Điểm nóng 24h ngày 24/7: Ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả thế nào?

(Banker.vn) Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin được bán cổ phiếu để khắc phục hậu quả Cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: "Tôi chấp nhận phán quyết của tòa" Nhiều tình tiết “bất ngờ” trong phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin dùng 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả

Ngày 24/7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa (Ảnh: Vũ Phương).
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa (Ảnh: Vũ Phương)

Trong phiên xử một ngày trước, trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), công ty này đã thực hiện các dự án của hệ thống của Tập đoàn FLC và đã thi công nhiều công trình lớn rộng hàng nghìn ha và các toà tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa,...

Ngoài thi công các dự án cho FLC, Công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như thi công Công viên Chủ đề (công trình ngoài trời có quy mô khoảng 3.500 chỗ); xây dựng khu đô thị ở Đà Nẵng.

Trong thời gian từ tháng 9/2016 - 7/2018 giá cổ phiếu ROS tăng từ 10.000 đồng lên hơn 43.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, có giai đoạn mã cổ phiếu ROS tăng hơn 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017.

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết có trách nhiệm dân sự lên đến 4.300 tỉ đồng cho hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Tại Tòa, ông Quyết nói nếu bị HĐXX tuyên án phải bồi thường, “xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng của mình để khắc phục”. Tuy nhiên, số tài sản này bị phong tỏa từ ngày ông Quyết bị bắt đến nay.

Bị cáo Quyết trình bày, mới được cơ quan cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo và trước mắt đã thu được gần 200 tỉ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Số tiền 500 tỉ tiếp theo khi nhận từ việc bán hãng hàng không Bamboo, ông Quyết sẵn sàng nộp khắc phục hậu quả. Cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết nói: "Bị cáo tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân, tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo được xử lý tài sản cá nhân gần 5.000 tỉ đồng, đang bị phong tỏa 2 năm qua để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo tha thiết mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi”.

Đại án đăng kiểm: 4 nhân viên tại Phòng VAR nhận 5,3 tỷ nhưng không bị xử lý hình sự

Sáng 24/7, Toà án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Điểm nóng 24h ngày 24/7: Ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả thế nào?
Các bị cáo được Hội đồng xét xử thẩm vấn

Theo cáo trạng, quá trình 12 đăng kiểm viên Phòng VAR nhận tiền hối lộ từ các công ty thiết kế, khi chia tiền theo tỷ lệ đều cho 4 nhân viên văn phòng mỗi người 40.000-50.000 đồng/hồ sơ. Tổng số tiền các đăng kiểm viên đưa cho 4 nhân viên văn phòng là hơn 5,3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định, 4 nhân viên văn phòng thuộc phòng VAR, gồm: Lương Thị Minh Hậu, Phạm Thị Mai Thu, Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Nguyễn Thị Hồng Nhung được các đăng kiểm viên Phòng VAR cho tiền.

Tuy nhiên, các cá nhân trên không tham gia bàn bạc, thống nhất việc nhận và chia tiền hối lộ với lãnh đạo Phòng VAR và các đăng kiểm viên; không biết việc các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ của các Công ty thiết kế, không thực hiện làm sai các quy trình trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế. Quá trình điều tra, 4 nhân viên văn phòng này đã nộp lại phần tiền các đăng kiểm viên cho. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự các cá nhân trên.

Khởi tố đối tượng lập 1.200 hợp đồng cho vay lãi nặng, thu lời hơn 3 tỷ đồng

Ngày 24/7, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Huy (SN 1980, trú tại phường Hồng Hà, TP. Hạ Long) để điều tra về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Qua công tác rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Nguyễn Quang Huy có biểu hiện nghi vấn hoạt động "tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả truy xuất dữ liệu trong tài khoản quản lý hoạt động cho vay của Huy xác định, từ tháng 3/2022 đến khi bị bắt, đối tượng này đã thiết lập 1.200 hợp đồng cho vay, với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Người vay chủ yếu cư trú tại địa bàn TP. Hạ Long, với mức lãi suất trung bình từ 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương ứng từ 36%/năm đến 180%/năm) và thu lãi số tiền hơn 3 tỷ đồng.

2 người thiệt mạng, 4 người mất tích do mưa lũ ở Sơn La

Thông tin sơ bộ bước đầu từ báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, do ảnh hưởng mưa lớn, đến 9 giờ sáng 24/7, địa bàn tỉnh đã có 2 người thiệt mạng do sạt lở ở xã Chiềng Nơi và 4 người mất tích.

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An cũng cho thấy bão số 2 đã gây ra thiệt hại tại các tỉnh này.

Tại Hà Nội, một người đi qua ngầm tràn bị nước cuốn trôi. Đó là ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1968, ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Chính quyền địa phương đang xác minh vụ việc và có báo cáo chính thức bằng văn bản.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hoàn lưu bão số 2 còn gây mưa lớn tại Bắc Bộ và Thanh Hóa đến hết ngày hôm nay.

Khánh Ly

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục