Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Hồ Thị Linh Xuân, công tác tại Công ty Dịch thuật Tiền Giang.
Nhà có mỗi con Xệ nhưng cũng bị chúng đánh thuốc mê bắt mấy bữa nay. Cánh cửa cái mở toang để lộ sự nghèo nàn của nội thất bên trong, nhưng chắc vì được xây trên nền đất cao cộng với cửa chính luôn mở khiến ngôi nhà đơn sơ trông có vẻ sáng sủa, tươm tất.
Chị khệ nệ tay xách nách mang mấy thứ. Đứa con nhỏ vừa bước tới thềm nhà đã buông vội tay mẹ, vừa chạy vừa rối rít cái giọng líu lo gọi tìm ông bà ngoại, chắc đang ở hết sau nhà.
Má đang ngồi xắt mấy ngọn chuối cho vịt gà, thấy cháu ngoại, bà bỏ lửng dao, đứng dậy: “Rồi ai đây?”. Cởi bỏ tấm áo dính đầy mủ chuối bên ngoài, má ôm siết bé Bi, hôn lấy hôn để. Hai bà cháu rột rẹt dưới vành nón lá, chừng khi thả nhau ra, hai má bé Bi đã ửng hồng. “Chứ con về với ai vầy nè?”
Đứa cháu nhỏ 5 tuổi chỉ tay về phía sau. Ngoái đầu nhìn theo, má thấy dáng chị đang lừng khừng, nửa muốn bước về phía hai bà cháu, nửa muốn đứng yên chịu trận.
Má gọi với cho thằng Út ra dắt cháu đi rửa mặt rồi lo dọn cơm nước cho người ở xa về. Rồi má nắm tay chị ra đằng chiếc chõng che, dằn chị ngồi xuống.
“Rồi giờ bây định thế nào?”
Vậy là má đã biết hết chuyện. Là một người mẹ, ngoài những giác quan như bao người, má còn có thêm linh giác của tình yêu thương. Bà nhìn chị, rắn rỏi nhưng cũng đầy cảm thông. Sự mạnh mẽ của một người đàn bà mong trở thành chỗ dựa cho con, muốn con hiểu rằng: dù ngoài kia có sóng gió tới đâu, thì ở đây, chính nơi này, chị luôn còn một ngôi nhà để trở về, một tình cảm yêu thương vô bờ bến lúc nào cũng sẵn lòng nâng đỡ.
Nhưng chị bình thản như không. Dường như sau ngần ấy năm, tâm tình của chị dành cho cuộc hôn nhân mà lúc nào cũng như đang sống trên đống lửa, trong nỗi lo âu thấp thỏm dường như đã cạn. Bây giờ chị và chồng có ở bên nhau hay chăng, cũng không còn quan trọng nữa. Quan trọng nhất là đứa con gái nhỏ của chị có một môi trường lành mạnh không độc hại để lớn lên như bao đứa trẻ bình thường.
Chị cầm tay má, bàn tay má ấm áp. Chị bảo: má đừng lo. Con sẽ đi làm. Đàn bà, bất kể việc lớn hay việc nhỏ, nhiều tiền hay ít tiền, nhất định phải có một công việc đề làm. Chuyện thường mà má.
Đi làm? Má nhìn chị hoang mang. Ngày xưa nhà nghèo quá, chị chỉ học được hết phổ thông. Hơn 5 năm về nhà chồng, chị chỉ ở nhà cơm nước nội trợ; vì anh, chồng chị, không muốn vợ xuất đầu lộ diện. Anh bảo mình là đàn ông, lại là một người đàn ông chuyên làm những việc lớn, sao lại có thể để vợ bôn ba kiếm bạc cắt từng đồng. Giờ nghĩ lại, chị chỉ biết cười trừ. Mới rồi người ta đến nhà đập phá, siết nợ, hậu quả từ những phi vụ “làm ăn lớn” của anh; tết chẳng thành tết, đoàn viên chẳng ra đoàn viên. Xóm giềng thì hả hê vì cái thằng xài tiền vung tay quá trán kể như không có ngày mai, không coi ai ra gì, cuối cùng cũng biết thế nào là lễ độ. Có khi đến nước ấy con người ta mới chịu tin dưới thấp còn có đất, trên cao còn có trời. Bằng không, họ sẽ mãi ngủ vùi trong biển ảo tưởng không màu.
Khổ sở và nhục nhã, chị nhất quyết đòi đi làm. Không thể sống và trông chờ vào những đồng tiền mà mình không biết rõ nguồn gốc. Chị và chồng cãi nhau một trận long trời lở đất bởi tính anh chồng không ưa nữ quyền. Chạm tới đỉnh điểm giới hạn chịu đựng, lòng tự trọng và ý niệm về sự công bình trong chị bị đánh thức. Chị tuyên bố ly thân. Một tay xách hành lý, một tay dẫn con về nhà mẹ đẻ sống nhờ, chờ ổn định sẽ dọn ra ngoài.
