8 tháng năm 2023, Việt Nam bán nông lâm thủy sản nhiều nhất sang thị trường nào? Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 53 - 54 tỷ USD |
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.
Giá sầu riêng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân |
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong 9 tháng qua. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm 7,7%, chiếm 7,6% tổng kim ngạch.
Chỉ có thị trường Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 22,1% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận con số 2,75 tỷ USD tăng 161,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với trái cây, Trung Quốc cũng chi 495,8 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%; xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - nhận định, nhờ ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên kim ngạch tăng trưởng mạnh. Ví dụ như quả sầu riêng, sau khi ký nghị định thư, đơn hàng xuất khẩu bùng nổ. Kim ngạch tăng cao kỷ lục, đưa sầu riêng thành loại trái cây tỷ USD của Việt Nam.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, có thể thấy, xuất khẩu nông sản sụt giảm chủ yếu ở 2 thị trường Mỹ và EU với 2 nhóm chính là gỗ, lâm sản và thuỷ sản. Song tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có bước tăng trưởng trở lại. Trung Quốc là thị trường lớn và đang phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây và gạo.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng trực tiếp đi Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam.
“Vừa rồi khi dự hội nghị ở Nam Ninh, Chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa với 4 nhóm hàng như sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả; trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản… Hiện phía Trung Quốc đã đồng ý xuất khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo, ớt.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký Nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng đông lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo các chuyên gia năm nay Trung Quốc có nhu cầu rất lớn với nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây với nhu cầu tăng từ vài trăm triệu đã lên đến hàng tỷ USD. Song bên cạnh thành công thì rủi ro cũng bắt đầu khi Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại trái cây của Philippines, Malaysia…
Trung Quốc là thị trường mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp. Nhu cầu thị trường Trung Quốc khá đa dạng và không quá khó tính. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm nông sản chế biến. Tuy nhiên, trên thực tế, với các doanh nghiệp nhỏ, vấn đề thâm nhập thị trường nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn khi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, thủ tục của bên nhập khẩu.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến sâu để cho ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, chủ động đổi mới phương thức kinh doanh và khai thác thị trường xuất khẩu phù hợp.
Còn theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới chất lượng nông sản. Đặc biệt tại các thành phố lớn người dân sẵn sàng trả với mức giá cao để được tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bởi vậy, người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cũng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho, hay hình thành các Trung tâm cung ứng nông sản tại khu vực cửa khẩu với Trung Quốc.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|