Điểm tên 2 khó khăn lớn nhất khi đưa hàng hóa, nông sản của đồng bào dân tộc vào chuỗi phân phối

(Banker.vn) Kho trung chuyển sẽ là giải pháp tháo gỡ nút thắt trong việc đưa nông sản đồng bào dân tộc vào chuỗi phân phối.
Cao Bằng: Điểm đến, kết nối và phát triển Đồng bào dân tộc Mông ở Sà Phìn (Hà Giang) phát triển kinh tế nhờ chính sách dân tộc

Thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại các địa phương. Sản xuất tại một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc hỗ trợ tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Điểm tên 2 khó khăn lớn nhất khi đưa hàng hóa, nông sản của đồng bào dân tộc vào chuỗi phân phối
Đẩy mạnh quảng bá, đưa nông sản vùng đồng bào dân tộc vào chuỗi phân phối hiện đại

Là một trong số đơn vị đồng hành, cùng phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Kiều Song Hào - Giám đốc thu mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam – cho hay, hiện tại, các sản phẩm của các tỉnh phía Bắc đã được kết nối, trung chuyển và đưa thẳng vào trong toàn bộ các hệ thống chuỗi siêu thị của MM Mega Việt Nam. Có thể kể đến, từ quả bí thơm của hợp tác xã Yến Dương hay hạt dẻ của Bắc Kạn đã được hệ thống siêu thị kết nối thành công đến tận Rạch Giá, Kiên Giang.

Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market đang diễn ra Lễ hội nông sản Tây Bắc, theo đó, tất cả sản phẩm của Tây Bắc đều có mặt trải dài từ Bắc vào Nam, đến hết tháng 10 này. Sau hoạt động này, sẽ có một số hoạt động về trái cây đầu vụ của Bắc Giang, Hoà Bình, đây là những sản phẩm mà MM Mega đã và đang đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân, các tỉnh thành, các hợp tác xã.

Theo ông Kiều Song Hào, đến thời điểm này các hợp tác xã, hộ nông dân của các các tỉnh, thành phố đang thực hiện tương đối tốt những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Vietgap, GlobalGAP hay chỉ dẫn địa lý,…

Nhưng trở ngại nhất cho doanh nghiệp hệ thống siêu thị là các đơn vị, các tỉnh, thành họ chỉ tập trung một số nhóm sản phẩm, dẫn đến sản lượng thì nhiều nhưng tiêu thụ không được nhiều. Đây là khó khăn, bởi các siêu thị muốn bán thật nhiều sản phẩm vùng miền, với nhiều mặt hàng, mã hàng của nhiều tỉnh thành chứ không phải chỉ 1 - 2 sản phẩm.

“Siêu thị không thể nhập mấy chục tấn, cả container liền một lúc được, mà tính chất của siêu thị là bán cho người tiêu dùng hàng ngày, nhập hàng về hàng ngày. Khi các HTX, địa phương chỉ tập trung sản xuất một nhóm sản phẩm, mặc dù sản phẩm tốt, chất lượng tốt, bao bì tốt, thì cũng khó tiêu thụ. Nhiều siêu thị cũng rất trăn trở đó là làm thế nào để mình hỗ trợ được cho bà con nông dân nhiều hơn”, ông Kiều Song Hào nói.

Kiều Song Hào
Kiều Song Hào - Giám đốc thu mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam

Thứ hai đó là khâu vận chuyển. Ông Kiều Song Hào phân tích, bên siêu thị nhập hàng thì phải vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại, mà hiện tại hợp tác xã thì chưa làm được việc đó, siêu thị sẽ phải làm, nhưng mỗi lần đi thì phải rất nhiều sản phẩm mới đủ một chuyến xe chạy từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, đấy là vấn đề cũng khá khó khăn cho cả bên siêu thị và các hợp tác xã, các tỉnh thành.

Để chia sẻ các khó khăn và tìm giải pháp đồng hành với các tỉnh thành, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, MM Mega đã thực hiện các giải pháp. Đầu tiên là giải pháp về kho trung chuyển.

Kho trung chuyển đầu tiên của MM Mega ở Đà Lạt, toàn bộ các sản phẩm của tỉnh Đà Lạt, Lâm Đồng hay các tỉnh lân cận sẽ thu gom về kho trung chuyển, từ đó chuyển đi khắp cả nước.

Tiếp theo đó, MM Mega đã thành lập kho trung chuyển ở Bình Dương, thì toàn bộ hàng hóa khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ sẽ tập trung tại đây để chuyển hàng đi cả nước, đặc biệt là phía Bắc, qua đó thu hẹp khoảng cách cho người dân. Người dân không phải vận chuyển nữa mà MM Mega sẽ thay mặt hộ nông dân các tỉnh thành vận chuyển hàng hóa đi phía Bắc.

Tại phía Bắc, MM Mega cũng đã triển khai các kho trung chuyển, nhưng mô hình sản phẩm phía Bắc không dồi dào như trong Nam, vì sản phẩm mang tính chất mùa vụ, nên các kho trung chuyển phía Bắc đã có nhưng hoạt động chưa được trơn tru như phía Nam. Có thể lúc vào vụ thì rất nhiều, vận chuyển không hết, nhưng lúc hết vụ thì lại là bài toán cho MM Mega.

Thời gian tới, MM Mega đang có một dự án thành lập đơn vị trung chuyển ở khu vực Tây Bắc, có thể sẽ là ở Sơn La, để làm sao các sản phẩm ở Tây Bắc sẽ trực tiếp đi từ Bắc vào Nam thông qua kho trung chuyển của MM Mega.

Song hành việc hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã khâu vận chuyển, trung tuần tháng 11, MM Mega tổ chức tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông thôn tiêu biểu, các mặt hàng đặc sản của các tỉnh thành, hợp tác xã, hộ nông dân giới thiệu tới người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng là 3 đầu mối tổ chức trực tiếp trong 1 tuần. Các tỉnh thành có nhu cầu có thể đăng ký với MM Mega để được giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng qua con đường ngắn nhất, nhanh nhất.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục