Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 22/1/2024: Giá vàng chờ mốc mới

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 22/1: Giá vàng chờ mốc mới; xăng dầu có khả năng tăng tiếp; nhiều mặt hàng xuất khẩu vào EU giám sát ngay tại cửa khẩu…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 21/1/2024: Giá vàng giảm nhẹ; đề xuất phối hợp thanh tra thị trường vàng Giá vàng hôm nay 22/1/2024: Vàng dự báo tiếp tục bật tăng trong tuần mới

Giá vàng chờ mốc mới

Giá vàng SJC hôm nay 22/1 niêm yết ở mức 73,7 triệu đồng/lượng mua vào và 76,72 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, giá vàng sáng nay ổn định so với tuần trước. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo, lãi suất của các ngân hàng lớn trong tuần này có thể sẽ tác động đến biến động của đồng USD và vàng.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 22/1/2024: Giá vàng chờ mốc mới
Giá vàng hôm nay chờ mốc điều chỉnh mới

Trên thị trường thế giới, giá vàng có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,3 USD lên 2.031,5 USD/ounce. Tuần trước, sau chuỗi ngày giảm do chịu áp lực bởi kỳ vọng lãi suất, giá vàng thế giới đã có được mức tăng khiêm tốn trong phiên chốt tuần.

Xăng dầu có khả năng tăng tiếp

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường quốc tế dự báo đi lên theo đà tăng từ tuần trước. Trong tuần qua, giá dầu thế giới đảo chiều tăng nhẹ sau khi giảm vào tuần trước đó.

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 18/1. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 tăng vượt mốc 22.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên 21.410 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng lên 22.480 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng lên mức 20.190 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng lên 20.530 đồng/lít.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU giám sát ngay tại cửa khẩu

Các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là: Ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.

Đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.

Ngoài ra, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.

Lập tổ công tác thúc tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng lập Tổ công tác chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tổ công tác sẽ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng, hai tổ phó là các ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Tổ công tác có chức năng giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ các dự án.

Thường xuyên theo dõi kiểm tra tình hình triển khai các dự án, chủ động và kịp thời hỗ trợ thực hiện đảm bảo tiến độ dự án. Hàng tháng đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong chính sách để triển khai đầu tư các dự án do các đơn vị đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thưởng Tết trung bình khoảng 1 tháng lương

Các doanh nghiệp đang nỗ lực để có thể đảm bảo chế độ cho người lao động dịp Tết. Mức thưởng Tết trung bình cho người lao động của các doanh nghiệp khoảng 1 tháng lương.

Theo Thông tin từ Liên đoàn Lao động Hà Nội, mức lương bình quân của người lao động trong năm 2023 bằng năm 2022. Tuy nhiên, mức thưởng Tết trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so từ 1,41% - 2,44% so với Tết Quý Mão 2023.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, thưởng Tết năm nay được giữ ở mức tương đương năm trước, trung bình 12,3 triệu đồng/người. Riêng với ngành dệt may, da giày, công nhân được thưởng từ 1-2 tháng lương cơ bản, khoảng 6 - 12 triệu đồng.

Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Doanh số toàn ngành có thể đạt mức 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD.

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương