Điểm danh những nhà băng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024

(Banker.vn) Nhờ kết quả hoạt động vượt mong đợi, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức trong kỳ họp cổ đông thường niên 2024 và đây là tin vui cho các cổ đông.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - HOSE: TCB) vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Theo đó, với kết quả kinh doanh tích cực, ngân hàng lên phương án dành gần 5.284 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15%. Ngoài Techcombank, một số nhà băng khác cũng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024.

Điểm danh những nhà băng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024
Ảnh: Internet

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) đã công bố tài liệu cho Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Theo đề xuất của Hội đồng quản trị, ngân hàng này sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa là 12,5%. Cổ tức chia theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng số tiền VIB dự kiến chi trả bằng tiền mặt là 3.171 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận còn lại của VIB ước tính hơn 4.483 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) ghi nhận nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước, đạt gần 19.900 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023 với 2 cấu phần là 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.

Ở Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) cũng đã thông báo kế hoạch tiếp tục trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm 2024. Trong Hội nghị Nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT MB khẳng định dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, nhà băng này đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 với tỷ lệ 10%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) dự tính sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.

Cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đã trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng với tổng số tiền gần 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và dành đủ 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền cho cổ đông.

Cuối cùng, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, HOSE: HDB) cũng là một trong những ngân hàng tích cực chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong các năm vừa qua. Nhờ vào tình hình tài chính vững mạnh và chiến lược phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của Ngân hàng, khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư, HDBank có khả năng sẽ tiếp tục trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024.

Trong năm 2023, đã có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VIB, MB, ACB, TPBank, VPBank và HDBank. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó bứt phá như trước, tỷ lệ trả cổ tức cao từ các ngân hàng cho cổ đông cũng được coi là “cú hích” kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường, lấy lại vị thế của cổ phiếu “vua” mang “họ” ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà băng cũng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.

Về kế hoạch 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế.

Về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư). Các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… theo chủ trương của Chính phủ cũng được ưu tiên. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường cho vay lãi suất ưu đãi đối với các đối tượng thuộc chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ.

Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức 15% bằng tiền mặt, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi trong năm nay

Techcombank chính thức trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% và tăng vốn “khủng” từ hơn 35 nghìn tỷ ...

OCB lên kế hoạch tham vọng với lợi nhuận trước thuế tăng 66%, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 bao gồm phương án tăng vốn điều lệ, kế ...

ĐHĐCĐ Nam A Bank: Dự kiến tăng vốn điều lệ lên 13.725 tỷ đồng, chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu

Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - HOSE: NAB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Đại hội thông qua kế hoạch ...

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục