Điểm tin nóng thế giới ngày 20/8: Ukraine phá sập 'xương sống' chi viện Nga; Israel chấp thuận đề xuất ngừng bắn?

(Banker.vn) Ukraine đã tấn công cây cầu tiếp viện thứ ba của Nga trong khu vực Kursk; Ngoại trưởng Mỹ cho biết Israel đã chấp nhận một đề xuất nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Ukraine ‘dội mưa rocket’, đánh sập huyết mạch chi viện của Nga ở Kursk Điểm tin nóng thế giới ngày 19/8: Hamas đổ lỗi Israel 'câu giờ'; Nga đàm phán bí mật với Ukraine? Chiến sự Nga - Ukraine sáng 19/8: Nga phá hủy ‘siêu pháo’ M270; Ukraine dùng 'hỏa thần' chặn đường tiếp tế Nga

Ukraine đánh sập 'xương sống' chi viện thứ 3 của Nga, nắm 92 khu định cư vùng Kursk

Theo Reuters, ngày 19/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, lực lượng Ukraine hiện kiểm soát hơn 1.250 km2 và 92 khu định cư ở khu vực Kursk, đồng thời đã tấn công cây cầu thứ ba trong khu vực, làm phức tạp thêm nỗ lực của Nga nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine.

Bức ảnh do blogger quân sự ủng hộ Nga Voenniy Osvedomitel’ công bố cho thấy một nhịp cầu bị sập bắc qua sông Seym gần làng Karyzh, thuộc tỉnh Kursk sau một cuộc tấn công của Ukraine. Các nền tảng thông tin khác cũng xác nhận thiệt hại của cây cầu này (Ảnh: Kyiv Post)
Bức ảnh do blogger quân sự ủng hộ Nga Voenniy Osvedomitel’ công bố cho thấy một nhịp cầu bị sập bắc qua sông Seym gần làng Karyzh, thuộc tỉnh Kursk sau một cuộc tấn công của Ukraine. Các nền tảng thông tin khác cũng xác nhận thiệt hại của cây cầu này. Ảnh: Kyiv Post

Phát biểu trước các nhà ngoại giao Ukraine, Tổng thống Zelensky đã chỉ đích danh chính các đồng minh cung cấp vũ khí tầm xa không cho họ sử dụng chúng sâu bên trong nước Nga vì sợ vượt qua "lằn ranh đỏ" do Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra. "Nếu các đối tác của chúng tôi dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga, chúng tôi sẽ không cần phải tiến vào khu vực Kursk", ông Zelenskiy nói, viện dẫn nhu cầu bảo vệ các cộng đồng biên giới Ukraine. Ông thúc giục các đồng minh mạnh dạn hơn trong quyết định của mình về cách giúp Kiev trong cuộc chiến.

Tổng thống Zelensky cho rằng, những hạn chế như vậy đang làm suy yếu khả năng của Kiev trong việc chống lại cuộc tấn công của Nga ở phía đông, tại các khu vực trung tâm chiến lược Pokrovsk và Toretsk. Hiện cả hai thành phố này đều chứng kiến ​​những cuộc giao tranh dữ dội nhất gần đây khi quân đội Nga liên tục tiến về phía trước, chỉ cách vùng ngoại ô Pokrovsk 10 km.

Cố chấp ở Kursk, Ukraine dần tuột quyền kiểm soát Pokrovsk

Theo Topwar, ngày 19/8, quân đội Nga đang nhanh chóng mở rộng đầu cầu và cách thành phố Pokrovsk 7-8 km. Nhà quan sát quân sự Đức Julian Röpke lên tiếng bình luận: Tình hình ở Donbass thật thảm khốc.

Vị chuyên gia này chỉ trích quyết định của Tổng thống Zelensky khi chuyển quân dự bị đến vùng Kursk của Nga, thay vì gửi về hướng Pokrovsky. Theo ông, quân đội Nga đang ngày càng mở rộng vùng kiểm soát, tiến về các thành phố lớn, đồng thời là trung tâm hậu cần của Ukraine. Lực lượng bổ sung là cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga, nhưng họ lại được điều đến khu vực Kursk. Việc san sẻ nguồn lực về vũ khí và nhân lực bảo vệ khu vực Donbass có thể khiến khả năng phòng thủ của Ukraine suy giảm, tạo điều kiện cho Nga tiến sâu hơn vào khu vực do Kiev kiểm soát.

Theo The Kyiv Independent, Pokrovsk là trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine nhằm hỗ trợ các hoạt động chiến sự ở tỉnh Donetsk. Bên cạnh đó, Pokrovsk còn là một trong những thành trì phòng thủ chủ lực của Ukraine.

