Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ: Nhiều khuyến nghị nâng cao khả năng chống chịu của Việt Nam

(Banker.vn) Một số nguy cơ bất ổn tài chính đã được các chuyên gia chỉ ra tại Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ diễn ra sáng nay (24/12). Cùng với đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm đảm bảo vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn thế giới.

Thị trường tài chính Việt Nam - sức chịu đựng trung bình - khá

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với nhiều bất ổn vĩ mô, đe dọa đến an ninh tài chính. Hệ thống tài chính xuất hiện các rủi ro không nhỏ. Việc duy trì được ổn định và lành mạnh tài chính trong quá trình vận hành của thị trường và hoạt động của các định chế tài chính là yêu cầu cực kỳ quan trọng, có thể nói là sống còn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, trên cơ sở đó giảm thiểu và hạn chế được rủi ro trên thị trường và hệ thống tài chính.

Tại diễn đàn, các chuyên gia chỉ ra một số nguy cơ, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm đảm bảo vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ. TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng với xu hướng vay nợ nhiều do lãi suất thấp thời gian qua cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động bởi đại dịch COVID-19 khiến Chính phủ các nước phải bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, dẫn đến rủi ro tài chính toàn cầu (nhất là bong bóng nợ và bong bóng tài sản).

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 7 dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính đặc trưng như nợ quốc gia (gồm cả nợ công và nợ tư) và thâm hụt ngân sách tăng nhanh, nguy cơ đảo chiều hoặc giảm sút của dòng vốn bên ngoài (đặc biệt dòng vốn đầu cơ tài chính ngắn hạn); thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm mạnh…

Với quy mô thị trường tài chính Việt Nam, gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tương đương 366,3% GDP, tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền. Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua.

Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức Ổn định (theo đánh giá của Fitch, S&P cập nhật tháng 9/2020).

Từ đó, TS. Cấn Văn Lực đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình - khá. Tuy nhiên, cần lưu ý, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và khôi phục nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số kiến nghị trong đó nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao năng lực của khu vực ngân hàng, hướng tới chuẩn mực quốc tế và phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao sức chịu đựng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số phải gắn với đảm bảo an ninh mạng, nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và thị trường tài chính trong trung - dài hạn.

Từ những bài học khủng hoảng tài chính trên thế giới, TS. Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng cần coi trọng mục tiêu an ninh, an toàn hơn là mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng. TS. Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh cần sớm lập sàn mua bán nợ thay vì “gửi” nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để sớm giải phóng các ngân hàng thương mại khỏi sự ràng buộc quá lâu vào các khoản nợ xấu khó đòi cùng những tài sản thế chấp bắt buộc phải quản lý một cách không chuyên ngành.

TS. Nguyễn Đại Lai cũng lưu ý vấn đề thiết lập hệ thống phân loại tín dụng trong quá trình hướng tới lượng hóa rủi ro tín dụng nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro tín dụng; thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo các đề án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra các ngân hàng Việt Nam có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước; nâng cao chất lượng nhân sự ngành Ngân hàng.

Đẩy mạnh an toàn cho người tiêu dùng tài chính

Một vấn đề được chú ý tại Diễn đàn là câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ngày càng nhiều rủi ro cho người tiêu dùng tài chính xuất hiện. Theo TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia), cho tới năm 2020, có 50 triệu người mất thông tin bao gồm cả số điện thoại và tài khoản gmail. Đến quý I/2019, có 6.219 vụ tấn công mạng xảy ra trong đó có việc đánh cắp thông tin và tấn công mạng.

TS. Đinh Thị Thanh Vân cho rằng nguyên tắc đầu tiên trong bảo vệ người tiêu dùng là người mua cần thận trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng gặp nhiều sự cố như lạm dụng lừa đảo, thu nợ và tịch thu xử lý tài sản, gây hiểu nhầm công bố thông tin, gian lận tài chính, không công bố xung đột lợi ích. Có nhiều yếu tố trong cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tài chính như giáo dục, phổ cập kiến thức, giám sát quản lý, quy định pháp luật, giải quyết khiếu nại…

TS. Đinh Thị Thanh Vân khuyến nghị thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thành lập Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và có Luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính với quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại, trách nhiệm của tổ chức tín dụng…. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục tài chính, phát triển tài chính toàn diện, nâng cao trình độ tự bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính; giảm thiểu rủi ro khách hàng và các tổn thất gây ra cho khách hàng bằng cách đảm bảo khách hàng được tiếp cận đủ, đúng thông tin trên sân chơi bình đẳng.

Về phía ngân hàng, đại diện VietinBank cho rằng các ngân hàng luôn đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin trong ngành. Các ngân hàng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS; Triển khai giải pháp xác thực mới như sinh trắc học và truyền thông để khách hàng nâng cao ý thức bảo mật thông tin.

Theo đại diện VietinBank, hiện chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc (KYC). Hành lang pháp lý cho kinh tế số chưa đủ và đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin còn tồn tại những bất cập nhất định, mức độ nhận thức, hiểu biết về dịch vụ tài chính, về ngân hàng số của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, nếu có được sự đồng bộ thông tin liên ngành giữa ngân hàng và Bộ Công an sẽ hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong việc xác thực tính chính xác của các giấy tờ tùy thân khách hàng sử dụng để đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng. 

Hoàng Duy

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: