Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 17/5/2024: Giá vàng quay đầu giảm mạnh Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/5/2024: Giá vàng tăng sốc; giá dầu tăng nhẹ |
Giá vàng hôm nay
Rạng sáng nay (19/5), giá vàng trên sàn Kitco giao dịch ở mức 2.414 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giao dịch ở mức 2.419 USD/ounce. Như vậy, giá vàng trên thị trường thế giới chốt tuần đã tăng mạnh bất chấp đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Giá vàng sáng nay (19/5) tăng mạnh |
Ở trong nước, 9 giờ sáng nay, giá vàng SJC niêm yết quanh mức 88,50 triệu đồng/lượng mua vào và 90,30 triệu đồng/lượng bán ra, tăng so với sáng qua. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng so với sáng qua, niêm yết ở mức 75,72 triệu đồng/lượng mua vào, 77,12 triệu đồng/lượng bán ra.
Một số nhà kinh tế cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với thị trường vàng vào tuần tới sau khi các quan chức Fed phát biểu. Theo dự kiến, sẽ có 6 quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ phát biểu tại các sự kiện vào đầu tuần sau.
Đồng USD quay đầu giảm
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 32 đồng, hiện ở mức: 24.239 đồng. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt giảm tuần 0,76%, xuống mức 104,50.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,31% lên 1,2705 USD, đồng bạc xanh tăng 0,17% so với đồng yên Nhật, đạt mức 155,64. Đồng euro tăng 0,06% so với đồng USD, đạt mức 1,0872 USD.
Đà trượt giá của đồng USD trong bối cảnh dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ ở tháng 4 được công bố cho thấy lạm phát tiếp tục có xu hướng hạ nhiệt trong quý II/2024, làm tăng hy vọng Fed có thể thực hiện cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.
Giá vải thiều lên đến 50.000/kg
Vải u hồng hiện đã có mặt trên thị trường được một thời gian, song giá loại quả này tăng từng ngày. Ở huyện Lục ngạn (Bắc Giang) vải thiều trà sớm (vải u hồng) đang vào vụ thu hoạch, sản lượng ước khoảng 17.000-20.000 tấn, chỉ bằng hơn 50% so với sản lượng năm ngoái do mất mùa. Nhưng đổi lại, giá vải lại rất cao, trung bình người dân đang bán được với giá 50.000 đồng/kg.
Hiện, các thương nhân Trung Quốc đã chính thức sang thu mua vải thiều năm nay của tỉnh Bắc Giang, trong đó tập trung nhiều ở huyện Lục Ngạn. Năm 2023, có khoảng hơn 200 thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều.
Nợ xấu trên 3% không được tăng vốn công ty con
Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải kinh doanh có lãi, nợ xấu dưới 3%... mới được tăng vốn tại công ty con.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng khi tăng vốn tại công ty con (trừ công ty con là công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản) phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm thực hiện tăng vốn và tại thời điểm hoàn tất việc tăng vốn không thấp hơn mức vốn pháp định, kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm thực hiện tăng vốn đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.
Đồng thời, không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn.
Vé máy bay khó giảm
Theo các hãng, do chi phí cao, lợi nhuận của chuyến bay là 1 USD/khách nên khả năng hạ nhiệt giá vé sắp tới rất khó.
Phân tích của một số chuyên gia cho thấy, nguyên nhân tăng giá vé phần lớn nằm ở chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Trong đó, xăng dầu và tỷ giá biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của hãng bay. Chẳng hạn, so với năm 2019, xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng.
Theo các hãng bay, số lượng máy bay toàn ngành hàng không nội địa giảm, hiện từ 230 chiếc còn 170 chiếc, năng lực khai thác đã giảm 25 - 30% so với trước đây. Trong khi chi phí thuê máy bay hiện nay tăng cao, cũng là nguyên nhân khiến giá vé khó giảm.