Đàn bà có thể chịu đựng bằng sức chịu đựng của thiên thần, nhưng một khi đã vùng lên, không một sức mạnh hay uy quyền nào có thể ngăn lại được.
Thì thôi. Tại má. Ngày trước thấy nhiều đám tới hỏi quá mà bây chẳng chịu ai nên má ép bây đám này. Giờ bây khổ thì má phải có trách nhiệm. Nhà mình đây, hổng tiền của gì hơn ai, nhưng luôn rộng mở đón bây về.
Mấy ngày trời chị rong ruổi trên chiếc xe máy đi tìm việc làm. Sống ở tỉnh lẻ, khu chế xuất không có, công ty thì chỗ nào cũng đòi bằng cấp cao đẳng đại học, lại không muốn lên phố rồi sống xa con, chị cả tuần lân la, thất thểu. Chút niềm tin và năng lượng lạc quan cũng bị bòn rút đến kiệt mòn. Đến giờ chị mới tận hiểu thế nào là cuộc sống không dễ dàng.
Dừng xe ở ngã tư, chị buồn bực đếm từng con số chạy ngược đợi đèn xanh. Bất ngờ, một thanh niên trạc tuổi chị, mặc áo xanh, trên ngực áo có in dòng ký tự viết tắt OCB chìa trước chị tấm name card cùng với lời nhắn gửi: nếu có nhu cầu vay vốn buôn bán nhỏ, chị liên hệ em số điện thoại có trong tấm danh thiếp này.
Người thanh niên cứ gật đầu chào và phát card đều cho những chiếc xe dừng dưới con nắng hè trưa. Mồ hôi đổ rợp xuống cổ, thấm cả lên tấm áo xanh, ấy nhưng cậu cứ hết mực tận tụy; thể như trên đời không còn việc gì khiến cậu sung sướng hơn được nữa.
Về sau, khi trở thành đồng nghiệp của nhau, chị mới hiểu sự hăng say khó hiểu của anh bạn trẻ. Vì rồi chính chị cũng trải qua cảm giác lần đầu tiên trong đời có một công việc: Một công việc hoàn toàn tự do về giờ giấc, chủ động mọi thứ và hết sức công bằng. Ai cố gắng nhiều thì sẽ được kết quả tương xứng và ngược lại.
Lần dò tìm hỏi, rốt cuộc chị cũng nộp được hồ sơ vào đội sales của Ngân hàng Phương Đông (OCB). Chị khá bất ngờ vì trước nay vẫn nghĩ: Để được vào Ngân hàng làm thì điều bắt buộc đầu tiên là phải tốt nghiệp đại học từ một trường Ngân hàng. Hóa ra đôi lúc người ta vẫn cứ lầm tưởng như thế mà bỏ qua rất nhiều cơ hội. Trong một tổ chức, thể nào cũng sẽ có một chỗ cho kẻ dám dấn thân và thử sức mình.
Nộp hồ sơ được ba ngày thì người ta mở một lớp đào tạo, trước khi cho nhân viên mới vào thực tập. Khỏi phải nói, chị vô cùng hào hứng và nhiệt huyết với cơ hội mà chị nghĩ là do trời không phụ kẻ có lòng.
Những ngày mưa cũng như ngày nắng, mặt trời chưa rạng là chị đã thức dậy đi làm. Chưa kịp thi lấy giấy phép lái xe, chị phải chạy chui, mỗi lần chạy qua trạm chốt giao thông, chị đều lầm thầm khấn vái để cơ thể run rẩy không tố giác chủ nhân nó là kẻ không bằng lái.
Chị đi phát tờ rơi khắp xứ, hết khu chợ này đến khu chợ khác. Hết cái ngã tư này qua đến cái ngã tư kia. Có ngày chị trở về nhà khi đứa con gái nhỏ đã ngủ say, chị chỉ còn biết hôn lên trán con rồi bơ phờ nằm vật ra. Tía còn thức, nhưng đàn ông mà, chẳng mấy khi lên tiếng. Đó là tía đang cậy má, vì đàn bà với nhau, dù sao cũng dễ tâm sự hơn nhiều. Má bắt ấm nước đâu sẵn, chỉ đợi chị về, bà nhắc chị pha nước tắm, có đói thì dưới lồng bàn nhà bếp luôn có cơm.
Vất vả, nhưng đối với chị đó thật là những ngày bình yên. Hằng ngày, chị lo chạy tìm khách hàng, chẳng còn đâu thì giờ rỗi rãi để cãi vã hoặc nghe cãi vã. Người ta chỉ thường sinh chuyện khi quá rảnh rang. Bận rộn lại tốt. Nhất là bận rộn với một công việc kiếm ra tiền thì càng tốt.
