Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1.450,6 nghìn tỷ đồng, tạo ra hơn 905,7 nghìn việc làm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký và số lao động đều giảm 8%. Điểm sáng là vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp mới tăng nhẹ 0,5%, đạt 9,9 tỷ đồng.
Hình minh họa |
Tổng vốn bổ sung cho nền kinh tế trong giai đoạn này đạt gần 2.912,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5% so với năm trước. Phân theo lĩnh vực, khối dịch vụ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,2%, với 111,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Ngược lại, khối nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh 8,6%, chỉ đạt 1.495 doanh nghiệp mới, trong khi khối xây dựng giảm 2,6%, còn gần 34,4 nghìn doanh nghiệp được thành lập.
Một dấu hiệu tích cực khác là số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 11 tháng qua đạt khoảng 71,3 nghìn, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ năm trước. Kết hợp với số doanh nghiệp mới, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt hơn 218,5 nghìn, tăng 7,4%. Trung bình mỗi tháng, gần 20 nghìn doanh nghiệp mới hoặc quay lại hoạt động, góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất và kinh doanh trong nền kinh tế.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng cao. Trung bình mỗi tháng, hơn 15,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc rút khỏi thị trường. Tổng cộng, hơn 96,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 12,6%), gần 57,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể (tăng 0,9%), và 19,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 19,8%).
Đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong năm 2025 không thay đổi nhiều nhưng có sự sắp xếp lại thứ tự ưu tiên. Vấn đề đơn hàng tiếp tục là mối lo ngại lớn nhất, được 56,1% doanh nghiệp phản ánh. Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế chiếm vị trí thứ hai với 47%, tiếp theo là thủ tục hành chính (44,4%), dòng tiền (37,7%), thông tin thị trường (31,7%), và khó khăn trong tiếp cận vốn vay (30,8%). Tác động từ đại dịch COVID-19, lạm phát năm 2023 và bão số 3 (Yagi) đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh nội tại của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhân.
Để vượt qua thách thức, Ban IV đề xuất Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân, tăng cường kích cầu tiêu dùng nội địa, và thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Song song đó, việc cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, và sửa đổi các quy định kinh doanh không còn phù hợp sẽ được ưu tiên nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Sao Ta cán mốc doanh số ấn tượng, vượt 9% kế hoạch năm sau 11 tháng Sao Ta ghi dấu ấn với doanh số vượt 9% kế hoạch năm 2024, đạt 228 triệu USD chỉ sau 11 tháng. Kết quả tích ... |
Gạo Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 5,3 tỷ USD sau 11 tháng năm 2024 Gạo Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2024. Với sự chuyển đổi sang giống lúa chất lượng cao, giá ... |
Phạm Hường