Nếu giành được quyền kiểm soát thành phố này, Nga có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ và các tuyến đường tiếp tế của Ukraine, từ đó đến gần hơn với mục tiêu kiểm soát toàn bộ Donetsk.

Cùng ngày, lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự Pokrovsk - ông Serhii Dobriak - cho biết, người dân Pokrovsk có một hoặc hai tuần để sơ tán vì lực lượng Nga đang tiến gần đến thành phố Donetsk. "Trước cuộc chiến, chúng tôi có 13.700 trẻ em. Hiện tại, cộng đồng chỉ còn 4.788 trẻ em, nghĩa là khoảng một phần ba vẫn còn ở lại... Tôi tin rằng, trong tuần này, chúng tôi bắt buộc phải sơ tán trẻ em", ông Dobriak cho biết. Theo ông, khoảng 60% cư dân tự rời khỏi Pokrovsk bằng phương tiện di chuyển của riêng họ.

Israel ‘gật đầu’ ngừng bắn, Mỹ thúc giục Hamas có trách nhiệm

Theo Reuters, ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp nhận một đề xuất mang tính bắc cầu do Washington đưa ra nhằm chấm dứt bất đồng để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Phát biểu với báo chí, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã nói rằng, động thái này có lẽ là cơ hội tốt nhất và là cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận.

"Trong cuộc họp mang tính xây dựng với Thủ tướng Netanyahu hôm nay, ông ấy đã xác nhận với tôi rằng Israel chấp nhận đề xuất bắc cầu - rằng ông ấy ủng hộ đề xuất này", ông Blinken tuyên bố.

"Giờ đây Hamas có trách nhiệm phải làm điều tương tự, và sau đó các bên, với sự giúp đỡ của các bên trung gian - Mỹ, Ai Cập và Qatar - phải ngồi lại với nhau và hoàn tất quá trình đạt được sự hiểu biết rõ ràng về các cam kết mà họ đã đưa ra theo thỏa thuận này”.

Mỹ lo ngại Iran chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân

Theo RT, ngày 19/8, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner đã cảnh báo trong một tuyên bố với CBS rằng, Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân vào cuối năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner. Ảnh: Getty

"Iran có thể tuyên bố là quốc gia hạt nhân vào cuối năm nay, do chính sách thất bại của Tổng thống Mỹ Joe Biden", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner nói. Đồng thời, ông chỉ ra một số báo cáo và phác thảo liên quan đến khả năng này. Ông cho rằng, sự phát triển như vậy sẽ đánh dấu một sự leo thang lớn mà Mỹ đã tìm cách tránh trong nhiều năm.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng Tehran sẽ mất "một hoặc hai tuần" để có được các vật liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân và lưu ý rằng nước này đã tích trữ uranium gần đạt cấp độ vũ khí kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018.

Gần đây, Tehran tái khẳng định ý định tuân thủ học thuyết hạt nhân, nhưng lại đưa ra cảnh báo xem xét lại lập trường nếu sự tồn tại của đất nước bị đe dọa. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Israel.

“Chúng tôi không quyết định chế tạo bom hạt nhân, nhưng nếu sự tồn tại của Iran bị đe dọa, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi học thuyết quân sự”, cố vấn quân sự chính của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố hồi tháng 5 sau khi Israel đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran.

FBI kết luận Iran đứng sau các tấn công mạng chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ

Theo CNN, ngày 19/8, FBI và các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng, Chính phủ Iran đứng sau hoạt động tấn công và rò rỉ thông tin nhằm vào chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, cũng như cố gắng nhắm vào chiến dịch tranh cử của ông Biden và bà Harris.

Trong những ngày gần đây, FBI đã thông báo cho cựu tổng thống về những phát hiện ban đầu của họ, sau khi các tổ chức tin tức đưa tin rằng họ đã nhận được các tài liệu được cho là đến từ một tài khoản thuộc về một quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết, tin tặc đã không thành công trong các nỗ lực chống lại chiến dịch của Tổng thống Joe Biden và bà Harris.

Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Iran đã thông qua kỹ thuật và các nỗ lực tiếp cận những cá nhân có quyền truy cập trực tiếp vào chiến dịch tranh cử tổng thống của cả hai đảng. Hoạt động như vậy, bao gồm đánh cắp và tiết lộ thông tin, nhằm mục đích tác động quá trình bầu cử Mỹ” - FBI cho biết trong tuyên bố chung với Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA).

Theo Reuters, Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã ra tuyên bố gọi những cáo buộc này là vô căn cứ và không có cơ sở. “Như chúng tôi đã thông báo trước đó, Cộng hòa Hồi giáo Iran không có ý định cũng như động cơ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Khánh Ly

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục