Điểm sáng dòng tiền đến từ khối ngoại

(Banker.vn) Tính từ đầu năm tới nay, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu thế mua ròng. Đặc biệt, trong nhiều tháng qua, dòng tiền của khối ngoại được đánh giá là điểm sáng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khi góp phần tích cực vào xu thế hồi phục của thị trường, dần lấy lại sự chủ động từ nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Dòng tiền khối ngoại là điểm sáng

Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán DSC, đồng USD đang trong đà tăng mạnh nhất 20 năm qua, khiến hoạt động đầu tư ở các thị trường mới nổi và cận biên trở nên kém hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt định lượng cũng làm thanh khoản của các thị trường lớn nhất thế giới có dấu hiệu giảm dần trong 3 tháng gần nhất. Đây là những lý do có thể khiến khối ngoại khó mua ròng trở lại trong ngắn hạn.

Hơn nữa, về bản chất của sự vận động dòng tiền mua ròng của khối ngoại xuất phát từ nhu cầu mua giá rẻ. Và do đó rất khó có thể kỳ vọng khối ngoại sẽ liên tiếp mua ròng nếu VN-Index và mặt bằng giá cổ phiếu liên tục tăng như trong 2 tháng gần đây.

Chứng khoán Việt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài?
Chứng khoán Việt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Hình minh họa

Trong trung và dài hạn, nhiều yếu tố cho thấy dòng vốn khối ngoại vẫn sẽ chảy vào TTCK Việt Nam, đặc biệt là các quỹ ETFs.

Mặc dù xu hướng tiêu cực được cho là vẫn đang duy trì trong ngắn hạn, song nhìn chung tính từ đầu năm tới nay, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu thế mua ròng. Đặc biệt, trong nhiều tháng qua, dòng tiền của khối ngoại được đánh giá là điểm sáng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khi góp phần tích cực vào xu thế hồi phục của thị trường, dần lấy lại sự chủ động từ nhà đầu tư cá nhân trong nước.

“Kể từ tháng 4, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam. Diễn biến này là rất tích cực nếu như nhìn lại bối cảnh khối ngoại bán ròng liên tục từ giữa năm 2020”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của VNDIRECT đánh giá.

Có thể thấy, ngay từ đầu quý II/2022, khối ngoại đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại, khi liên tục mua ròng hàng nghìn tỷ mỗi tháng. Sau khi bị gián đoạn trong tháng 7, xu hướng trên đã nhanh chóng được nối lại. Chỉ tính riêng trên HoSE, trong tháng 8 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1.100 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên hơn 2.500 tỷ đồng.

Đây được cho là tín hiệu lạc quan cho sự trở lại của khối ngoại trên TTCK Việt Nam sau thời gian dài bán ròng triền miên. Bởi trước đó, trong năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng và xu hướng thậm chí vẫn còn tiếp tục kéo dài đến cuối quý I/2022.

Sự trở lại của dòng vốn ngoại được dẫn dắt chủ yếu qua kênh ETF với tâm điểm là 2 quỹ Fubon ETF và Diamond ETF. Trong đó, Fubon ETF là cái tên hút vốn mạnh nhất thị trường từ đầu năm với giá trị lên đến hơn 6.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Diamond ETF lại đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan và cũng đã hút ròng gần 4.200 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm.

Dù đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 6 và 7, nhưng dòng vốn đổ vào Việt Nam qua các quỹ ETFs từ đầu năm vẫn đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dòng tiền từ các quỹ chủ động đã tích cực hơn trong tháng 8 sau thời gian dài “thờ ơ” với thị trường. Ngược lại, dòng vốn của các quỹ ETFs lại bán ròng mạnh tại một số thị trường khác như Indonesia, Thái Lan.

Chìa khóa giúp thu hút dòng vốn ngoại

“TTCK Việt Nam đang có tiềm năng khá tốt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.

Nhìn chung, từ đầu năm 2022 đến nay, tuy đã trải qua 8 tháng chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, nhưng với sức mạnh nội tại đang dần được cải thiện trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng về tăng trưởng ở châu Á và trên thế giới.

Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa,Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Agriseco nhận xét: “Trong trung và dài hạn, dòng vốn khối ngoại vẫn sẽ chảy vào TTCK Việt Nam do Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nền kinh tế vĩ mô ổn định trước nhiều biến động tiêu cực của thế giới (Covid-19, lạm phát,...). Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn luôn là đề tài nóng hổi và được khối ngoại quan tâm, và Việt Nam đang từng bước đáp ứng các tiêu chí cần có để được nâng hạng lên thị trường mới nổi”.

Tương tự, Giám đốc Khối phân tích của VNDirect cho rằng, dòng vốn ngoại thông minh vẫn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến, bởi các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với TTCK Việt Nam với mức tăng trưởng top đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được kiểm định trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát của Việt Nam có xu hướng tăng theo tình hình chung của thế giới nhưng vẫn được kiểm soát ở mức có thể chấp nhận. Đồng tiền Việt Nam tiếp tục duy trì sức mạnh ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực chịu áp lực mất giá trước đồng USD.

“TTCK Việt vẫn hấp dẫn so với quá khứ và so với các nước trong khu vực. Cùng với bối cảnh kinh tế vĩ mô tốt lên là cơ hội, lợi thế để tiền chảy vào chỗ trũng và Việt Nam sẽ là vùng trũng cho dòng vốn ngoại tìm đến”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Viêt Nam nêu quan điểm.

Ngoài ra, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc rà soát, điều tra, xử lý các sai phạm trên TTCK thời gian qua cũng góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là chìa khóa giúp thu hút dòng vốn ngoại.

Dưới góc nhìn trung lập, SSI Research chỉ ra xu hướng dòng tiền rút ròng kỳ vọng sẽ không quá cao, thậm chí có thể sẽ vào ròng nhẹ sau những điều chỉnh linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô và giảm thiểu rủi ro dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu. TTCK Việt Nam dự báo cuối năm sẽ duy trì tích cực và có thể sẽ kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.

Hiên tại, trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam đang nổi bật với P/E dự phóng cho năm 2022 là 12,2 và P/E dự báo cho 2023 là 10,4 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,4 lần. Cùng với đó, tăng trưởng EPS dự báo ở mức cao trong giai đoạn 2022-2024.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

SGI Capital: “Giai đoạn thắt chặt tiền tệ mở ra cơ hội chọn cổ phiếu tốt với giá rẻ”

Theo SGI Capital, sự suy giảm của thanh khoản và tiền đầu cơ trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ như hiện nay sẽ dần ...

Thị trường chứng khoán ngày 8/9/2022: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Đâu là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán “lao dốc” trong phiên 7/9?

Phiên 7/9, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 6. Đây là tín hiệu khá xấu về ...

Việt Hoàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán