Dịch giả, nhà thơ của thi phẩm “Tình khúc 24” Dương Tường qua đời

(Banker.vn) Dịch giả, nhà thơ của thi phẩm "Tình khúc 24" Dương Tường đã qua đời ngày 24/2. Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp và độc giả thương tiếc.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Bài thơ “Nhân mãi niềm vui” và “cái cớ” đáng yêu… Nhà thơ Giang Nam - tác giả của "Quê hương" từ trần sáng mùng 2 Tết

Nhà thơ, dich giả Dương Tường sinh năm 1932 ở Nam Định. Ông từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Dịch giả, nhà thơ của thi phẩm “Tình khúc 24” Dương Tường qua đời
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Trong gia tài dịch thuật, ông có hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản. Trong đó, nhiều bản dịch của ông chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Lolita, Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, hay Đi tìm thời gian đã mất.

Năm 2020, ở tuổi 88, ông hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, coi đó là "đỉnh núi Everest" cần chỉnh phục cuối cùng.

Ngoài dịch thuật, Dương Tường phê bình văn học, mỹ thuật, làm thơ. Ông từng thể nghiệm thể loại mà ông gọi là "thơ ngoài lời", với cách biểu đạt, hình thức mới.

Ông đã in các tập Dương Tường - Thơ, 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác. Dương Tường còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (bút danh Nguyễn Trinh).

Đặc biệt, Dương Tường là tác giả của thi phẩm nổi tiếng "Tình khúc 24", từng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc: "24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư…

Với những cống hiến của mình, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Đối với đồng nghiệp, khi nhắc tới ông đều nhớ về một người tận tụy với con chữ. Những năm tháng cuối đời, dù mắc nhiều bệnh nặng, ông vẫn "tham công tiếc việc", không hề ngưng nghỉ. Ông từng chia sẻ: "Tôi cảm thấy cuộc đời mình đã được tiếng Việt nuôi dưỡng, được làm nghề, sống với nghề nên muốn có một tác phẩm ghi dấu ấn cuối đời".

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương