Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/4/2024: Giá vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/4: Giá vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng; đồng USD quay đầu giảm; áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 17/4/2024: Giá vàng chao đảo liên tục; khả năng xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít Giá vàng hôm nay 18/4/2024: Vàng SJC tăng nhẹ, lại vượt mốc 84 triệu đồng/lượng trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ

Giá vàng hôm nay

Giá vàng hôm nay (18/4) trên thế giới vẫn nằm trong xu hướng tăng và có thể bứt phá lên đỉnh cao mới. Giới chuyên gia cho rằng, bất ổn địa chính trị tiếp tục hỗ trợ vàng và bất kỳ sự leo thang nào cũng sẽ đẩy giá lên phạm vi 2.500 USD/ounce. Kim loại quý này chỉ quay đầu giảm nếu các ngân hàng trung ương ngừng mua hoặc giới đầu tư quay trở lại với các tài sản rủi ro.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 18/4/2024: Giá vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng
Giá vàng ngày 18/4 vẫn nằm trong xu hướng tăng

Ở trong nước, giá vàng tiếp tục biến động khó đoán. Lúc 8h sáng nay, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 82,10 triệu đồng/lượng mua vào và 84,15 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều. Vàng nhẫn giao dịch quanh mức 75,17 triệu đồng/lượng mua vào và 77,07 triệu đồng/lượng bán ra.

Đồng USD quay đầu giảm

Rạng sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 90 đồng, hiện ở mức 24.231 đồng. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,34%, xuống mốc 105,92.

Đồng USD giảm sau chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, khi các nhà đầu tư củng cố lợi nhuận sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh lại việc cắt giảm lãi suất đang bị trì hoãn để chờ dữ liệu kinh tế mới, trong khi triển vọng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác vẫn không thay đổi.

Áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản

Từ nay đến cuối năm, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 213.521 tỷ đồng; trong đó, 37% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 79.597 tỷ đồng. Vì vậy, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ tập trung chủ yếu vào quý II và quý III/2024.

Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận ở mức 10.715 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bất động sản vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 6.400 tỷ đồng.

Việt Nam được đánh giá tích cực từ nhà đầu tư quốc tế

Báo cáo của FTSE Russell - một tổ chức chuyên về các dịch vụ chỉ số tài chính, Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

Theo bà WanMingDu - Giám đốc Chính sách chỉ số châu Á - Thái Bình Dương, FTSE Russell: "Các khách hàng lớn của chúng tôi có phản hồi tích cực và đánh giá cao về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Việc sớm triển khai mô hình thanh toán là rất cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ để Việt Nam sớm thỏa mãn các điều kiện".

Gần 2,9 tỷ USD kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh

Gần 2,87 tỷ USD về TP. Hồ Chí Minh trong quý đầu năm nay, tăng mạnh hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng kiều hối cao nhất về thành phố tính trong quý đầu năm, đồng thời cũng là mức mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Vốn là khu vực có nhiều người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đóng góp trên một nửa kiều hối chảy về cả nước.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và xung đột địa chính trị phức tạp, kiều hối chảy về thành phố vẫn tăng trưởng, giữ vai trò nguồn vốn để khai thác, sử dụng, hỗ trợ và phát triển.

Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục đóng góp nhiều nhất với tỷ trọng hơn 59% và ghi nhận mức tăng mạnh hơn 86% so với cùng kỳ. Khu vực châu Á đã chuyển dịch và trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kiều hối về thành phố. Ngược lại, kiều hối chuyển về từ châu Âu và châu Đại dương giảm.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục