Điểm tên 3 mặt hàng nông lâm sản chịu sự điều chỉnh bởi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR)

(Banker.vn) Việt Nam hiện có ba mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU chịu sự điều chỉnh của Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) bao gồm cà phê, gỗ và cao su.
Mặt hàng xuất khẩu nào bị áp dụng theo Quy định chống phá rừng của EU? Bài 1: Thêm "hàng rào xanh" từ thị trường EU Bài 2: Liệu chỉ toàn thách thức? Bài 3: Minh bạch để nông lâm sản Việt tiến sâu vào thị trường EU

Mỗi năm, EU nhập khẩu gần 3 tỷ USD ba nhóm mặt hàng cà phê, gỗ và cao su từ Việt Nam

Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) bắt đầu có hiệu lực từ 29/06/2023. Trong số 7 nhóm mặt hàng gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc và cao su chịu sự điều chỉnh của EUDR, Việt Nam hiện có ba mặt hàng bao gồm cà phê, gỗ và cao su chịu sự điều chỉnh này.

cà phê là một trong số 3 mặt hàng chịu sự tác động của quy định chống phá rừng của EU
Cà phê là một trong số 3 mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam chịu sự điều chỉnh của quy định chống phá rừng của EU

Để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU, các doanh nghiệp nhập khẩu từ EU cần đảm bảo sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng và suy thoái rừng (sau đây gọi tắt là mất rừng) với thời điểm mất rừng tính từ 30/12/2020 trở về sau. Doanh nghiệp có 18 tháng (doanh nghiệp lớn) hoặc 24 tháng (doanh nghiệp vừa và nhỏ) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.

Do EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất, nhập khẩu khoảng gần 3 tỷ USD ba nhóm mặt hàng cà phê, gỗ, cao su từ Việt Nam mỗi năm, việc đáp ứng các yêu cầu trong EUDR có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và toàn bộ các bên tham gia ba ngành hàng này của Việt Nam nói chung.

Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – cho hay, cà phê, gỗ và cao su là ba nhóm mặt hàng quan trọng hiện đang được các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên. Các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà phê, cao su chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.

Nếu chiếu theo quy định của EUDR, nhìn chung ba ngành hàng này của Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng do diện tích sản xuất ba mặt hàng đã ổn định từ trước 2020.

Tuy nhiên, để chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết. Theo đó, tính pháp lý của đất canh tác thuộc sở hữu của nông hộ sản xuất chưa rõ ràng; chuỗi cung phức tạp, nhiều khâu trung gian; khó khăn trong việc nông hộ tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách.

Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra

Trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi EUDR chính thức được thực hiện, việc rà soát các điểm rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan tới nông hộ là cực kỳ cấp thiết. Việc này cần triển khai một cách có hệ thống và chiến lược rõ ràng để kịp thời thu thập và xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ theo quy định của EUDR.

Tuy nhiên, do năng lực và nguồn lực của nông hộ nhìn chung rất hạn chế, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý các cấp.

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý Chính phủ cần gấp rút nghiên cứu xây dựng, cập nhật các thông tin gồm: Bản đồ thực trạng rừng, mất rừng, suy thoái rừng; Hiện trạng đất đai – bản đồ số hóa, vị trí và hiện trạng các lô đất chưa được cấp sổ đỏ, tính chính xác của vị trí và ranh giới các thửa đất theo sổ đỏ đã cấp,… và chia sẻ với các bên liên quan như hiệp hội, doanh nghiệp và phía EU.

Ngoài ra, Chính phủ cần giao cho bộ ngành liên quan rà soát chuỗi cung ứng của các ngành hàng – bắt đầu từ các ngành hàng gỗ, cà phê, cao su – để đánh giá rủi ro và khả năng đáp ứng của người sản xuất, thương lái và doanh nghiệp với yêu cầu của EUDR như đã trình bày ở trên.

Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các ban ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, xây dựng năng lực cho nông hộ, đặc biệt là tại các khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét đưa ra chính sách phù hợp để nhanh chóng hợp thức hóa các thửa đất sản xuất của hộ hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không nằm trong diện rủi ro gây mất và suy thoái rừng.

Về phía các doanh nghiệp, cần nhanh chóng rà soát lại chuỗi cung ứng của mình và làm việc với chính quyền địa phương và các thương lái cung cấp hàng cho mình để đánh giá khả năng đáp ứng quy định EUDR của chuỗi cung hiện tại của mình.

Việc đánh giá cũng cần xác định những tồn tại của chuỗi. Qua đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án khắc phục các vấn đề này.

Khắc phục các tồn tại này có thể phải đòi hỏi các nguồn lực về con người, tài chính và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương - cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng pháp lý và vị trí địa lý của các thửa đất canh tác của hộ.

Đáp ứng truy xuất nguồn gốc đòi hỏi doanh nghiệp tổ chức lại chuỗi cung ứng, đặc biệt chính thức hóa giao dịch giữa các hộ và hệ thống thương lái. Việc hính thức hóa giao dịch đòi hỏi việc đơn giản hóa các yêu cầu tại các khâu này.

Cắt ngắn chuỗi cung ứng thông qua thiết lập liên kết giữa các hộ và các công ty chế biến trong các dự án xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững là một trong những cách thức tốt để thực hiện việc đơn giản hóa chuỗi.

“Một số công ty gỗ, cà phê, cao su đã có kinh nghiệm tham gia các chương trình chứng chỉ bền vững trong nhiều năm cho biết việc truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc trong các chương trình này. Do đó, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường EU trong tương lai mà chưa tham gia làm chứng chỉ thì có thể xem xét phương án này để vượt qua các rào cản sắp tới”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Các nông hộ cần được tập huấn nâng cao nhận thức về tính hợp pháp của nông lâm sản nói chung và quy định mới trong EUDR nói riêng để hộ ý thức được tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc, qua đó tích cực và chủ động thực hiện các hành động cần thiết để tăng cường tính minh bạch đối với nguồn gốc sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Mạng lưới tư thương với vai trò là cầu nối giữa hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn cần được tham gia vào các hoạt động xây dựng năng lực, tuyên truyền, phổ biến thông tin về EUDR để hiểu và nắm rõ về các quy định mới phát sinh nhằm thu thập đủ và đúng các thông tin cần thiết để truy xuất nguồn gốc nông sản.

Đối với quy định về tọa độ địa lý của lô đất sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phối hợp để giúp hộ nắm được thông tin về tọa độ vị trí của thửa đất của mình để có thể cung cấp cho người mua khi được yêu cầu.

Do việc phân chia chuỗi cung sản phẩm gặp nhiều khó khăn trên thực tế, việc yêu cầu các hộ cung cấp thông tin này khi bán sản phẩm cho bất cứ người mua nào cần được thực hiện đồng bộ thì mới đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần tạo cơ sở dữ liệu về hộ và bản đồ thửa đất cũng như phần mềm để hộ tự khai báo thông tin nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc liên tục trong tương lai. Các tiện ích này phải được cung cấp miễn phí và truy cập dễ dàng đối với hộ và bất cứ bên quan tâm nào.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương