn ngắn hạn về thanh khoản, dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp khi siết cung tiền, áp lực đáo hạn thị trường trái phiếu, mặt bằng lãi suất cao đã được Chính phủ nhận diện và chỉ đạo tháo gỡ. Đây là điểm mấu chốt để dòng tiền trên TTCK lạc quan trở lại sau khi tìm cách thoát ra do lo sợ về đổ vỡ thanh khoản của một số doanh nghiệp niêm yết và áp lực bán giải chấp.

Định giá TTCK Việt Nam đang rẻ, rẻ nhất trong 10 năm qua. Thị trường đang ở mức đáy với nhiều cổ phiếu còn thấp hơn thời điểm COVID-19, thấp hơn định giá thị trường các nước trong khu vực từ 20 - 30%, nhiều cổ phiếu P/E chỉ 6 - 7 lần và P/B dưới 1 lần trong khi tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn ở mức 2 con số dù thấp hơn với kỳ vọng trước đây… Đó là các nhận định dựa trên số liệu thông kê của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Trên nền tảng định giá thị trường thấp, vĩ mô ổn định và được điều tiết linh hoạt, thị trường vẫn còn đủ câu chuyện để hấp dẫn dòng tiền như cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc hay trên nền định giá rẻ, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trở nên hấp dẫn khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng tách biệt với những khó khăn của lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại. Cổ phiếu các ngành, lĩnh vực hưởng lợi này đã thu hút dòng tiền, trở thành điểm sáng trong nhiều phiên giao dịch.

Sóng cổ phiếu các nhóm này sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong nửa đầu năm 2023 khi các thông tin tích cực như dự báo chuyển thành hiện thực.

Khi niềm tin trở lại thì dù thị trường con gấu vẫn luôn có cơ hội sinh lời hiệu quả và cơ hội rất lớn khi thị trường chuyển biến, đảo chiều xu thế bởi những quyết định và biến chuyển quan trọng ở tầm vĩ mô.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán