Diễn đàn Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương lần đầu được ACCA tổ chức tại Việt Nam

(Banker.vn) Với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero, trong hai ngày 28 và 29/5/2024, tại Hà Nội, Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Diễn đàn Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương 2024 với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác quốc tế và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero, trong hai ngày 28 và 29/5/2024, tại Hà Nội, Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Diễn đàn Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương 2024 với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác quốc tế và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
 
Tham dự Diễn đàn, về phía các bộ, ban, ngành Việt Nam có ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Vũ Đức Chỉnh -  Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội: Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam…

Tham dự Diễn đàn, về phía Vương quốc Anh, có ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam.

Về phía ACCA có bà Helen Brand, Giám đốc điều hành toàn cầu ACCA và trưởng đại diện ACCA các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn còn có sự tham gia của các chuyên gia, học giả và nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý, tài chính, kế toán và kiểm toán đến từ Anh, Singapore, Malaysia, Úc, Bangladesh, Sri Lanka, Việt Nam... 

Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác quốc tế và phát triển bền vững

Trong thời đại được định hình bởi sự phức tạp của quá trình phục hồi toàn cầu, Diễn đàn Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương 2024 nổi lên như một ngọn hải đăng về chia sẻ kinh nghiệm sâu sắc và hợp tác. Bối cảnh thế giới hiện nay được đánh dấu bởi sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu, tác động không ngừng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đến an ninh lương thực, căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến động lực thương mại. Các công ty đang điều chỉnh lại các chiến lược chuỗi cung ứng để ứng phó với những hạn chế thương mại ngày càng gia tăng, tạo thêm nhiều tầng lớp phức tạp cho bối cảnh kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm của sự chú ý, tích cực định hình câu chuyện toàn cầu, điều hành các thay đổi và thiết lập các tiêu chuẩn nhằm tạo ra “tiếng vang” cho tương lai. Bên cạnh mục tiêu hợp tác thương mại trong khu vực, tạo động lực tăng trưởng, một trong những mục tiêu quan trọng trong hành trình này là đạt được mức phát thải khí nhà kính Net Zero nhằm góp phần vào việc giảm thiểu tác động của con người đến biến đổi khí hậu. Diễn đàn Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương 2024, bằng cách đoàn kết các nhà lãnh đạo từ khắp khu vực, sự kiện nhằm mục đích khơi dậy những cuộc thảo luận kích thích tư duy và nuôi dưỡng những kết nối có giá trị nhằm định hình chung tương lai của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Helen Brand, Giám đốc điều hành toàn cầu ACCA cho biết, với chặng đường hơn 100 năm phát triển của mình, ACCA đã có đến 88 năm làm việc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Helen Brand, Giám đốc điều hành toàn cầu ACCA phát biểu khai mạc Diễn đàn

“ACCA và các thành viên ACCA sẵn sàng và mong muốn làm việc cùng tất cả các đối tác ở đây để xây dựng các nền kinh tế thực sự bền vững phục vụ cho tất cả mọi người; đảm bảo rằng khu vực này tiếp tục phát triển và lớn mạnh thành một trong những trung tâm kinh tế lớn, năng động nhất của thế giới”, bà Helen Brand chia sẻ.

Bà Helen Brand bày tỏ ấn tượng với cách mà Việt Nam đã bước lên sân khấu thế giới bằng cách dần áp dụng các tiêu chuẩn và khung pháp lý quốc tế. Điều này bao gồm việc thành lập các tổ chức chuyên nghiệp quốc gia, giúp các kế toán viên Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất.

Tại Việt Nam, ACCA cũng có mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ, không chỉ với các cơ quan quản lí nhà nước trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán mà còn đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành. ACCA đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định để giúp đỡ các doanh nghiệp minh bạch hóa hoạt động kế toán, kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, ACCA đã góp phần cùng các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như trong khu vực phục hồi mạnh mẽ... đồng thời, phát huy các thế mạnh của mình, cùng nhau hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững.

Bà Helen Brand nhấn mạnh, cách mà các kế toán viên ACCA thể hiện làm cho họ trở thành những chất xúc tác quan trọng cho sự thay đổi ở bất cứ nơi nào họ làm việc - dẫn đầu sự đổi mới; thể hiện các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất và bảo vệ cho sự tăng trưởng bền vững.

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, kinh tế thế giới vốn chưa phục hồi được từ sau đại dịch Covid-19, lại phải chịu áp lực của những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, cùng với sự tác động ngày càng gay gắt, cực đoan của biến đổi khí hậu khiến việc kết nối lại các chuỗi cung ứng, dòng chảy đầu tư, thương mại gặp khó khăn. Lạm phát vẫn chưa giảm ở nhiều nền kinh tế lớn, dẫn tới việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước này, càng làm cản trở quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, gần đây chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy những triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn

“Chúng ta cũng đang chứng kiến châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên như một trung tâm năng động, duy trì được xu thế tăng trưởng kinh tế cao so với thế giới cùng những bước tiến mới trong hợp tác khu vực với trên 350 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được các nước trong khu vực ký kết với nhau và với các đối tác ngoài khu vực. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, khu vực này cũng đã trở thành trọng tâm cạnh tranh chiến lược địa chính trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột, đe dọa hòa bình và phát triển ổn định của khu vực. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng cần phải tăng cường tình đoàn kết trong khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu...

Cùng với tăng trưởng kinh tế, các vấn đề phát triển xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đảm bảo môi trường cũng được chú trọng.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư mới; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước... Tập trung thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP28.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, tài chính, kế toán và kiểm toán là những cột trụ quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực. Việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực nhân lực về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Các bên cần hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau để đảm bảo rằng cùng đạt được tiêu chuẩn quốc tế và có thể cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch; cần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đảm bảo các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cần thiết; khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những phương pháp đào tạo tiên tiến.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng tin tưởng rằng, qua những cuộc thảo luận và hợp tác chặt chẽ tại Diễn đàn sẽ có những gợi mở về hướng đi, giải pháp, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của khu vực và tạo ra một môi trường hợp tác quốc tế mạnh mẽ và bền vững hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đã chỉ ra những tiềm năng đầy hứa hẹn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, chiếm khoảng 40% diện tích lãnh thổ và hơn 41% dân số thế giới, được dự đoán sẽ trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới trong thế kỷ 21. Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Vương quốc Anh. Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã và đang mang lại những thành quả tốt đẹp cho không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn đối với các quốc gia khác có mối quan hệ kinh tế.

Ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

“Trong thời gian tới, Vương Quốc Anh tiếp tục tăng cường quan hệ ngoại giao trên kể trên mặt kinh tế văn hóa và chính trị với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt củng cố mối quan hệ đối tác thương mại với các quốc gia tại khu vực này”, ông Iain Frew khẳng định.

Đổi mới chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới một tương lai xanh

Trong phiên thảo luận: “Đổi mới chính sách vì một châu Á - Thái Bình Dương và cập nhật kỹ thuật số” các diễn giả đã thảo luận tích cực về các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh và sự phát triển của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số để hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, đổi mới chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới một tương lai xanh cũng như khả năng phục hồi kinh tế sau những biến động khó lường là vô cùng quan trọng.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận với chủ đề: “Đổi mới chính sách vì một châu Á - Thái Bình Dương và cập nhật kỹ thuật số”

Bà Julia Tay, Trưởng bộ phận Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Kiểm toán Ernst & Young nhấn mạnh đến vai trò của các nhà hoạch định chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó, quản lý môi trường, xây dựng cũng như thi hành các chính sách ưu đãi xanh, đảm bảo sự chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người là yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách.

Để đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh thành công, vai trò của công nghệ là vô cùng quan trọng. Ông Duleesha Kulasooriya, Trưởng ban Đổi mới sáng tạo APAC, Giám đốc điều hành Delloite’center for the Edge, Đông Nam Á nhấn mạnh, công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của xanh hóa nền kinh tế. Chẳng hạn, nhờ công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thời gian làm việc, hay công nghệ tiên tiến giúp xử lý các vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cũng có sự giao thoa nhất định. Theo ông Jie Hu, Giáo sư tại Học viện Tài chính Thượng Hải (Trung Quốc), trong quá trình số hóa nền kinh tế, từ khóa quan trọng chính là “cân bằng”. Cân bằng ở đây có nghĩa là, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại từng quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế số phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của bà Claudia Anselmi, Phó Chủ tịch EuroCham Vietnam. Từ khía cạnh doanh nghiệp, bà cho biết, trong quá trình xây dựng và vận hành sản xuất xanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận tới nguồn vốn xanh, hiện nay nguồn vốn được tài trợ chỉ đáp ứng được 4 -5% tổng nguồn vốn doanh nghiệp cần sử dụng. Do đó, bà mong muốn không chỉ các doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn, mà từ phía các nhà hoạch định chính sách cũng nên tạo nhiều điều kiện để giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ xanh.

Ông Ziad Haider, Giám đốc Toàn cầu về rủi ro địa chính trị tại Công ty McKinsey, tham luận tại Diễn đàn với chủ đề “Thiên nga đen, tê giác xám và những cơ hội trong thách thức: Tái định nghĩa thương mại toàn cầu” cho biết, “thiên nga đen” là những sự kiện khó dự báo trước và thường gây ra sự hỗn loạn trên thị trường, “tê giác xám” là những mối nguy hiểm khá rõ ràng nhưng lại thường bị ngó lơ. Trong bối cảnh kết nối toàn cầu và nền kinh tế vĩ mô đầy biến động, khó có thể dự đoán được như hiện nay, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn từ “thiên nga đen” và “tê giác xám”. Do đó, vai trò của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp là vô cùng to lớn trong việc hiểu và quản lý rủi ro linh hoạt, đặc biệt khi bối cảnh thế giới đang diễn ra phức tạp, xung đột địa chính trị đang ngày càng căng thẳng như hiện nay.

Tăng trưởng bền vững thông qua hợp tác

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững, sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng như các quốc gia là vô cùng quan trọng. Đây cũng là chủ đề được các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận: “Cùng nhau mạnh mẽ hơn tăng trưởng bền vững thông qua hợp tác”.

Theo ông Geogre Thomson, Giám đốc quan hệ đối ngoại, ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự đa dạng văn hóa tại mỗi quốc gia, mỗi vùng miền góp phần tạo nên bản sắc riêng cho từng khu vực. Chính vì vậy, trong quá trình hợp tác và làm việc chung, các doanh nghiệp khi tiếp cận với môi trường làm việc của doanh nghiệp đối tác, điều cần thiết là phải hiểu rõ hệ sinh thái cũng như môi trường văn hóa, xã hội tại địa phương, bám sát những quy định pháp lý, điều kiện, bối cảnh tại địa phương để có thể phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa các bên liên quan.

Đây cũng là quan điểm được ông Moin Iqbal, Giám đốc Khối đầu tư của InfraZamin, Pakistan nhấn mạnh tại phiên thảo luận. Bên cạnh đó, Ông Moin Iqbal cũng đưa ra những kinh nghiệm cụ thể của các doanh nghiệp Pakistan trong quá trình hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số quốc gia khu vực châu Âu và châu Á. Ông nhấn mạnh đến sự ủng hộ, hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi của các bên liên quan (như doanh nghiệp tư nhân đầu tư và Chính phủ hỗ trợ) giúp họ nhận được những lợi ích song phương để quá trình hợp tác được hiệu quả nhất.

Với kinh nghiệm làm việc cùng các doanh nghiệp Việt Nam, ông Douglas Jackson, Giám đốc công ty Alvarez & Marsal Performance Improvement khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Úc chia sẻ: Thị trường Việt Nam đã tạo được nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam nên giảm bớt các thủ tục hành chính và minh bạch hóa thông tin, xây dựng quy trình đầu tư đạt chuẩn quốc tế để tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Khẳng định yếu tố con người là chìa khóa của phát triển bền vững, bà Mariam Riza, Giám đốc điều hành của Wattleshire, Úc cho biết: Bởi có tư duy xuyên biên giới và được giáo dục toàn diện, bối cảnh toàn cầu hóa giúp người lao động, đặc biệt là nhân lực trẻ phát huy được sức sáng tạo, đổi mới và có nhiều cơ hội rộng mở tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Do đó, việc hợp tác, đoàn kết cùng hướng đến xây dựng kinh tế phát triển bền vững trong tương lai sẽ càng được thúc đẩy nhanh chóng nếu các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Nguồn nhân lực là chìa khóa của phát triển bền vững

Có thể thấy, nguồn nhân lực thực sự là chìa khóa của phát triển bền vững. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực trong thế giới mới càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong bài tham luận có chủ đề “Con người trong thế giới kỹ thuật số”, ông Duleesha Kulasooriya, Trưởng Ban đổi mới sáng tạo APAC, Giám đốc điều hành Delloite’center for the Edge, Đông Nam Á một lần nữa khẳng định vai trò của yếu tố con người trong bối cảnh nền kinh tế số đang ngày càng lớn mạnh. Dù AI có thể là “người trợ giúp, người vận chuyển, người chữa lành…”, nhưng con người vẫn cần phát huy vai trò trung tâm, làm chủ công nghệ, từ đó tạo dựng sự kết nối bền chặt giữa con người và công nghệ, con người và môi trường, qua đó thúc đẩy sự an toàn và toàn diện của nền kinh tế số hóa.

Chuyển đổi kinh tế từ “nâu” đến “xanh”

Phiên thảo luận: “Từ “nâu” đến “xanh” - Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu”, với nội dung thảo luận về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động không bền vững sang năng lượng tái tạo và công nghệ xanh là bắt buộc. Trong phiên thảo luận, các diễn giả đi sâu vào các chiến lược, công nghệ và chính sách thúc đẩy sự thay đổi mang tính chiến lược này.



Các diễn giả tham gia phiên thảo luận với chủ đề: “Từ “nâu” đến “xanh” - Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu”

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện quá trình chuyển đổi này.

