Điểm tên 10 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam

(Banker.vn) 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 188 nghìn tấn. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng từ 3% đến 5% về lượng so với năm 2022.
Dự báo, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ duy trì mức thấp Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ

Lượng tồn kho hồ tiêu không nhiều

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt xấp xỉ 20,14 nghìn tấn, trị giá 75,34 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 32,4% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 9,0% về lượng và tăng 0,2% về trị giá.

xuất khẩu hồ tiêu
Xuất khẩu hồ tiêu năm 2023 được dự báo sẽ tăng từ 3% đến 5% về lượng

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 188 nghìn tấn, trị giá 615,5 triệu USD, tăng 17% về lượng, nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.741 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 7/2023, nhưng vẫn giảm 8,1% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.273 USD/tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.

10 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

10 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

10 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất; Ấn Độ; Đức; Hà Lan; Philippines; Thái Lan; Nga; Anh; Hàn Quốc.

Tháng 8/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng từ 2 đến 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc…

Ngược lại, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Hoa kỳ, Thái Lan, Nga, Anh giảm. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ Philippines.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện lượng tồn kho hồ tiêu thực tế trong dân không còn nhiều, phần lớn chỉ còn trong đại lý và một số nhà đầu cơ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến cũng đã có đủ lượng hàng để chế biến cuối năm nên vẫn chưa thực sự cần phải mua vào thời điểm này.

Diễn biến giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa năm 2022 – 2023 Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Diễn biến giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa năm 2022 – 2023 Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Ghi nhận ngày 23/9/2023, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước nằm trong khoảng 70.000 - 72.500 đồng/kg. Trong đó, Gia Lai đang là địa phương có giá thu mua thấp nhất với 70.000 đồng/kg. Cao hơn một chút là Đồng Nai với mức giá 70.500 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá thu mua là 71.000 đồng/kg. Tương tự, tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ổn định tại mức 72.000 đồng/kg và 72.500 đồng/kg.

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 22/9 (theo giờ địa phương), giá hồ tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 4.309 USD/tấn, tăng 0,09%; tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 4.900 USD/tấn.

Dự báo, năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng từ 3 - 5% về lượng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, người dân thắt chặt chi tiêu là nguyên nhân khiến các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU giảm nhập khẩu hồ tiêu.

Dự báo giá hồ tiêu thế giới tiếp tục giảm trong ngắn hạn bất chấp số liệu công bố cho thấy sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất giảm.

Tại thị trường Việt Nam, dự báo xuất khẩu hồ tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ và EU chưa thực sự khởi sắc.

Hiện lượng hồ tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết. Trong các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước.

Ước tính tổng lượng hàng tồn và nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau khoảng 30.000 tấn, thì sẽ còn lại khoảng 50.000 tấn để xuất khẩu cho các tháng cuối năm nay.

Diễn biến giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam qua các tháng giai đoạn 2021 – 2023 (ĐVT: USD/tấn) Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Diễn biến giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam qua các tháng giai đoạn 2021 – 2023 (ĐVT: USD/tấn) Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – cho hay, tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 188 nghìn tấn. Còn 4 tháng nữa thì hết năm 2023, với tốc độ của năm nay, chúng tôi tin rằng xuất khẩu hồ tiêu năm 2023 sẽ tăng từ 3 - 5% về sản lượng so với năm 2022 (đạt 232 nghìn tấn), và như vậy, sản lượng xuất khẩu hồ sẽ rơi vào 240 nghìn tấn đến 250 nghìn tấn. Để đạt được con số này thì cần sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong ngành và những tín hiệu tích cực từ thị trường.

Thị trường thì luôn có nhu cầu, có thời gian giao dịch sôi động, nhưng cũng có thời gian giao dịch trầm lắng hơn. Nhưng chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 3 - 5% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Liên chia sẻ và cho hay, khi nói về xuất khẩu của ngành hàng nông nghiệp thì thường được quy về sản lượng.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng để có thể ghi nhận sự phát triển hay thu hẹp của một ngành hàng, cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp, người nông dân cùng hợp tác trong toàn chuỗi cung ứng. Sau sản lượng sẽ là tiêu chí về thị trường. Với sự vận động của yếu tố cung - cầu sẽ quyết định vấn đề thị trường và giá.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương