Điều chưa biết đằng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu Nhựa Bình Minh

(Banker.vn) Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BMP (HOSE) của CTCP Nhựa Bình Minh đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới đầu tư với đà tăng giá ấn tượng trong suốt một tháng qua với thanh khoản lớn. Vậy, đâu là động lực khiến CP này tăng mạnh?

Xu hướng giá hàng hóa giá rẻ, người được kẻ mất

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục giữ vị trí là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh sau khi chính thức mở cửa đất nước vào tháng 1.2023, chấm dứt hơn 1 năm đóng cửa vì zero- covid (trong khi Việt Nam đã mở cửa 1 năm trước đó). Thậm chí Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa mức lãi suất điều hành thấp hơn cả những năm Covid trong bối cảnh cả Mỹ và EU đều duy trì lãi suất cao kỷ lục.

Điều chưa biết đằng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Sức cầu yếu khiến cho nhiều mặt hàng giảm giá mạnh

Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn chưa như kỳ vọng. Sức cầu yếu khiến cho nhiều mặt hàng giảm giá mạnh. Cụ thể, giá thép đã giảm 50% từ vùng đỉnh 2021, giá photpho giảm 32% so với giữa năm 2022 và giá nhựa PVC giảm 61% so với cuối 2021.

Rõ ràng, xu hướng giá hàng hóa rẻ thời gian gần đây là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, vì một xu hướng lớn luôn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các cổ phiếu, nếu hàng hóa đó đủ tầm ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Đơn cử, nhóm cổ phiếu thép trong nước thời gian qua đã ghi nhận các đợt xả rát từ quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, kéo theo tâm lý bi quan của NĐT cá nhân khiến giá cổ phiếu trên thị trường đi xuống nhanh chóng. Nguyên nhân chính là vì lượng cung thép của Trung Quốc là quá nhiều trong khi lực cầu không tương xứng, khiến giá thép suy giảm và cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” thép trong nước như HPG, Formosa Hà Tĩnh. Ngoài ra, nguyên nhân trọng yếu thứ 2 phải kể tới việc các nước nhập khẩu thép của Việt Nam ra loạt quyết định điều tra thuế chống bán phá giá với mặt hàng này của nước nhà.

Photpho vàng Trung Quốc cũng tương tự khi chứng kiến đà giảm nhanh chóng do lực cầu còn tương đối yếu, ngay lập tức, giá photpho trong nước phản ứng và diễn biến đồng pha. Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu DGC cũng ghi nhận đà giảm khá từ vùng đỉnh 130.000 đồng/CP về khoảng 100.000 đồng/CP và chỉ mới phục hồi trong thời gian gần đây.

Với nhựa PVC, đây được cho là chi phí đầu vào quan trọng của Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) (chiếm 70% trong cơ cấu giá vốn). Theo đó, giai đoạn từ cuối 2022 đến nay, BMP được hưởng lợi lớn từ việc giá nguyên liệu đầu vào là PVC giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc suy giảm.

Sự kiện này đã giúp LNST của BMP tăng tốc trong Q4/2022 và đã tạo đỉnh Q2/2023 khi diễn biến chậm lại của nền kinh tế đã tác động làm giảm đáng kể sản lượng tiêu thụ của công ty. Cụ thể, trong quý 3/2023 và quý 1/2024, BMP ghi nhận doanh thu lần lượt 935 tỷ đồng và 1.017 tỷ đồng, đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý 1/2019 (ngoại trừ giai đoạn ngừng sản xuất do Covid-19 vào quý 3/2021). Mặc dù doanh thu suy giảm, BMP vẫn duy trì mức lợi nhuận sau thuế ở vùng cao trong lịch sử. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 đạt 189 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý 4/2022, nhưng có mức EPS tương ứng trên 2.300 đồng/cổ phiếu.

Điều chưa biết đằng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Giá nhựa PVC dò đáy trong suốt 3 tháng gần đây.

Biên lợi nhuận tiếp tục neo cao và chính sách cổ tức hấp dẫn.

Bước sang Q2/2024, BMP ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.185 tỷ VND (giảm 22% so với cùng kỳ), LNST đạt 280 tỷ đồng (giảm 5% so với vùng kỳ). Trong đó, doanh thu giảm 13% chủ yếu do giảm sản lượng, BMP đã đánh mất một phần miếng bánh thị phần do duy trì giá bán ở mức cao. Theo đó, biên lợi nhuận gộp đạt 43,4% tăng 1 điểm % so với cùng kỳ do chính sách duy trì giá bán cao kể từ Q3/2023

Lũy kế nửa đầu năm nay, BMP ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.185 tỷ đồng, LNST đạt 470 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch cả năm.

Theo Chứng khoán KBSV, dự kiến kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm sẽ được duy trì ở mức cao nhờ sản lượng phục hồi và giá đầu vào PVC giảm.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng nói chung và ống nhựa nói riêng sẽ khởi sắc hơn từ Q2 trở đi với động lực từ thị trường Bất động sản dân dụng và ngành Xây dựng dần hồi phục, trong đó số lượng dự án Bất động sản được cấp phép xây dựng mới và quay trở lại xây dựng trong nửa cuối 2024 được kỳ vọng sẽ cải thiện so với 2 quý đầu năm. Ngoài ra Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được áp dụng sớm hơn tạo điều kiện để thị trường Bất động sản phát triển bền vững hơn.

Và mặc dù sản lượng tiêu thụ ống nhựa toàn ngành còn gặp khó do thị trường BĐS phục hồi chậm, nhưng tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung tại thị trường nội địa đã có sự khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Tốc độ phục hồi nhanh hơn của nhóm vật liệu xây dựng này sẽ là chỉ báo dẫn dắt cho nhu cầu tiêu thụ ống nhựa trong thời gian tới, cho thấy doanh thu của BMP đã tạo đáy trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, giá PVC tiếp tục dao động ở vùng thấp sẽ giúp BMP duy trì biên lãi gộp ở mức cao. Cụ thể, giá nhựa PVC được dự báo tiếp tục duy trì ở vùng đáy từ giữa 2023 trong 6-9 tháng tới do nhu cầu tiêu thụ thấp tại thị trường Trung Quốc, chịu ảnh hưởng bởi thị trường Bất động sản trầm lắng. Điều này tạo cơ hội cho BMP tiếp tục duy trì biên lãi gộp ở mức cao trong thời gian tới, KBSV dự phóng biên lãi gộp của BMP trong 2024/2025 đạt 42.5%/40%.

Điều chưa biết đằng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Mối tương quan giữa giá nhựa PVC và biên lãi gộp của BMP

Ngoài ra, cổ tức tiền mặt hấp dẫn được cho là “signature” của doanh nghiệp này khi mà trong 5 năm gần nhất, BMP luôn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt từ 97%- 99%, với lợi suất cổ tức tiền mặt ở mức cao (2022/2023 đạt lần lượt 9.5%/11.3%), cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Chính vì vậy, giới đầu tư cũng kỳ vọng chính sách trả cổ tức của BMP sẽ tiếp tục được trì ở mức trung bình 97% trong tương lai, ước tính lợi suất cổ tức tiền mặt 2024/2025 ước tính đạt 11.6%/11.2%, nhờ cơ cấu tài sản lành mạnh, hiệu quả kinh doanh ở mức cao. Cơ sở cho sự kỳ vọng này được cho là đến từ vị thế lớn trong ngành của BMP, với tỷ lệ chiếm dụng vốn trên 1.5x và vòng quay tiền mặt dưới 60 ngày từ đầu 2023 tới nay. Bên cạnh đó, BMP không phụ thuộc vào vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh khi tỷ trọng nợ vay chỉ chiếm xấp xỉ 2% VCSH của doanh nghiệp.

Phản ứng với các thông tin tích cực, trên thị trường chứng khoán, BMP nhanh chóng chinh phục từng mốc đỉnh lịch sử và làm mưa làm gió suốt 1 tháng nay khi tăng giá 30% trong vỏn vẹn 1 tháng.

Điều chưa biết đằng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu Nhựa Bình Minh
BMP đạt đỉnh lịch sử thời đại, thị giá 122.600 đồng/cp

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng đặt ra câu hỏi lớn cho Nhựa Bình Minh về triển vọng trong dài hạn, khi mà việc tiếp tục duy trì các chương trình chiết khấu ở mức thấp sẽ khiến thị phần của BMP suy giảm, có thể tác động trực tiếp lên doanh thu trong bối cảnh thị trường ống nhựa vốn đã bão hòa và đang gặp tình trạng dư cung.

Cuộc đua song mã của 2 ông lớn ngành nhựa NTP và BMP

Bất chấp thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh cùng tâm lý chung của nhà đầu tư còn chịu nhiều bất ổn, cổ phiếu ...

Cổ phiếu HMR của Đá Hoàng Mai tăng kịch trần sau thông tin công ty mẹ thoái vốn

Sau thông tin công ty mẹ là RCC muốn thoái mạnh vốn, cổ phiếu HMR của Đá Hoàng Mai bất ngờ tăng kịch trần ngay ...

Phương Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán