Điểm nhấn thị trường 11/7: Áp lực chốt lời xuất hiện, nhóm ngân hàng gánh thị trường

(Banker.vn) Mặc dù tăng tốt trong phiên sáng nhưng áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện trên toàn thị trường trong phiên hôm nay. Đáng chú ý, lực đỡ của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, điển hình như CTG, VCB.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/7, VN-Index tăng 2,57 điểm so với phiên giao dịch hôm qua, tương đương 0,24%, lên vùng 1.151,77 điểm với 327 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 936.910.449 đơn vị, thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với phiên trước. Tính riêng trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt 19,1 ngàn tỷ đồng. Nhóm VN30 có 16 mã tăng và 12 mã giảm.

Điểm nhấn thị trường 11/7: Áp lực chốt lời xuất hiện, nhóm ngân hàng gánh thị trường
Thanh khoản thị trường phiên giao dịch 11/7.

Trên sàn HNX, chỉ số chính tăng 0,85 điểm (+0,37%) lên 229,22 điểm với 92 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 118 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.864 tỷ đồng.

Trên UPCoM, chỉ số tăng nhẹ 0.59 điểm ( +0,69%). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 218 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.114 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là các mã trụ như CTG và VCB. Kết phiên giao dịch, CTG tăng 2% lên mức 30.300 đồng với thanh khoản đạt 14,5 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, đây là mức thanh khoản cao kỷ lục của CTG trong vòng 50 phiên trở lại đây. Ở diễn biến cùng chiều, cổ phiếu VCB tuy đã có thời điểm chạm mốc 105.000 đồng, tuy nhiên kết phiên cổ phiếu này chỉ còn 103.000 đồng, tương đương mức tăng +0,29%.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, dòng bán lẻ tiếp tục thể hiện sự tích cực với đà tăng đến từ MSN và MWG. Chốt ngày 11/7, MSN và MWG đồng loạt tăng trên 2%, qua đó góp gần 1 điểm vào đà tăng của toàn thị trường.

Đáng chú ý, hy vọng được giải cứu của cổ đông APEC gần như bị dập tắt khi bộ ba API - APS -IDJ tiếp tục phải chịu cảnh nằm sàn trong phiên giao dịch hôm nay.

Nhận định về diễn biến của VN-Index cũng như xu hướng của thị trường trong thời gian tới, Thạc sĩ Phạm Quang Thịnh, Chuyên viên tư vấn tại CTCK SSI cho rằng:

"Trong ngày giao dịch 11/07, thị trường diễn biến hưng phấn đầu phiên với hàng loạt các tin tức tốt ủng hộ như dự báo KQKD quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết hay thông tin nới room tín dụng của NHNN. Mặc dù, nới room tín dụng là thông tin tốt giúp nhóm Ngân hàng có thể tăng trưởng dư nợ cho vay và hỗ trợ thêm nguồn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên đa số các cổ phiếu ngân hàng không tăng điểm mạnh trong phiên hôm nay (ngoại trừ PGB trên sàn Upcom tăng trần và có giao dịch thỏa thuận đột biến).

Bên cạnh đó, lực bán chủ động đã bắt đầu cao hơn mua chủ động kể từ 11:15 và tăng đột biến rất mạnh kể từ 14h15 đã cắt đi đà tăng của thị trường chung. Cổ phiếu "quốc dân" HPG cũng đã 2 lần quay đầu trước kháng cự Fibonacci 0.5 tại giá 28 cảnh báo khả năng điều chỉnh ngắn hạn mặc dù khối ngoại chưa chấm dứt chuỗi mua ròng đối với cổ phiếu này.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đã hình thành cây nến Shooting Star cảnh báo đảo chiều xu hướng trong ngắn hạn. Trong lịch sử từ đáy tháng 11/2022 đến nay, nến Shooting Star đã có 2 lần xuất hiện sau nhịp hồi phục mạnh là phiên 05/12/2022 (gần giống) và 27/01/2023, sau đó thị trường đều xuất hiện nhịp điều chỉnh ở mức tương đối bằng 1/2 điểm số của xu hướng tăng hiện tại.

Theo quan điểm cá nhân, dựa vào nến Shooting Star trong phiên hôm nay và phân kỳ âm, tôi dự báo khả năng cao thị trường sẽ xuất hiện pha điều chỉnh trong các phiên cuối tuần này và trường hợp thị trường điều chỉnh thì ngưỡng 1.100 điểm là vùng hỗ trợ rất mạnh cho thị trường, gần nhất là vùng 1.120 điểm.

Điểm nhấn thị trường 11/7: Áp lực chốt lời xuất hiện, nhóm ngân hàng gánh thị trường
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch 11/7.

Tuy cảnh báo rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn có thể xuất hiện nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, xu hướng chung của thị trường về trung và dài hạn vẫn nghiêng về chiều tăng trên cơ sở: (1) Giai đoạn hiện tại tương đồng với giai đoạn đầu tháng 10/2020 khi đường EMA50 bắt đầu cho tín hiệu cắt lên đường EMA200 và (2) VN-Index bắt đầu vượt lên trên EMA100 và nằm trên tất cả các đường EMA trên đồ thị tuần. Do đó, các nhịp điều chỉnh là cơ hội để các nhà đầu tư đang đứng ngoài vào mua mới, các nhà đầu tư đang "kẹp hàng" ở vùng đỉnh cũ có thể cơ cấu lại danh mục để có thể sớm "về bờ"."

2 kịch bản tháng 7 của VN-Index và các nhóm ngành cần quan tâm

Trong báo cáo mới đây nhất, ABS Research chỉ ra 2 kịch của VN-Index trong tháng 7, cùng với đó là các chủ điểm đầu ...

Hàng loạt các công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán mới chỉ bước đầu hồi phục, hàng loạt các công ty chứng khoán vẫn liên tiếp lên các ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán