Điểm tên 3 ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023

(Banker.vn) Sau ba năm liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này.

SSI: Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ

Với kết quả kinh doanh tích cực, lãnh đạo VIB cho biết ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu, trình ĐHĐCĐ vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án này được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương ứng với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.

"Con số 35% này có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022", đại diện VIB chia sẻ.

Sau khi chi trả cổ tức, VIB vẫn tuân thủ các hệ số an toàn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước và các tiêu chuẩn chọn lọc của Basel II và Basel III. Hệ số an toàn vốn (CAR) Basel II sau khi chi trả cổ tức dự kiến sẽ ở mức trên 10%, cao hơn so với mức 8% theo quy định.

VIB là ngân hàng luôn tổ chức họp ĐHĐCĐ sớm và thường hoàn thành việc chia cổ tức trong vòng 6 tháng đầu năm, nghĩa là các cổ đông của nhà băng này hoàn toàn có thể kỳ vọng sớm nhận được cổ tức trong vòng 6-7 tháng nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, hai ngân hàng VPBank và ACB cũng có ý định chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Cuối buổi đại hội cổ đông năm 2022, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được ĐHĐCĐ thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Việc VIB, VPBank và ACB dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm sau là một tín hiệu đáng mừng cho các cổ đông ngân hàng. Bởi liên tục trong những năm gần đây, các ngân hàng hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao tiềm lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh và tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thống kê trong 3 năm gần nhất, chỉ có Vietcombank, VietinBank và BIDV được phép trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính dù các nhà băng này thường xuyên đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Điểm chung của ba ngân hàng đầu tiên lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 là đều có sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng tạo lợi nhuận đứng đầu nhóm tư nhân.

Theo tìm hiểu, ngân hàng VPBank sẽ là ngân hàng trả cổ tức, thưởng cho cổ đông cao nhất năm 2022 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Tiếp sau đó là VIB (35%), MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), HDBank (25%), ACB (25%).

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đưa ra chủ trương các ngân hàng không chi trả cổ tức tiền mặt để giảm lãi suất cho vay. Đây là năm thứ ba liên tiếp cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong năm 2021, NHNN cũng đã ra chỉ thị buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Trên cơ sở chỉ đạo đó, một loạt ngân hàng ngân hàng công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong đại hội cổ đông thường niên 2022.

Tại đại hội, cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1%, để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.

Cổ đông VietinBank cũng vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.

Tại BIDV, ngân hàng này dự kiến phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Sau khi chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80% trong năm 2021, VPBank tiếp tục lên kế hoạch phát hành tối đa gần 2,238 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức và thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 2 và/hoặc quý 3/2022.

MB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.

Các ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay là VIB (35%), MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), HDBank (25%), ACB (25%),…

Hoàng Hà (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục