Diễn biến mới nhất về nhân sự cấp cao Ngân hàng Quốc Dân (NCB)

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa bổ nhiệm hai vị trí là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính và Giám đốc Khối Vận hành ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng ảm đạm phiên đầu tuần

NHNN chấp thuận Eximbank tăng vốn điều lệ vượt 14.800 tỷ đồng

ACBS: Ngân hàng nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng

  Ông Nguyễn Đức Hiếu (Nguồn: NCB)
Ông Nguyễn Đức Hiếu (Nguồn: NCB)

Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Nguồn vốn và Thị trường tài chính.

Ông Nguyễn Đức Hiếu sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc Dân, có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Texas A&M, là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Trước khi gia nhập NCB, ông Hiếu từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng như: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB); Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…

Ông Hiếu được Ban Lãnh đạo NCB tin tưởng, đánh giá cao về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các tổ chức mà ông làm việc những năm qua.

 Bà Hoàng Thị Bích Liên (Nguồn: NCB)
Bà Hoàng Thị Bích Liên (Nguồn: NCB)

Trước đó, NCB cũng đã bà Hoàng Thị Bích Liên giữ chức vụ Giám đốc Khối Vận hành ngân hàng.

Bà Liên có trình độ Thạc sỹ kinh tế với gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có 14 năm đảm nhiệm các vị trí Phó Giám đốc Khối Tín dụng, Khối Quản trị rủi ro và gần đây nhất bà đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Khối Vận hành kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Trong thời điểm ngân hàng đang quyết tâm thực hiện đề án tái cơ cấu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra, việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa đặc biệt với NCB.

Tháng 8 vừa qua, NCB có nhiều biến động về nhân sự cấp cao, khi HĐQT NCB đã quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Công ty AMC của Ngân hàng Quốc Dân với bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương (sinh năm 1982).

Đồng thời, NCB cũng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo nguyện vọng với bà Lê Kim Chi (sinh năm 1975), Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị tài chính của ngân hàng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc NCB một năm trước (3/8/2021) sau khi có Tân Chủ tịch là bà Bùi Thị Thanh Hương. Bà Dương có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trước khi được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc, bà Dương đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro và nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng khác như VIB, BaoVietBank và MSB.

Trước đó không lâu, bà Dương Thị Lệ Hà, quyền Tổng Giám đốc NCB được bổ nhiệm cùng thời điểm với bà Dương cũng thôi đảm nhiệm vị trí này và trở về vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Tuấn được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ban điều hành của NCB gồm có ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Tổng Giám đốc thường trực và 2 Phó Tổng Giám đốc gồm: bà Dương Thị Lệ Hà, bà Hoàng Thu Trang.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý II/2022, tăng trưởng tín dụng của NCB tăng 6,5% so với đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng nhẹ 2,2% lên mức gần 75.500 tỷ đồng.

Năm 2022, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 608 tỷ đồng; Tổng tài sản tăng lên mức hơn 78.000 tỷ đồng; Tín dụng của Ngân hàng được dự kiến tăng trưởng trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. NCB cũng đặt kế hoạch tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu, mục tiêu thu hồi đúng như kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại; tái cấu trúc toàn diện chất lượng tài sản; tăng cường công tác giám sát, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Giai đoạn 2022 - 2025, đại diện NCB cho biết sẽ quyết tâm tập trung thực hiện Phương án cơ cấu lại mà Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt. Những năm đầu thực hiện Phương án cơ cấu lại, ngân hàng sẽ trích toàn bộ lợi nhuận vào dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu, nhưng trong dài hạn sẽ là nền tảng để ngân hàng phát triển mạnh mẽ.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán