Dịch bạch hầu gây tử vong quay trở lại, cách nhận biết sớm bệnh bạch hầu

(Banker.vn) Sau gần 20 năm không xuất hiện, mới đây tỉnh Hà Giang đã ghi nhận 32 ca nghi mắc dịch bệnh bạch hầu, 2 người đã tử vong.
Đảm bảo không để thiếu thuốc phòng chống dịch bệnh Cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống dịch bệnh

Tất cả trường hợp xác định và nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều ở huyện Mèo Vạc, tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai 14 ca. Sở Y tế Hà Giang đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng.

Dịch bạch hầu là một trong những tác nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh dễ lây lan, diễn ra nhanh chóng, vì thế một người mắc bệnh cần phải được cách ly.

Dịch bạch hầu gây tử vong quay trở lại, cách nhận biết sớm bệnh bạch hầu
Lấy mẫu bệnh phẩm nghi ngờ bệnh bạch hầu làm xét nghiệm. Ảnh: CDC Hà Giang

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác: Kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi.

Ở giai đoạn đầu, bệnh bạch hầu dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng nặng. Sốt nhẹ và sưng hạch ở cổ là những triệu chứng ban đầu khác.

Khi nhiễm trùng thường có các triệu chứng như: Khó thở hoặc khó nuốt, nhìn song thị, thay đổi thị lực, nói ngọng và có dấu hiệu bị sốc (da nhợt nhạt và lạnh, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và có vẻ lo lắng).

Với sự chăm sóc kịp thời tại bệnh viện, hầu hết bệnh nhân bạch hầu đều khỏi. Sau khi thuốc kháng sinh và thuốc kháng độc phát huy tác dụng, người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường từ 4 - 6 tuần, hoặc cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Việc nghỉ ngơi tại giường đặc biệt quan trọng nếu bị viêm cơ tim - một biến chứng của bệnh bạch hầu.

Trong các trường hợp bệnh bạch hầu tiến triển ngoài nhiễm trùng cổ họng, độc tố sẽ lan truyền qua máu. Điều này có thể đe dọa tính mạng; ảnh hưởng đến cơ quan khác, như tim và thận. Khoảng 50% người mắc bệnh bạch hầu không được điều trị có thể tử vong.

Vì vậy, những người bị nhiễm trùng nặng cần máy thở, nếu chất độc đã lan đến tim, thận hoặc hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân cần truyền dịch IV, liệu pháp oxy hoặc thuốc trợ tim theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu/uốn ván/ho gà cho trẻ em và thanh thiếu niên và người lớn chưa được tiêm chủng. Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm vaccine bạch hầu vào các thời điểm:

Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván: tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương