Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 7/12/2023: Giá vàng nhẫn hôm nay đi xuống, vàng SJC đi ngang

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 7/12: Giá vàng nhẫn hôm nay đi xuống, vàng SJC đi ngang; 341.393 tài khoản chứng khoán đóng trong tháng 11…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 6/12/2023: Giá vàng biến động không ngừng; đồng USD tăng sát mốc 104 Giá vàng hôm nay 7/12/2023: Vàng trong nước đồng loạt đảo chiều giảm nhẹ

Giá vàng nhẫn đi xuống, vàng SJC đi ngang

Vào lúc 5h30 sáng nay 7/12, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 73 triệu đồng/lượng mua vào và 74,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Đến 7h30 sáng cùng ngày, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 73,03 triệu đồng/lượng mua vào và 74,08 triệu đồng/lượng bán ra, đi ngang so với giá ngày hôm qua.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 7/12/2023: Giá vàng nhẫn hôm nay đi xuống, vàng SJC đi ngang
Giá vàng nhẫn hôm nay đi xuống, vàng SJC đi ngang. Ảnh: NLĐ

Riêng với vàng nhẫn, lúc 7h30 sáng nay, tại Bảo tín Minh Châu giao dịch quanh mức 61,38 triệu đồng/lượng mua vào và 62,48 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy cả chiều mua và bán đều giảm so với ngày hôm qua.

Trong khi giá vàng thế giới rạng sáng nay đảo chiều tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 6,9 USD lên 2.025,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.043,7 USD/ounce, tăng 7,4 USD so với rạng sáng qua.

Còn 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công

Hiện nay còn 21 Bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11 là 460.980 tỷ đồng, đạt 59,39% kế hoạch (đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch và đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân của cả nước có tăng hơn (7% so với kế hoạch và 6,77% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ này vẫn đạt thấp.

Theo tính toán, hiện còn trên 315 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công (nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì còn trên 247 nghìn tỷ đồng) cần giải ngân.

341.393 tài khoản chứng khoán đóng trong tháng 11

Thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 11/2023, tổng số tài khoản mở mới là 148.592 tài khoản, số tài khoản thực hiện đóng là 341.393 tài khoản. Số tài khoản được đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), với 339.968 tài khoản.

MBS cho biết, công ty vẫn đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản chứng khoán và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không phát sinh giao dịch.

Nhiều doanh nghiệp da giày ở Đồng Nai dự kiến thưởng Tết 1 tháng lương

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, dù gặp khó khăn do thiếu đơn hàng nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực giày da ở Đồng Nai đã công bố thưởng Tết Giáp Thìn 2024. Bên cạnh công bố mức thưởng Tết một tháng lương, nhiều doanh nghiệp cũng dành nhiều phần quà Tết, bốc thăm trúng thưởng cho người lao động.

Để chủ động chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, Liên đoàn lao động Đồng Nai sẽ hỗ trợ khoảng 2.000 vé xe cho công nhân xa quê, đồng thời đề xuất tỉnh Đồng Nai trích ngân sách 30 tỷ đồng tặng quà cho hàng chục nghìn công nhân khó khăn trong tỉnh.

Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,5-7% năm 2024

Năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người 160,8-162 triệu đồng.

HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết quy định về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2022-2025. Mức kinh phí hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà xây, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Ngoài ra, mức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay xây dựng, sửa chữa tối đa được 50 triệu đồng/nhà, lãi suất cho vay 3%/năm do ngân sách thành phố hỗ trợ, người vay không phải trả lãi suất.

Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đứng đầu cả nước

Kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn, quý sau cao hơn quý trước; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước) đứng đầu cả nước. Có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động xã hội tăng 12,5%, vượt 5% kế hoạch. Quy mô GRDP được mở rộng, ước đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, vượt 0,2% kế hoạch (quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 12 cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2022, đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc).

Trong đó sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế (đóng góp trên 85% tăng trưởng chung của tỉnh). Chỉ số sản xuất cả năm ước tăng 20,2%. Giá trị sản xuất ước đạt 541.169 tỷ đồng, tăng 22%, vượt 6,6% kế hoạch.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục