Niềm tin của nhà đầu tư trở lại sau nhiều tin tích cực trên thị trường chứng khoán |
Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc khi bên mua đã làm chủ và đưa VN-Index đóng cửa phiên đầu tuần (28/11) ở đỉnh trong ngày. Sau 16 phiên, VN-Index lại quay lên trên mốc 1.000 điểm. Trước đó, tuần từ 21 -25/11, VN-Index dừng ở mức trên 970 điểm - mức điểm cao nhất trong hơn 2 tuần trở lại đây. Đáng chú ý, trong phiên chốt tuần (25/11), không chỉ điểm số bật mạnh và dòng tiền cũng đã có sự trở lại ở nhóm vốn hóa lớn, nhất là cổ phiếu ngân hàng.
Nhìn chung, vẫn còn một số cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản chưa dứt đà rơi, song về cơ bản, cả nhóm bất động sản đều ghi nhận sự hồi phục trở lại.
Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định thị trường đã xác lập đáy bền vững hay chưa nhưng với điểm số đã vượt trên 970 điểm, chuyên gia phân tích kỹ thuật cho rằng thị trường có thể xác lập đáy ngắn hạn. Và với việc vượt mốc 1.000 điểm trong phiên 28/11 cho thấy thị trường rất có thể đã tạo đáy ngắn hạn thành công.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứn khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Nếu vượt được 973 điểm, đáy ngắn hạn được xác lập”.
Cũng trong tuần qua, dòng tiền hạ nhiệt trở lại với giá trị khớp lệnh bình quân đạt 9.003 tỷ đồng, giảm 8% so với tuần trước đó. Theo thống kê, mức thanh khoản bình quân toàn thị trường từ đầu tháng 11 đến nay đạt 12.110 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 10. Đây cũng là tín hiệu tích cực do thị trường thường tạo đáy khi thanh khoản thấp.
Mặt khác, xu hướng mua bán của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua cũng là vấn đề đáng quan tâm khi quay trở lại mua ròng trong tháng 11.
Cụ thể, tuần qua, khối ngoại tiếp tục giải ngân trên thị trường với giá trị 1.612 tỷ đồng. Trong 2 tuần trước, nhóm này đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng thông qua các quỹ ETFs.
Các chuyên gia phân tích, khi khối ngoại có xu hướng mua vào thường dựa trên 2 yếu tố. Một là về yếu tố vĩ mô, rõ ràng đang tốt. Hai là về yếu tố cơ bản, định giá thị trường đang thấp.
Thực tế, trên thế giới, các yếu tố vĩ mô cũng đã ổn định, CPI của Mỹ đã giảm, qua đó cho thấy tốc độ tăng lãi suất của FED sẽ giảm đi, từ đó không gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Đồng thời, thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới cũng đang tích cực hơn.
Bên cạnh những tác động tích cực từ thế giới, yếu tố vĩ mô của Việt Nam được đánh giá vẫn đang ổn. Hiện trong nước còn room tín dụng. Sau khi đã ổn định về câu chuyện lạm phát, tăng trưởng, đầu 2023 sẽ có tín hiệu mở room để khơi thông dòng vốn, đây là điều căn cơ cho TTCK Việt. Những kỳ vọng này có thể tạo nên tâm lý tích cực cho thị trường cuối 2022.
Hơn nữa, TTCK giảm 35% so với vùng đỉnh đầu năm, trong khi các nước trong khu vực chỉ giảm từ 7- 15%.
“Với những tín hiệu mới, tôi cho rằng, trong tuần qua, VN-Index tiếp tục tạo đáy thứ 2 thành công và thị trường đã tạo đáy ngắn hạn ở đây, thậm chí là đáy trung hạn cho tới tháng 3, tháng 4/2023”, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư cao cấp, Chứng khoán MB (MBS) nói.
Đánh giá về xu hướng từ nay đến cuối năm 2022, ông Tuấn nhận định, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giải ngân vào TTCK Việt Nam và VN-Index sẽ nằm trong xu hướng tăng điểm, hướng tới mục tiêu 1.120 điểm vào cuối năm nay, tức là tăng thêm khoảng 15,4% tính từ thời điểm đóng cửa ở vùng 971 vào thứ Sáu ngày 25/11/2022.
Mua bán thế nào ở thời điểm này?
Các chuyên gia chứng khoán cũng đồng quan điểm, TTCK Việt Nam đang mở ra cơ hội mua dài hạn với mức định giá hiếm có trong lịch sử bởi khả năng “sale-off” sẽ chỉ kéo dài đến hết năm 2022 khi dòng vốn ít nhiều được khơi thông. Vì vậy, đối với những nhà đầu tư còn kẹp lại và đã có tỷ trọng cổ phiếu cao không nhất thiết phải hạ tỷ trọng nhưng cần xem xét lại kỹ danh mục để cơ cấu sang một danh mục lành mạnh hơn. Còn với người cầm tiền, nếu chưa xuống tiền ở đáy, vẫn hoàn toàn có thể cân nhắc xuống tiền.
Trong trường hợp thị trường vượt thành công MA20, nhà đầu tư có thể gia tăng vị thế đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không chịu ảnh hưởng bởi biến động của các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, ưu tiên cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định với mức chiết khấu rất sâu như các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ngân hàng, chứng khoán, điện và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công.
“Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới”, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT khuyến nghị.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý tỷ trọng giao dịch, tránh rượt đuổi những cổ phiếu "định giá rẻ" mà không tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro khó lường do định giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn. Bởi thực tế, cổ phiếu của một doanh nghiệp được cho là có "định giá rẻ" có thể do doanh thu và lợi nhuận năm 2022 ghi nhận tốt nhờ nền kinh tế khởi sắc hậu COVID. Song, trong bối cảnh thị trường vốn khó tiếp cận, nhu cầu suy yếu, nhiều khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, từ đó làm tăng P/E, khiến định giá tưởng rẻ trở nên đắt.
“Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút có thể biến giá cổ phiếu tưởng rẻ trở thành đắt”, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC lưu ý.
Bên cạnh đó, tạm thời chưa nên giải ngân vào nhóm xây dựng, bất động sản hoặc các ngân hàng tư nhân có quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.
Tất nhiên, để có một danh mục dài hạn an toàn, nhà đầu tư cần chuẩn bị nguồn tiền đầu tư ổn định, không bị rút ra trước hạn, chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải khoảng 20-20% danh mục, và hạn chế tối đa sử dụng tiền vay để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro khi TTCK đột ngột đảo chiều.
Thanh Tùng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|