Sau một tuần, cuối cùng chị cũng có vị khách hàng đầu tiên. Chắc chắn họ cũng đã dè chừng, đắn đo biết bao nhiêu; nhưng đời sống quá cần mà không biết chạy đường nào, đành phải liều một bận. Chị kiên nhẫn lắng nghe và thận trọng giải thích điều kiện vay cùng với mức lãi suất. Với khách hàng không giỏi tính toán, chị dùng viết mực ghi rõ số tiền góp đóng từng kỳ, hết sức minh bạch, rõ ràng. Giọng chị đều đều, mạch lạc mà mềm mại làm sao. Đến khách hàng khó tính cũng phải dịu giọng chị chị em em cùng chị. Chị nhận ra nghề này đúng thật là dành cho chị.
Lặn ngụp cả tháng trời, đi khi mặt trời chưa ló, về khi trăng đã lên cao, cuối cùng chị cũng được những thành quả đầu tiên. Cứ năm bộ hồ sơ rớt thì chị được một bộ hồ sơ đạt. Doanh số bắt đầu được tính. Chị mừng rớt nước mắt khi lần đầu tiên cầm trên tay số tiền hoa hồng là công sức lao động của mình.
Chị khích lệ bản thân bằng một chầu chè trái cây ngon ngọt đãi cả nhà. Giờ chị tin chỉ có sự chủ động tài chính mới lôi con người ta ra khỏi cảm giác bí bách, tù túng.
Nhưng thời gian thử thách còn dài, phải sáu tháng đủ doanh số chị mới được ký hợp đồng chính thức. Đó là áp lực cũng đồng thời là động lực giúp chị vươn lên. Cuộc đời, sẽ vô nghĩa ra sao nếu như không tồn tại bất kỳ thử thách nào để phấn đấu và chinh phục. Chị biết mình sẽ không bỏ cuộc.
Nói như vậy không có nghĩa là chị không có lúc mệt mỏi và buồn nản. Đó là những khi hồ sơ rớt liên tục vì khách hàng nợ xấu từ thời nào chính họ cũng đã quên bẵng; chỉ có cái hệ thống chỉ cập nhật thêm không bao giờ xóa bớt của ngân hàng là nhàn rỗi lưu trữ tất thảy quá khứ nợ nần.
Những lúc doanh số dậm chân hơn nửa tháng trời, không hồ sơ vay nào được duyệt, chỉ tiêu cá nhân hay nhóm đều không đạt, trưởng nhóm thì chỉ biết động viên an ủi, còn giám sát khu vực thì mỗi lần “phát biểu” là nhai đi nhai lại mấy dòng: “cảm thấy làm được thì ở lại, không được thì đi. Không ai cản”, khiến chị buồn phát khóc vì nghề này có lúc cũng bạc bẽo quá chừng. Nhưng bỏ cuộc thì chị không nghĩ tới mảy may, bởi khi chị không còn trông mong sẽ xin được một công việc để làm thì cái nhánh sales tiêu dùng này đã cho chị một cơ hội. Chị đã hết sức trân trọng cái cơ hội đó.
Nên dù người giám sát khu vực không đáng khiển trách chị, chị vẫn mạnh dạn lên tiếng, tưởng đang nói đỡ cho đồng nghiệp, nhưng thực chất là chị đang bày tỏ lòng mình.
“Khó khăn lắm em mới tìm được một công việc để làm. Từ ngày vào đây, em đã cố gắng rất nhiều. Muốn em đi? Không dễ dàng vậy được”.
Từ sau lời tuyên bố chắc nịch, chị lại một thân một ngựa tìm kiếm khách hàng khắp nơi. Có bữa chị đi ngoại huyện, băng qua cánh đồng rộng mênh mông, phải hai tiếng đồng hồ mới tới chỗ hẹn. Vừa đặt chân lên thềm nhà khách thì phía sau mưa đổ xuống như trút, kèm theo sấm chớp đùng đùng. Chị chốt ký được hai bộ hồ sơ vay, vội vã mặc áo mưa về với con khi trên đầu vẫn còn tiếng sét. Trời tối đen như mực mà còn gặp mấy tay không đứng đắn bám lấy trên đường. Chị tưởng thời gian đi làm đã giúp mình thêm cứng cỏi, dè đâu trong hoàn cảnh như vậy, chị vừa tủi thân vừa hoang mang; vừa khóc, chị vừa nhớ nhà. Đến mức như vậy thì hồ sơ chị mang về vẫn thành công cốc.
Về nhà, chị thường chẳng dám kể lại. Đêm đêm chị nằm ôm con, để biết những sóng gió đều đã qua rồi. Ngày mai chị sẽ bắt đầu lại, sẽ cố gắng hơn, và cẩn thận hơn nữa.
Qua những khoảng buồn thì cũng có những ngày vui. Đó là lúc chị nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của những cô chú khách hàng khi được giải ngân. Người cảm ơn chị rối rít vì có tiền mở sạp bán trái cây. Kẻ vỗ vai mời chị đi ăn bữa cơm vì cái ước mơ mua được bộ đồ nghề làm thợ mộc đã trở thành hiện thực.
Đó còn là những lúc chị kết giao được thêm những người bạn mới, người cũng đồng thời là khách hàng của chị. Cái nghề này nó lạ. Cứ quen nói và tương tác với nhau rồi một trong hai bên cố tình duy trì những cuộc trò chuyện là dễ sẽ trở thành bạn bè. Để khi bước ra khỏi những hồ sơ vay, mối quan hệ nhân viên tư vấn – khách hàng, giữa người với người đã nảy sinh những tình bạn thực sự. Sao lại không thể, bởi khi đi tìm hiểu hoàn cảnh của một người cũng là lúc chúng ta bước vào để tìm hiểu về nhau. Nhân viên tư vấn tìm hiểu về khách hàng để biết chắc khách hàng đủ điều kiện để được cho vay. Khách hàng cũng phải tìm hiểu sơ lược về người đang nói chuyện với mình để biết chắc họ có đáng tin hay chỉ là phường lườn gạt.
Chị luôn hết lòng trân trọng những tình bạn sinh ra từ đó. Dù không phải lúc nào chị cố gắng hết mình đi chăng nữa, cũng giúp họ đạt được ước nguyện của mình.
Thể như cái hồi có đôi vợ chồng dẫn theo đứa con nhỏ bắt xe buýt từ đâu mút chỉ cà tha lên nhờ chị tư vấn vay đây nè. Hỏi làm nghề gì, biểu nuôi tôm, mà mấy vụ liền tôm xổ, thất bát. Giờ muốn vay tiền mua chiếc xe đi giao hàng. Chị cũng tìm hiểu cặn kẽ ngọn ngành, rồi tìm phương giúp khách xa. Làm nghề, đôi lúc người ta cũng vượt lên trên những quy tắc được cơ quan đề ra, bởi còn tình người nữa mà, thấy người ta thật, người ta khổ, cần một tia hi vọng thì mình sao nỡ dập tắt.
Nghĩ vậy nên hồ sơ tay chị gắng làm cho kỹ, cho chắc. Nhưng cái hệ thống máy móc là thứ đâu có nhân tính, đâu thể bị đánh lừa nếu khách hàng đã bị nợ xấu trước đây. Chị buồn buồn, thông báo: Hồ sơ hổng được duyệt nghen anh. Bộ trước anh chị lỡ mua cái gì mà quên đi góp hả?
Hai vợ chồng gật đầu. Anh mua điện thoại để nghe nhạc lúc canh tôm. Mà tôm thất quá, rồi không có tiền đóng, rồi giờ thành ra như vậy.
Chị chạnh lòng quá chừng. Nhìn hình ảnh cả gia đình ba người dắt díu nhau, không biết phải trông chờ vào cái gì phía trước, chị tự dưng thấy xót xa. Giờ còn không đủ tiền xe buýt về quê thì làm sao mà sống? Giật mình, chị chạy theo, nhét tờ một trăm ngàn vào tay khách hàng của mình. Lúc này chị chỉ là chị thôi, không phải là nhân viên tư vấn cho vay tiêu dùng gì nữa.
“Anh chị cầm tiền mà đi xe về”.
Cũng may là họ chịu nhận tiền. Chị thấy lòng nhẹ đi một chút. Nhưng chợt lại buồn ngay vì nghĩ đến cảnh mình. Người ta không biết phải trông chờ vào cái gì phía trước mà gia đình vẫn có nhau. Còn chị, sao chị và con phải lênh đênh như con sóng dập dềnh thế này?
Chị cứ suy nghĩ mãi trên suốt đoạn đường về. Chiều đó, nhà má hơi đông vui. Có một người đàn ông đang ngồi cùng chơi rút gỗ với con gái chị. Chờ đến khi chồng gỗ cao rỗng yếu ngã sập, bé Bi ríu rít reo lên: Ba thua rồi!
Má biết chị đâu có đành lòng. Người một nhà đâu phải nói bỏ là bỏ được đâu. Hàn gắn đi con. Nói tỉ dụ ngày trước má không chịu hàn gắn với tía bây, thì đâu có thằng Út, con ba để ba chị em bây thương yêu nhau như bây giờ.
HỒ THỊ LINH XUÂN
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|