Theo bà Merina Abu Tahir, Giám đốc điều hành hội đồng quản trị Công ty Năng lượng quốc gia Malaysia, Ủy viên hội đồng toàn cầu ACCA, hệ thống năng lượng nâu hiện nay có giới hạn và nhiều rủi ro đối với môi trường và xã hội. Nguồn năng lượng tái tạo hiện nay với mức giá cả phù hợp sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người sử dụng, đồng thời góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Jonathan Back, Giám đốc Tài chính và Chiến lược ACEN - Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Philippines chia sẻ tại phiên thảo luận, kể từ khi có mặt tại Việt Nam, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam. Nhờ đó, ACEN đã xây dựng 7 nhà máy cung cấp điện từ năng lượng tái tạo (điện gió) với biểu giá điện tương đối khả quan, qua đó giúp ngành điện Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, Việt Nam đã và đang đi trên con đường chuyển đổi kinh tế từ “nâu sang xanh”. Ông đưa ra minh họa cụ thể, trường hợp của Quảng Ninh - một tỉnh có sản lượng khai thác than lớn nhất cả nước đang nỗ lực chuyển đổi sang xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế sạch, trở thành tỉnh có chỉ số cạnh tranh tăng mạnh trong thời gian qua. Cũng theo ông Nguyễn Hoa Cương, trong thời gian tới, Việt Nam cần tổng hợp những nguồn lực sẵn có, đồng thời phát huy sự tương trợ của bạn bè quốc tế để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nền kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, khả quan.

Giám đốc đầu tư mảng năng lượng sạch thuộc Dragon Capital Nguyễn Hữu Quang đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và thực thi các dự án xanh sử dụng nguồn năng lượng sạch. Kể từ năm 2001, Dragon Capital đã bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn về ESG và thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện báo cáo ESG, trong đó từ năm 2009, Dragon Capital đã đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng mặt trời, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi kinh tế “từ nâu sang xanh” tại Việt Nam.

Thúc đẩy sự phát triển thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chuyển đổi nguồn nhân lực như một yếu tố quyết định quan trọng cho tăng trưởng bền vững và lợi thế cạnh tranh. Đó là nội dung chính của phiên thảo luận tại Diễn đàn với chủ đề: “Nghệ thuật chuyển hóa tài năng thúc đẩy sự phát triển thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Các diễn giả phân tích, trao đổi về quan hệ đối tác công - tư để thúc đẩy phát triển lực lượng lao động và nâng cao kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mới (kỹ thuật số, xanh và linh hoạt); tương lai của công việc và chiến lược nhân tài.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận với chủ đề: “Nghệ thuật chuyển hóa tài năng thúc đẩy sự phát triển thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”

Theo ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam, Lào và Campuchia, KPMG hằng năm tuyển dụng và xây dựng nhiều lộ trình đào tạo cho nhân sự trẻ. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện thuận lợi để người trẻ tuổi có thể phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, qua đó giúp KPMG có thể giữ chân nhân tài.

Ông Ibrahim Sani, Giám đốc điều hành Công ty Yayasan Peneraju, Malaysia cho biết, được sự chỉ đạo của Chính phủ Malaysia và Bộ Tài chính, doanh nghiệp đã tài trợ cho khoảng 75.000 sinh viên trong quá trình đào tạo, qua đó giúp sinh viên nuôi dưỡng và phát huy tài năng, trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết để bước vào thị trường lao động với tâm thế tự tin, vững chãi.

Ông Jehan Perinpanayagam, Giám đốc điều hành của Infomate PvT Limited nhấn mạnh đến truyền thống đào tạo của Sri Lanka. Đó là, khi người trẻ nhận được sự đầu tư, hỗ trợ đào tạo và thành công, những người trẻ đó sẽ quay lại quê hương và tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đồng thời tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thế hệ kế tiếp. Truyền thống này không chỉ giúp Sri Lanka hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Từ quan điểm của người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực đào tạo, ông Nasiruddin Mitul, Giáo sư tại Trường Đại học Quốc gia Bangladesh cho biết, nhân tài có thể có ở khắp nơi, song họ có nhìn nhận được công việc phù hợp với mình hay không là vấn đề quan trọng. Do vậy, nguyên tắc vàng trong đào tạo sinh viên tại hệ thống giáo dục của Bangladesh đó là giúp sinh viên hiểu đúng về bản thân và tự tìm hiểu về cơ hội nghề phù hợp.

Tại phiên thảo luận này, các diễn giả cũng phân tích về tầm quan trọng và sự hấp dẫn của nghề tài chính kế toán với cốt lõi là quản lý và đạo đức.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã giới thiệu Chương trình phát triển nguồn nhân lực (ACCA APAC Human Capital Collaborative - HCC).

Đồng thời, bên lề Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) về phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, VIB được ACCA trao chứng nhận doanh nghiệp đối tác.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA và VIB về phát triển nguồn nhân lực.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA và VIB về phát triển nguồn nhân lực

 Mạnh Trang

Theo: Tạp chí Ngân hàng