Điểm 7 nội dung cơ bản Dự thảo Thông tư Quy định, sửa đổi, bổ sung hoạt động kinh doanh xăng dầu

(Banker.vn) Dự thảo Thông tư Quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gồm 4 Chương, 8 Điều và có 7 nội dung cơ bản.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Hoàn thiện Dự thảo 2 Thông tư Quy định, sửa đổi hoạt động kinh doanh xăng dầu

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển đổi, chủ trương và các quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của Chính phủ có nhiều nội dung lớn thay đổi, gần đây nhất là Nghị định số 80/2023/NĐ-CP được ban hành với nhiều điểm mới cần có văn bản để hướng dẫn Sở Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai.

Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo 2 Thông tư quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo 2 Thông tư quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát để hướng dẫn thực thi một số điều của Nghị định số 80/2023/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT và Thông tư số 17/2021/TT-BCT. Đồng thời, Bộ Công Thương đã rà soát nhằm bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo 2 Thông tư Quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gửi xin ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, Dự thảo Thông tư bao gồm 4 Chương 8 Điều.

Cụ thể, Chương I: Những quy định chung, bao gồm 2 Điều. Cụ thể, Điều 1: Phạm vi điều chỉnh; Điều 2: Đối tượng điều chỉnh.

Chương II: Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, bao gồm 2 Điều. Cụ thể, Điều 3: Trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu, cho thuê kho xăng dầu; Điều 4: Trách nhiệm của đại lý bán lẻ xăng dầu khi thực hiện ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba thương nhân.

Chương III: Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm 2 Điều. Cụ thể, Điều 5: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2021/TT-BCT ngày 15/11/2021; Điều 6: Bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC.

Chương IV: Tổ chức, thực hiện, bao gồm 2 Điều. Cụ thể, Điều 7: Trách nhiệm tổ chức thực hiện; Điều 8: Điều khoản thi hành.

7 nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư

Dự thảo Thông tư Quy định, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có 7 nội dung cơ bản.

Nội dung 1: Quy định nội dung về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân có kho xăng dầu cho thuê và thương nhân thuê kho xăng dầu.

- Đối với các thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu có kho xăng dầu thuộc sở hữu cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác thuê sử dụng có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho và cho thuê kho theo Mẫu ban hành kèm theo gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn thương nhân thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp. Theo đó, các thông tin cần báo cáo gồm: tên và địa chỉ của kho; tổng dung tích kho; Tên, địa chỉ thương nhân thuê kho, bể, dung tích cho thuê, sản lượng xăng dầu qua kho trong kỳ báo cáo.

- Đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thuê kho để phục vụ hoạt động kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho thuê theo Mẫu ban hành kèm theo gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn thương nhân thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp. Theo đó, các thông tin cần báo cáo gồm: Tên địa chỉ kho thuê; Tên, chủ sở hữu kho cho thuê, bể, dung tích thuê; tổng sản lượng xăng dầu qua kho trong kỳ báo cáo.

- Giao trách nhiệm cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng kho thuê của thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo các nội dung về Hợp đồng thuê kho; Dung tích thuê sử dụng; Sản lượng hàng hóa qua kho kỳ báo báo. Đồng thời, quy định trường hợp khi phát hiện thương nhân có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng kho, Sở Công Thương kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) để phối hợp quản lý.

Nội dung 2: Quy định trách nhiệm của đại lý bán lẻ xăng dầu khi thực hiện ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

- Thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu có trách nhiệm ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

- Trường hợp thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ có một (01) cửa hàng khi thực ký hợp đồng đại lý với hai (02) hoặc ba (03) thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sửa đổi, bổ sung thông tin thương nhân cung cấp xăng dầu tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định về cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

- Trường hợp thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu khi thực ký hợp đồng đại lý với hai (02) hoặc ba (03) thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sửa đổi, bổ sung thông tin thương nhân cung cấp xăng dầu tại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của thương nhân theo quy định về cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và Giấy chứng nhận cả hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Nội dung 3: Sửa đổi quy định về giá xăng dầu thế giới

Để đảm bảo tính pháp lý về nguồn và sự linh hoạt, chủ động trong việc xác định giá xăng dầu thế giới để tính toán giá cơ sở trong điều hành giá xăng dầu, dự thảo Thông tư quy định về giá xăng dầu thế giới như sau: “Giá xăng dầu thế giới là giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường do Bộ Công Thương xác định và công bố”.

Nội dung 4: Bỏ quy định về kiểm tra và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2023/NĐ-CP, đối với thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu được tiếp tục hoạt động cho đến khi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực. Như vậy, đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu mà Giấy xác nhận còn hiệu lực, trong quá trình hoạt động không thực hiện thủ tục hành chính cấp mới, sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Nội dung 5: Bổ sung nội dung quy định nguyên tắc và trình tự điều hành giá xăng dầu

Để kiện toàn quy trình điều hành giá xăng dầu theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể hóa nhiệm vụ cho các công chức tham gia công tác điều hành giá, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về nguyên tắc và trình tự điều hành giá xăng dầu tại Bộ Công Thương và được thực hiện theo theo Quy chế hoạt động Tổ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Nội dung 6: Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu

Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đăng ký, phân giao, điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo công bằng, khả thi theo Kết luận luận của thanh tra Chính phủ, theo đó, rà soát, bổ sung về yêu cầu thời hạn đăng ký, phân giao, điều chỉnh tổng nguồn, đồng thời bổ sung quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước hoặc điều chỉnh tăng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để các thương nhân thực hiện.

Nội dung 7: Bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu được thành lập, vận hành theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát các văn bản quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 17/2021/TT-BCT và thực tế triển khai công tác điều hành giá, Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu đã không còn hoạt động. Vì vậy, dự thảo Thông tư đã bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục