Địa ốc Tân Kỷ (TKC) có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc

(Banker.vn) Địa ốc Tân Kỷ đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán.
Địa ốc Tân Kỷ (TKC) có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo cổ phiếu TKC của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân kỷ có khả năng bị hủy niêm yết do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán.

HNX cho hay, sẽ xem xét tiến hành huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TKC của Địa ốc Tân Kỷ, đồng thời đề nghị công ty có văn bản phản hồi về vấn đề trên chậm nhất trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo.

Địa ốc Tân Kỷ (TKC) có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc
Thông báo của HNX về việc có khả năng huỷ niêm yết đối với cổ phiếu TKC

Hiện tại, Địa Ốc Tân Kỷ đang bị đình chỉ giao dịch do vốn chủ sở hữu âm, tính trên BCTC kỳ gần nhất, chậm nộp báo cáo tài chính, vi phạm công bố thông tin nhiều lần và chưa tổ chức ĐHĐCĐ TN 2023.

Được biết, Địa ốc Tân Kỷ có tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ Tân Kỷ, được thành lập năm 1999, có địa chỉ tại số 63 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2007, chính thức chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng và trang trí nội thất; Xây dựng cầu đường; Lập dự án đầu tư, tư vấn đầu tư, tư vấn đấu thầu.

Ngày 1/12/2009, Cổ phiếu của Địa ốc Tân Kỷ được niêm yết và giao dịch trên Sàn HNX. Sau nhiều lần tăng vốn, tại tháng 10/2022, vốn điều lệ của công ty này đang ở mức 156,8 tỷ đồng.

Hiện nay, với mức vốn điều lệ trên, Địa ốc Tân Kỷ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán 15.674.712 cổ phiếu. Trong đó, số cổ phiếu đang lưu hành 15.024.712 cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, Địa ốc Tân Kỷ, từng là nhà thầu ít nhiều có tiếng ở khu vực phía Nam với sự điều hành của anh em doanh nhân Trần Văn Sỹ.

Doanh nghiệp này bắt đầu "bén duyên" với Tập đoàn Central Capital từ giữa năm 2020 với việc trở thành nhà thầu dự án Prime Hotel & Resorts Cam Ranh và tiếp đó là dự án Da Nang Silk Tower 1 vào tháng 10/2020.

Màn đổi chủ tại Địa ốc Tân Kỷ rõ nét hơn khi giai đoạn 17/11 – 30/11/2021, công ty này chứng kiến sự thoái lui của loạt cổ đông nội bộ, bao gồm các uỷ viên HĐQT và người thân, như: ông Trần Văn Sỹ (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Tuấn (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Nho (bán 586.035 cổ phiếu).

Ở chiều hướng ngược lại, 3 nhà đầu tư cá nhân có liên quan đến Central Capital đã mua vào lượng lớn cổ phiếu TKC, bao gồm: ông Lê Đại Nghĩa (mua vào 1,1 triệu cổ phiếu; tương đương 10,25% vốn điều lệ), bà Lê Võ Thu Hà (mua vào 823.074 cổ phiếu; chiếm 7,67% vốn điều lệ), bà Vũ Thị Kim Loan (mua vào 1 triệu cổ phiếu; chiếm 9,23% vốn điều lệ). Các giao dịch này đều được thực hiện vào ngày 17/11/2021.

Ít tuần sau đó, thượng tầng của TKC cũng được "thay máu", khi ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS nhiệm kỳ cũ, đồng thời bầu ra HĐQT và BKS mới cho nhiệm kỳ 2019 – 2024. Trong số 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, có tới 3 đại diện liên quan tới nhóm Central Capital, là các ông Lê Đại Nghĩa, Trần Trọng Dũng và Trần Đức Vinh. Ông Lê Đại Nghĩa sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT TKC.

Đến tháng 7/2022, ông Nghĩa nâng tỷ lệ sở hữu tại TKC lên 19,45%, trong khi bà Vũ Thị Kim Loan và ông Trần Trọng Dũng thoái toàn bộ vốn. Tương tự, cá nhân cùng nhóm là bà Lê Võ Thu Hà cũng đã hạ tỷ lệ nắm giữ tại TKC về 0% vào ngày 23/6/2023.

Hướng ngược lại, Quỹ đầu tư tài chính MKDS - thành viên thuộc Công CP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Thái Dương (Thai Duong Capital) đã liên tục gom cổ phiếu TKC, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 30/6/2023 với tỷ lệ nắm giữ lên đến 10,15%.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015-2018, doanh thu, lợi nhuận của Địa Ốc Tân Kỷ khá ổn định, song sang năm 2019, tình hình tài chính của công ty này xấu đi trông thấy khi doanh thu giảm hơn một nửa về còn 588 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm tới 93%, còn 832 triệu đồng so vời cùng kỳ năm trước.

Tính đến hiện tại, Tân Kỷ mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 (tự lập). Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 113 tỷ đồng, giảm 72,2% so với năm trước, trong khi đó, khoản lỗ bất ngờ lên tới 638 tỷ đồng (năm 2021 lãi 150 triệu đồng).

Trên thị trường chứng khoán, từ cuối tháng 9 đến nay, gần như không có giao dịch nào được thực hiện đối với cổ phiếu TKC. Tại ngày 21/11, giá cổ phiếu TKC “bất động” với 1.200 đồng/cp (không đổi từ ngày 22/9), giảm 50% so với đầu năm 2023, với mức vốn hóa thị trường 18 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, ngày 6/9/2022 Cục Hải quan TP.HCM đã có quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Địa ốc Tân Kỷ. Nguyên nhân do Địa ốc Tân Kỷ bị cưỡng chế do có tiền nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định số tiền là hơn 2,7 tỷ đồng.

Trên thị trường xây dựng, Địa ốc Tân Kỷ được biết đến với vai trò là đơn vị thi công của nhiều công trình, dự án như: Dự án Swisstouches La Luna Resort tại địa chỉ Khu đô thị Vĩnh Hòa, Phường Vĩnh Hòa, Thành phố Nha Trang do Công ty CP khách sạn Bến Du Thuyền làm chủ đầu tư hay dự án Ocean Gate Hotel & Residence, địa chỉ 32 – 34 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong làm chủ đầu tư…

Cổ phiếu TKC bị đình chỉ giao dịch từ ngày 25/9

Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (HNX: TKC) vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra ...

Cổ phiếu TKC bị đình chỉ giao dịch, ông Lê Đại Nghĩa muốn thoái sạch vốn

Mới đây, ông Lê Đại Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (HNX: TKC) vừa đăng ...

Thị trường chứng khoán ngày 22/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Dầu khí hút tiền, VN-Index vững đà tăng điểm; Cổ phiếu Địa ốc Tân Kỷ có khả năng bị hủy niêm yết; MWG có thể ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán