Điều gì khiến chủ thể OCOP thiếu tiền nhưng không dám vay ngân hàng?

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, các chủ thể OCOP hiện nay đa số ở quy mô nhỏ nên khó khăn trong năng lực, điều kiện, họ thiếu tiền nhưng không dám vay ngân hàng.
Thu hút 19,8 triệu lượt tiếp cận trên TikTok sau phiên livestream bán nông sản Thanh Hóa: 25 chủ thể OCOP được hỗ trợ quảng bá thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số Dòng vốn ngân hàng là chất xúc tác đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Lãi suất cho vay OCOP thấp hơn 2% so với lãi vay thông thường

Là doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Phú Thọ, thương hiệu chè Hoài Trung không chỉ được nhiều người tiêu dùng tại thị trường trong nước biết đến, mà còn vươn tầm “xuất ngoại” tại thị trường Châu Âu.

Từ một cơ sở sản xuất chè cá nhân mang tên Mão Hợi tại một nơi xa trung tâm huyện, đến nay đơn vị đã trở thành Công ty có dây chuyền sản xuất khép kín với công suất lớn, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc công ty TNHH chè Hoài Trung cho biết, doanh nghiệp có được “vị thế” như ngày hôm nay nhờ có đồng vốn từ ngân hàng lúc khó khăn cũng như giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công ty.

Bà Mão kể, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp, bà đã vay vốn từ Agribank Thanh Ba (Phú Thọ) với số tiền chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Cho tới nay, dư nợ của doanh nghiệp tại Agribank Thanh Ba đã lên tới 10 tỷ đồng và được duy trì trong suốt chục năm qua. “Chính nguồn vốn từ ngân hàng đã giúp chè Hoài Trung từng ngày phát triển, đưa thương hiệu chè Đinh - “ngọc xanh” của Thanh Ba có mặt trên kệ siêu thị của các thị trường khó tính như châu Âu” - bà Mão cho hay.

Điều gì khiến chủ thể OCOP thiếu tiền nhưng không dám vay ngân hàng?
Đoàn khách từ Nga xem mẫu sản phẩm tại Công ty TNHH chè Hoài Trung

Hiện nay, công ty đang sở hữu, chăm sóc gần 100ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ và hương vị đặc trưng. Doanh thu của doanh nghiệp trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 20 tỷ đồng ngang bằng với cả năm 2023 và dự kiến năm 2024 sẽ gấp 3 lần doanh thu 2023. “Không chỉ cung cấp nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng còn đồng hành trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác, tư vấn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn an toàn, hiệu quả. Agribank là người bạn tâm giao suốt đời của tôi” - bà Mão chia sẻ.

Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện sứ mệnh tam nông, ông Chu Ngọc Quý, Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân, Agribank - cho hay, trong những năm qua, Agribank luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP nói riêng.

Hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại), hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao)...

Đặc biệt, Agribank có chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng; đối tượng khách hàng là khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP thuộc các nhóm sản phẩm; lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao thấp hơn tối đa 2,0%/năm. Chương trình mới triển khai 26/1/2024 đến nay có 28/171 chi nhánh triển khai, doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.

Thay đổi tư duy, hành động cho chủ thể OCOP

Dù đạt được những kết quả nhất định trong việc chắp cánh cho sản phẩm OCOP, song ông Chu Ngọc Quý - cho biết, trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP như: Các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn.

“Hiện tại, hợp tác xã là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP, tuy nhiên trong quá trình vay vốn có phát sinh như giấy chứng nhận OCOP được cấp cho các hợp tác xã, do đó các thành viên của hợp tác xã không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên; các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường” - đại diện Agribank cho hay.

Điều gì khiến chủ thể OCOP thiếu tiền nhưng không dám vay ngân hàng?
Các ngân hàng, cần có sự ưu tiên, quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP

Từ thực tế địa phương, ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ lại nhìn nhận, hiện chưa có gói tín dụng “đặc thù” cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP.

Theo ông Giang, dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, chưa gắn với từng sản phẩm đặc thù, vùng miền địa phương. Cùng với đó, công tác tư vấn, hướng dẫn giữa ngân hàng và khách hàng về phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền, bảo đảm tiền vay còn có vấn đề. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ.

Nói về những khó khăn, hạn chế của chủ thể và sản phẩm OCOP, ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - bày tỏ, hiện nay, sản phẩm OCOP vẫn còn tồn tại những hạn chế nhưng chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề bao dung hơn. “Bản thân tôi khi xuống địa phương cảm thấy rất chạnh lòng khi thấy chủ thể OCOP rất khó khăn về góc độ tiếp cận thị trường vì họ xuất phát là những người nông dân” - ông Huấn bày tỏ.

Đại diện cơ quan quản lý OCOP trung ương cho rằng, các chủ thể OCOP cần thay đổi tư duy và thay đổi về hành động. “Điều này có nghĩa là chủ thể phải sẵn sàng thay đổi về bao bì, nhãn mác, sẵn sàng thay đổi về công nghệ, sẵn sàng vay vốn ngân hàng vì thực tế nhiều chủ thể thiếu tiền nhưng không dám vay. Đây là vấn đề về năng lực chứ không phải không có cơ hội” - ông Huấn nói.

Theo ông Huấn, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng Nhà nước đã có sự phối hợp và thống nhất xây dựng sản phẩm tín dụng cho OCOP. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi về địa phương đề nghị các đề phương rà soát lại các chủ thể OCOP có nhu cầu sử dụng vốn và sản phẩm tín dụng của ngân hàng để có phương án hỗ trợ.

“Về mặt tín dụng, ngành Ngân hàng đã làm rất tốt trên mọi lĩnh vực, nhưng riêng đối với chương trình OCOP chúng tôi mong muốn cần có sự phối hợp tốt hơn để có thông tin và giải pháp cụ thể” - ông Huấn đề suất.

Cụ thể hơn, ông đề nghị, về phát triển sản phẩm OCOP, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ ngành Ngân hàng vì không chỉ có vấn đề lãi suất mà còn liên quan đến thế chấp, tín chấp. Trên góc độ tiếp sức, mong rằng ngân hàng nhìn nhận các gói sản phẩm và đánh giá theo cấp độ của chủ thể. Như vậy, đó là động lực tiếp sức rất mạnh mẽ về chính sách.

Đối với các chủ thể, vì đa số là quy mô nhỏ nên khó khăn trong năng lực, điều kiện, các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến mặt thủ tục, giấy tờ đặt ra rất nhiều thách thức. Vì vậy, mong rằng trong quá trình làm việc, các ngân hàng, đặc biệt là Agribank các chi nhánh tỉnh, thành phố cần có sự ưu tiên, quan tâm hơn để có thể hỗ trợ các chủ thể OCOP giải quyết nhanh hơn về mặt thủ tục, vì các sản phẩm nông nghiệp phải đặt vấn đề thời vụ và yêu cầu về nguồn vốn.

“Chúng tôi sẽ chuyển tải những thông tin hỗ trợ của ngân hàng xuống các địa phương để các chủ thể OCOP có thể tiếp nhận được dễ dàng hơn. Song song với đó, rất mong Ngân hàng Nhà nước và Agribank có những văn bản đề nghị các chi nhánh có sự hỗ trợ hơn với chủ thể OCOP thực hiện các thủ tục thuận tiện hơn” - ông Huấn đề nghị.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương