“Điểm mặt” những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 15% kế hoạch

(Banker.vn) Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nam là những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4 đạt dưới 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022.

Chiều 27/5 tại Hà Nội, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, về tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022.

“Điểm mặt” những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 15% kế hoạch
Giá nguyên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân đến ngày 30/4/2022 của 5 địa phương trên là 4.228 tỷ đồng. Trong khi, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương là 27.962 tỷ đồng.

Trong đó Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nam có tỷ lệ giải ngân dưới 15% kế hoạch giao, thấp hơn bình quân cả nước, tỉnh Bắc Ninh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 15,2% kế hoạch. Đây là những địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA. Còn Quảng Nam có tỷ lệ giải ngân đạt 17,49%, cao hơn bình quân cả nước, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt 0,38%.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - cho biết: Tỉnh Hà Nam giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 19,19% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương (NSTW) trong nước giải ngân rất thấp chỉ đạt 1,27% kế hoạch; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Trương Quốc Huy cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian. Ngoài ra, giá sắt thép, xi măng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá…

Tỉnh Bắc Ninh có tỷ lệ giải ngân đạt 15,2% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn NSĐP đạt 15,47% kế hoạch và NSTW đạt 12,66% kế hoạch. Vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai dự án đầu tư công gặp một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, nhất là với các dự án có tính liên kết vùng, do phải triển khai nhiều bước lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục.

“Điểm mặt” những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 15% kế hoạch
Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại diện tỉnh Hà Nam cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục, chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch các khu tái định cư cho các dự án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án trong quá trình triển khai. Tỉnh cũng kiến nghị với thủ tục đấu nối, thỏa thuận đất nối, chuyển đổi sử dụng đất… các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ nhanh vì mất rất nhiều thời gian. Sớm ban hành nghị định về tính giá đất, không làm nhanh thì không tính giá đất được và không thể triển khai dự án.

Trên thực tế, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cùng với đó đã thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm?. Tuy vậy, tình hình vẫn không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn không tích cực hơn mọi năm.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời rà soát các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan… để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân có đất bị thu hồi hiểu rõ chủ trương, chính sách của nhà nước về giá đất bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tốt hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Về phía các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam ngay từ đầu năm các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị năm 2022; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch triển khai thực hiện nhằm quán triệt chủ đạo của Thủ tướng, Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới các Tổ công tác liên ngành để giải quyết khó khăn, thúc đẩy giải ngân, yêu cầu các cấp các ngành, chủ đầu tư, chủ động nắm bắt tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo các cấp cho thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả đầu tư gắn với trách nhiệm nhiệm vụ của người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và cá nhân có liên quan đến thực hiện và giải ngân.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cùng với đó đã thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt những khó khăn, tìm cách tháo gỡ. Tuy vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn không được cải thiện.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương